Phụ nữ ra đường kiểu ninja sợ nắng, coi chừng bị bệnh loãng xương
Kinh nghiệm y học - Ngày đăng : 06:49, 18/12/2018
Căn bệnh loãng xương giờ đây không chỉ có ở người lớn tuổi mà rất nhiều người trẻ tuổi cũng mắc phải căn bệnh này. Thậm chí có người chỉ mới đôi mươi cũng bị bệnh loãng xương, gây ra không ít những hệ lụy cho sức khỏe. Có người còn tàn phế, bại liệt suốt đời.
Loãng xương là tình trạng rối loạn chuyển hoá xương, dẫn đến tổn thương sức mạnh của xương, làm tăng nguy cơ gãy xương. Trước đây, nhiều người vẫn nghĩ loãng xương là bệnh phổ biến ở phụ nữ sau mãn kinh và người lớn tuổi. Nhưng ngày nay, căn bệnh này đã “phủ sóng” đến những người trẻ.
Loãng xương gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống của người bệnh. Đặc biệt, trường hợp loãng xương ở người trẻ, đang trong độ tuổi lao động, thì càng ảnh hưởng lớn đến công việc và sự nghiệp của người bệnh.
Theo bác sĩ Cao Thanh Ngọc - Phụ trách Khoa Nội cơ xương khớp, Bệnh viện Đại học Y Dược (TP.HCM) người trẻ bị loãng xương là do thứ phát. Thường những người trẻ bị loãng xương là do bệnh lý nội tiết, bệnh thận mạn, những bệnh mãn tính về khớp hoặc bệnh tự miễn như lupus, viêm khớp dạng thấp, hoặc hội chứng kém hấp thu, sử dụng các loại thuốc làm mất xương như: corticosteroid, thuốc chống co giật…
Tình trạng xương bị loãng của một bệnh nhân mắc bệnh loãng xương - Ảnh: N.P
Bên cạnh đó, bệnh loãng xương xuất hiện ngày càng nhiều ở người trẻ tuổi là do lối sống, ăn uống và chế độ sinh hoạt. Những người trẻ lười vận động, sử dụng nhiều chất kích thích như rượu, bia, cà phê, thuốc lá… có nguy cơ mắc bệnh loãng xương rất cao.
Tuy nhiên có một thói quen hiện nay của nhiều người trẻ, nhất là phụ nữ, đang khiến họ có nguy cơ mắc bệnh loãng xương rất cao mà bản thân không hay biết, hoặc không nghĩ đến, đó là việc che chắn nắng quá kỹ mỗi khi ra đường.
“Do lo ngại bị nắng làm đen sạm làn da, nhiều bạn nữ có thói quen che chắn nắng quá kỹ mỗi khi ra ngoài nên da không có điều kiện tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, dẫn đến bị thiếu vitamin D trầm trọng. Tất cả những yếu tố này làm ảnh hưởng đến quá trình hấp thu, trao đổi chất của cơ thể, cũng như làm mất cân bằng giữa quá trình tạo xương, hủy xương và có thể dẫn đến loãng xương”, bác sĩ Ngọc chia sẻ.
Theo bác sĩ Ngọc, loãng xương là một bệnh có thể phòng ngừa được, nếu được quan tâm hợp lý. Người dân cần cung cấp đầy đủ canxi, vitamin D và các dưỡng chất cần thiết chung cho cơ thể theo lứa tuổi và tình trạng sức khỏe, thường xuyên vận động và tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, cũng như hạn chế những thói quen hút thuốc, uống rượu bia, uống thuốc không rõ nguồn gốc hoặc tư ý mua thuốc uống… để có một hệ xương khỏe mạnh, vững chắc.
“Bệnh loãng xương rất dễ mắc phải nhưng việc điều trị căn bệnh này cũng không quá khó khăn. Quan trọng là người bệnh cần kiên nhẫn vì điều trị loãng xương là điều trị lâu dài và liên tục”, bác sĩ Ngọc nói.
Nhưng phải đề phòng tia cực tím
Tia UV (tia cực tím) thường xuất hiện khi có nắng mặt trời, có thể xuyên qua mây mù, không khí với cường độ thay đổi theo từng thời điểm trong ngày, theo mùa hay theo khu vực. Da thường xuyên phải tiếp xúc với tia UV và không được che chắn cẩn thận có thể tăng nguy cơ mắc ung thư.
Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới được trích trên Zing, chỉ số UV ở mức 3-5 có nguy cơ gây hại ở mức trung bình, khi ra ngoài da cần phải che chắn bảo vệ; mức 6-7 có thể gây cháy nắng trong 30 phút; mức 8-10 có thể gây cháy nắng trong khoảng 20 phút, mức từ 11 trở lên có thể làm da cháy nắng trong vòng 10 phút.
Để phòng ngừa ung thư da, cách tốt nhất là tự bảo vệ làn da trước tia UV. Theo đó các chuyên gia khuyến cáo nên hạn chế ra ngoài nắng trong giờ cao điểm 10h-16h vì đây là thời điểm tia cực tím mạnh nhất.
Do vậy, để bảo vệ sức khỏe vừa không để tăng nguy cơ loãng xương, vừa không để tăng nguy cơ ung thư da thì mỗi người tùy theo thể trạng và điều kiện làm việc cần có cách ứng phó khác nhau với nắng. Tốt nhất là nên đến các cơ sở y tế để nhận sự tư vấn trực tiếp của các chuyên gia.
Hồ Quang