Cần Thơ: Bệnh viện nhi ‘thất thủ’ bởi 1.300 ca tay chân miệng

Kinh nghiệm y học - Ngày đăng : 17:30, 15/10/2018

Chiều 15.10, Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ cho biết đã có 1.300 ca tay chân miệng nhập viện điều trị trong tháng 10.2018. Đây là con số đáng báo động, tăng gấp đôi cùng kỳ năm trước.
Phụ huynh, trẻ nhỏ nằm la liệt ở hành lang vì bệnh viện không còn đủ chỗ - Ảnh: Thanh Nguyên

Bệnh viện Nhi đồng TP.Cần Thơ hiện đang “oằn mình” tiếp nhận hằng trăm ca bệnh tay chân miệng đến bệnh viện điều trị mỗi ngày. Số giường bệnh của bệnh viện không đủ đáp ứng nhu cầu điều trị nội trú.

Tình trạng quá tải tại bệnh viện - Ảnh: Thanh Nguyên

Cảnh tượng các bệnh nhi nằm tràn lan ngoài hành lang bệnh viện hoặc qua khoa khác “nằm ké” là cảnh tượng thường xuyên diễn ra. Có thời điểm 5 bệnh nhi phải chen nhau nằm chung 1 giường. Trong khi đó, bác sĩ, điều dưỡng thì tất bật ngày đêm chăm lo cho các em.

Bác sĩ CK II Huỳnh Trung Dũng - Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh (Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ) cho biết, toàn bệnh viện hiện có 500 giường đáp ứng cho bệnh nhân nội trú. Riêng khoa Nhiễm - Thần kinh chỉ có 60 giường nên không thể đáp ứng được nhu cầu, dẫn đến việc quá tải.

Bệnh tay chân miệng tăng đột biến khiến Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ phải vất vả “chống đỡ” - Ảnh: Thanh Nguyên

Mỗi ngày tại Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ tiếp nhận khoảng hơn 200 ca mắc bệnh này, lúc cao điểm nhất có thể lên đến 300 ca/ngày. Đa số bệnh nhi mắc bệnh nghiêm trọng thường rơi vào dưới 2 tuổi.

Bác sĩ Dũng cho biết, đội ngũ nhân viên y tế tại bệnh viện đã làm việc vượt công suất để kịp thời điều trị cho bệnh nhân. Thời điểm bệnh đông lên đến 280 - 300 bệnh nhi/ngày, bác sĩ và điều dưỡng tại bệnh viện phải căng sức làm việc dù số lượng cán bộ có hạn. Nhân viên bệnh viện phải chia nhau trực và tăng cường thêm từ khoa khác nhưng vẫn không đảm bảo hết công việc.

Các bác sĩ, nhân viên của bệnh viện phải làm việc vượt công suất - Ảnh: Thanh Nguyên

Cường độ công việc của y, bác sĩ, nhân viên bệnh viện tăng lên gấp 6 lần bình thường bệnh viện cũng không giải quyết cho nhân viên nghỉ phép trong thời gian này.

“Hiện khoa Nhiễm - Thần kinh có 5 bác sĩ phải chia nhau khám gần 300 bệnh nội trú mỗi ngày. Có những hôm đến 2 giờ chiều mới nghỉ tay ăn trưa, tối thì làm đến tận 8 - 9 giờ tối mới về nhà. Đã có một số điều dưỡng nữ bị ngất xỉu do làm việc quá sức”, bác sĩ Dũng thông tin.

Bác sĩ khuyến cáo, người dân tuyệt đối phải cẩn trọng khi con bị tay chân miệng - Ảnh: Thanh Nguyên

Phía Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ cho biết, đa số ca tay chân miệng xét nghiệm mắc chủng virus EV71. Bệnh viện ghi nhận có nhiều trường hợp chuyển độ nhanh và đột ngột, có khi bỏ qua độ 2, đột ngột vào độ 3 sốc và suy hô hấp nhanh. Do đó, khi khám các bác sĩ luôn tư vấn kỹ để người nhà lưu ý.

Có một số trường hợp cha mẹ thấy bé mới bị độ 1, nổi bóng nước ở tay, chân nên hay tự ý đưa bé về nhà để nghỉ ngơi cho thoải mái. Tuy nhiên, bệnh này diễn biến rất nhanh, chỉ trong vòng 1 giờ đồng hồ có thể chuyển từ độ 1 sang độ 4, trong trường hợp này nếu không được cấp cứu kịp thời sẽ rất nguy hiểm.

Thanh Nguyên