Miếng dán theo dõi nồng độ thuốc trong máu
Kinh nghiệm y học - Ngày đăng : 09:44, 27/07/2016
Theo tờ Zee News, miếng dán gồm các kim nhỏ xíu đâm vào lớp da ngoài nhưng không hề chạm tới lớp da có thần kinh, mạch máu và nơi các tế bào miễn dịch hoạt động. Chỉ như vậy là đủ để xác định được nồng độ thuốc trong máu bệnh nhân là bao nhiêu và việc điều trị có kết quả hay không. Những chiếc kim giống như hình nón rỗng, được thiết kế để không gây đau cho người đeo miếng dán.
Trong cuộc hội thảo khoa học tại Viện Paul Scherrer (PSI), Thụy Sĩ, người sáng chế miếng dán trên, nhà nghiên cứu Sahan Ranamukhaarachchi cho rằng ý tưởng chế tạo miếng dán không phải là mới và mục đích dùng của miếng dán là theo dõi xem nồng độ chất kháng sinh vancomycin trong máu sau khi được tiêm ven là bao nhiêu.
Thông thường khi tiêm thuốc này, bệnh nhân phải lấy máu 3-4 lần/ngày để thử vì đây là loại thuốc kháng sinh có những tác dụng phụ nguy hiểm cho tính mạng người bệnh. Giờ thì công việc đó trở nên nhẹ nhàng hơn rất nhiều do miếng dán phân tích dịch trên lớp da ngoài cùng. Phản ứng cho phép đánh giá nồng độ chất kháng sinh diễn ra bên trong chiếc kim rỗng và một bộ cảm biến quang học cho phép nhìn rõ điều đó. Các bác sĩ nhận xét với miếng dán này, công việc theo dõi nồng độ thuốc trong máu bệnh nhân trở nên thuận lợi và nhanh gon.
Vũ Trung Hương