Sẽ có thuốc giảm đau không gây nghiện

Kinh nghiệm y học - Ngày đăng : 14:53, 01/08/2016

Theo Eurek Alert, các nhà khoa học ở Đại học y Hà Bắc, Trung Quốc và Đại học Leeds, Anh, đã cùng phát hiện ra những hợp chất tự nhiên kích hoạt các tín hiệu thông báo cảm giác đau ở hệ thần kinh trung ương, có ảnh hưởng đặc biệt tới những bộ phận khác của cơ thể.
Ảnh minh họa.

Phát hiện này có thể dẫn đến việc tìm ra những phương pháp giảm đau mới. Chất P được tiết ra trong hệ thần kinh trung ương (đại não và tủy sống) cũng như trong hệ thần kinh ngoại biên.

Các nhà khoa học đã xác định được rằng trong hệ thần kinh ngoại biên, chất P làm cho các tế bào thần kinh ít nhạy cảm hơn và như vậy giảm bớt được cảm giác đau. Còn trong hệ thần kinh trung ương, chất P làm tăng cảm giác đau, tức là gây hiệu ứng ngược lại.

Vì vậy, nếu tìm cách kiềm chế tác động của chất P thì có thể, trái với mong đợi, cảm giác đau ở hệ thần kinh ngoại biên vẫn được duy trì. Giáo sư Nikita Gamper, ở Đại học Leeds, người lãnh đạo nhóm nghiên cứu chia sẻ rằng đây là điều khiến các nhà khoa học bất ngờ vì được biết hệ thần kinh ngoại biên rất linh hoạt, bị lệ thuộc ở một chừng mực nhất định.

Thực chất của quá trình trên là chất P có liên quan đến việc sản sinh ra một loại protein rất quan trọng để truyền cảm giác đau và rất nhạy cảm với kẽm. Vì vậy, chất kẽm trong máu có thể ức chế hoạt tính của các protein và phản xạ thần kinh. Nếu ứng dụng cơ chế đó, chúng ta có thể đối phó với cảm giác đau.

Chẳng hạn, moocphin tác động tới hệ thần kinh trung ương. Nhưng lại gây những tác dụng phụ không mong muốn như gây nghiện chẳng hạn. Trên cơ sở của công trình nghiên cứu trên, các nhà khoa học muốn bào chế những loại thuốc mô phỏng hiệu quả của chất P để giảm đau, kể cả những chứng đau mạn tính mà không để lại tác dụng phụ nào.

Trong khi đó, theo tạp chí Zee News, các nhà khoa học ở Đại học Vanderbilt và Đại học Sức khỏe và khoa học Oregon, đã phát hiện một số yếu tố làm tăng nguy cơ truyền bệnh đau mạn tính từ cha mẹ sang con cái. Trong số đó có yếu tố di truyền, sự phát triển thời ấu thơ và môi trường xã hội.

Đặc biệt, yếu tố di truyền quyết định tới 50% nguy cơ mắc bệnh. Bệnh đau mạn tính ở bố mẹ có thể làm hoạt động của hệ thần kinh trung ương của bé bị trục trặc, ngoài ra, mức độ hoạt động thể chất của bố mẹ cũng như điều kiện sống trong gia đình cũng có thể là nguyên nhân gây bệnh.

Vũ Trung Hương