Người chồng khỏi ung thư gan nhờ một phần lá gan của vợ
Kinh nghiệm y học - Ngày đăng : 15:20, 24/07/2018
Từ khi biết chồng mắc phải căn bệnh ung thư gan, chị Trương Thị Kim H. (33 tuổi, quê Tiền Giang) cảm thấy rất hoang mang và lo lắng, nhất là gần đây khi anh Trần Văn V. (50 tuổi, chồng chị) được bác sĩ phẫu thuật chữa trị căn bệnh ung thư gan nhưng đang có dấu hiệu đi vào ngỏ cụt, bệnh nhân không còn đáp ứng với việc điều trị nội khoa càng khiến cho chị H. cảm thấy đau khổ rất nhiều.
Theo lời chị H., chồng chị mắc phải căn bệnh viêm gan B từ hơn 20 năm trước và đã đến bệnh viện điều trị. Tuy nhiên có giai đoạn anh lơ là với việc điều trị dẫn đến xơ gan rồi ung thư gan. Cách đây 4 năm, anh đã phẫu thuật để điều trị căn bệnh ung thư gan, nhưng sau một thời gian điều trị, lá gan của anh gần như không thể đáp ứng được với việc điều trị nội khoa, sự sống của anh được các bác sĩ tiên lượng chỉ khoảng 6 tháng đến 1 năm.
“Khi bác sĩ nói, sự sống của chồng tui chỉ còn vài tháng nữa, tui cảm thấy đau khổ tột cùng nhưng chưa biết cách nào để cứu chồng. Tuy nhiên, khi các bác sĩ ở Bệnh viện Đại học Y Dược (TP.HCM) thông báo tui và chồng có cùng nhóm máu, tình trạng sức khỏe cũng phù hợp, tui mừng đến rơi nước mắt và quyết định hiến gan để cứu chồng”, chị H. nhớ lại và cho biết lúc đó chị không hề lo lắng bất cứu điều gì từ việc hiến gan cứu chồng sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của mình.
“Điều tui quan tâm nhất lúc này là sức khỏe của anh được hồi phục, sống lâu dài cùng vợ con. Hai đứa con tui rất cần có cha bên cạnh nuôi dưỡng và dạy bảo. Tui khát khao về một gia đình vẹn toàn, trong đó tất cả thành viên đều có thể sống lâu dài và khỏe mạnh cùng nhau. Do đó, nếu lấy đi một phần lá gan của tui để ghép cứu sống được cho anh thì đó là niềm vui, niềm hạnh phúc nhất mà mình mong ước”, chị H. chia sẻ.
Ngày 24.7 TS. BS Trần Công Duy Long – Phó trưởng khoa Ngoại Gan – Mật – Tụy, Bệnh viện Đại học Y Dược (TP.HCM) cho hay bệnh viện đã thực hiện thành công ca ghép gan cho bệnh nhân V. từ lá gan của người vợ anh - chị H. hiến tặng. Đây là ca ghép gan đầu tiên mà bệnh viện này thực hiện.
“Sự thành công của ca phẫu thuật ghép gan này đã giúp anh V. khỏi hẳn xơ gan, ung thư gan và có khả năng khỏi hẳn viêm gan B. Quan trọng hơn cả, ca phẫu thuật đã giúp anh V. tiếp tục sống lâu dài cùng gia đình và chất lượng cuộc sống được cải thiện vượt bậc. Hiện tại sức khỏe anh V. đã ổn định và xuất viện. Anh V. sẽ tái khám thường xuyên trong một năm đầu sau ghép” - bác sĩ Long cho biết.
Theo bác sĩ Long, việc chị H. hiến một phần lá gan của mình để cứu chồng hoàn toàn không ảnh hưởng gì đến sức khỏe, vì gan có khả năng tái sinh bù trừ, nên phần gan còn lại trong cơ thể chị H. sẽ phát triển lớn hơn để đáp ứng nhu cầu cơ thể và đảm bảo sức khỏe của chị không bị ảnh hưởng sau khi hiến gan.
TS.BS Phạm Văn Tấn - Phó giám đốc Bệnh viện Đại học Y Dược chia sẻ: Ghép tạng đã được bệnh viện định hướng từ năm 2004 bằng việc đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, trình độ chuyên môn để đáp ứng tất cả những tiêu chuẩn, yêu cầu nghiêm ngặt của kỹ thuật ghép tạng và đảm bảo sự thành công ngay từ ca ghép đầu tiên.
Với sự thành công của ca ghép gan này, trong thời gian tới bệnh viện sẽ đẩy mạnh kỹ thuật ghép tạng. Sắp tới đây, bệnh viện sẽ thực hiện nhiều ca ghép gan, thận, giác mạc, tim... Vào ngày 29.7 tới, bệnh viện sẽ tiếp tục thực hiện ca ghép gan thứ 2 cho một bệnh nhân được con gái ruột hiến một phần lá gan của mình.
“Chúng tôi sẽ cố gắng mang lại thêm nhiều sự sống cho những bệnh nhân đang đi vào ngõ cụt bằng việc tăng cường ghép tạng”, bác sĩ Tấn nói.
Qua trường hợp trên, PGS.TS.BS Bùi Hữu Hoàng-Trưởng khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Đại học Y Dược khuyến cáo để tránh tình trạng xơ gan, ung thư gan không đáp ứng với việc điều trị phải ghép gan, người bệnh nên tầm soát định kỳ, tiêm ngừa vắc xin viêm gan B, hạn chế rượu bia gây ra tình trạng xơ gan. Nếu phát hiện viêm gan B phải điều trị kịp thời đúng theo phác đồ.
Hồ Quang