Bệnh nhân suy dinh dưỡng trong bệnh viện lên đến 60%
Kinh nghiệm y học - Ngày đăng : 14:49, 08/08/2016
Tình trạng bệnh nhân suy dinh dưỡng trong bệnh viện đang gây khó khăn cho điều trị, tốn kém tiền bạc, công sức và nguy cơ tử vong cao.
TS.BS Lâm Vĩnh Niên – Trưởng khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM đã chia sẻ như thế tại lễ ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác thực hiện chương trình sàng lọc suy dinh dưỡng sớm cho người bệnh đến khám và điều trị tại Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM diễn ra sáng nay (8.8)
Theo bác sĩ Niên, suy dinh dưỡng có thể là hậu quả của sự thiếu hụt trong chế độ ăn, tăng nhu cầu do tình trạng bệnh, do biến chứng của bệnh nền (như hấp thu kém, mất chất dinh dưỡng quá mức) hoặc các nguyên nhân này có thể phối hợp với nhau. Suy dinh dưỡng gặp ở người bệnh nằm viện thường là sự kết hợp của tình trạng suy mòn (do bệnh tật) và dinh dưỡng kém (hấp thu không đầy đủ chất dinh dưỡng).
Phân tích của bác sĩ Niên cho thấy, suy dinh dưỡng làm tổn thương hoạt động chuyển hóa của tế bào, tổn thương sức khỏe thể chất và tinh thần của người bệnh. Ở mức độ tế bào, suy dinh dưỡng làm cơ thể đáp ứng kém với nhiễm khuẩn, tăng nguy cơ loét do tì đè, làm chậm lành vết thương, giảm hấp thu dinh dưỡng ở ruột, thay đổi thân nhiệt và tổn thương chức năng thận.
Ở mức độ cơ thể, suy dinh dưỡng làm mất khối cơ và khối mỡ, giảm cơ hô hấp, giảm chức năng tim, teo các cơ quan nội tạng. Ở mức độ tinh thần, suy dinh dưỡng có liên quan với tình trạng mệt mỏi, cảm giác chán chường, từ đó dẫn đến chán ăn, phục hồi chậm. Suy dinh dưỡng lúc nhập viện hoặc tình trạng dinh dưỡng suy giảm trong quá trình nằm viện đã được chứng minh làm kéo dài thời gian nằm viện đến 4-5 ngày
Bệnh nhân suy dinh dưỡng trong bệnh viện gây khó khăn cho điều trị, tốn kém tiền bạc, công sức và nguy cơ tử vong cao.
“Tình trạng suy dinh dưỡng khiến cho bệnh nhân tăng gấp 3 lần số ngày nằm viện, tăng gấp 3 lần nguy cơ nghiễm trùng, đặc biệt tăng gấp 2 lần nguy cơ tử vong so với bệnh nhân không bị suy dinh dưỡng. Đối với bệnh nhân suy dinh dưỡng có nguy cơ nhiễm trùng lên đến 15% còn với bệnh nhân dinh dưỡng tốt chỉ có 4%. Trong khi đó, bệnh nhân không suy dinh dưỡng thời gian nằm viện chỉ khoảng 4%, còn bệnh nhân suy dinh dưỡng thời gian nằm viện tăng lên đến 11%.
Bệnh nhân suy dinh dưỡng kéo dài thời gian điều trị gây tốn kém lớn cho quá trình điều trị bệnh, từ tiền bạc đến công sức chăm sóc điều trị của bác sĩ, điều dưỡng. Đồng thời bệnh nhân suy sinh dưỡng còn giảm khả năng tự sinh hoạt, tăng sự lệ thuộc vào người khác”, bác sĩ Niên cho hay.
PGS.TS.BS Trương Quang Bình – Phó giám đốc Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM cho rằng, mục tiêu của khám và điều trị bệnh ngày nay không chỉ làm sao đem lại kết quả tốt nhất cho sức khỏe bệnh nhân mà còn phát triển thêm tình trạng sức khỏe của bệnh nhân.Trong quá trình điều trị bệnh, nếu bệnh nhân có một chế độ dinh dưỡng hợp lý, tình trạng dinh dưỡng tốt thì việc sử dụng thuốc để điều trị bệnh mới hiệu quả, còn không thì ngược lại.
"Bắt đầu từ tháng 8 đến tháng 9.2016, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM phối hợp với Công ty Abbott tổ chức sàn lọc suy dinh dưỡng sớm cho người bệnh khám và điều trị tại bệnh viện, thân nhân và những người có quan tâm đến vấn đề suy dinh dưỡng trong cộng đồng.
Người bệnh đến khám và điều trị tại bệnh viện được đo chỉ số cơ thể (BMI) để xác định tình trạng dinh dưỡng. Dựa trên kết quả đó, mỗi tháng một lần, bệnh viện sẽ tổ chức các chương trình khám và tư vấn miễn phí về suy dinh dưỡng và chế độ ăn phù hợp cho người bệnh bị suy dinh dưỡng”, ông Bình cho biết.
Hồ Quang