Sốc phản vệ và ngộ độc thuốc tê khó phân biệt trong phẫu thuật thẩm mỹ
Kinh nghiệm y học - Ngày đăng : 06:29, 01/12/2019
Theo bác sĩ Hùng, sốc phản vệ hay ngộ độc thuốc tê là 2 tai biến khác nhau hoàn toàn, và có cách xử lý khác nhau. Chính việc các bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ chưa phân biệt được sốc phản vệ hay ngộ độc thuốc tê nên khi xảy ra tai biến trong phẫu thuật thẩm mỹ, xử lý không đúng dẫn đến bệnh nhân ngày càng nặng hơn và tử vong.
Để phân biệt sốc phản vệ với ngộ độc thuốc tê, bác sĩ Hùng cho biết sốc phản vệ là phản ứng quá mẫn toàn thân xuất hiện sau khi cơ thể tiếp xúc với dị nguyên. Việc này khởi phát từ vài phút đến vài giờ, đe doa đến tính mạng. Triệu chứng của sốc phản vệ thường là nổi mày đay, phù, mạch nhanh, đau bụng, nôn, tụt huyết áp, khó thở, rối loạn ý thức. Nếu phát hiện muộn, điều trị không đúng sẽ dẫn đến tử vong.
Đối với ngộ độc thuốc tê là biểu hiện sự tiến triển của triệu chứng hưng phấn thần kinh như: bồn chồn lo lắng, kêu la, co giật... Ngoài ra còn gây ức chế hệ thần kinh, gây ra ngủ gà, giảm ý thức, hôn mê, ngưng thở... Đối với tim mạch ở giai đoạn đầu thì tăng huyết áp, mạch nhanh, loạn nhịp thất sau đó tụt huyết áp, bock dẫn truyền, mạch chậm. Có thể nhanh chóng chuyển nhẹ sang nặng rồi nguy kịch.
Trong khi đó, TS.BS Đỗ Quốc Huy - Phó giám đốc Bệnh viện Nhân dân 115, Trưởng bộ môn Hồi sức Cấp cứu, Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch lại chỉ ra hàng loạt những sai lầm của các nhân viên y tế trong việc xử lý các trường hợp tai biến y khoa dẫn đến ngưng tim, ngưng thở như: thiếu tổ chức, bỏ phí nhiều thời gian, thực hiện không đúng kỹ thuật...
Theo bác sĩ Huy, phần lớn các trường hợp ngưng tim, ngưng thở được xử lý nhưng vẫn tử vong là do thiếu tính tổ chức. Điều này là do hồi sinh tim phổi đơn lẻ, tuyệt đại bộ phận không biết phải làm gì do không có kiến thức. Ở một số cơ sở y tế khi một nhóm người cấp cứu thì không có sự phân công cụ thể công việc cho từng thành viên.
“Nhiều khi 1 cháu bé bị chết đuối có 4 đến 5 người tham gia hồi sinh, mỗi người làm một cách, không ai tổ chức, không ai chỉ huy. Rất nhiều người ra lệnh nhưng chẳng ai làm hoặc mỗi người chỉ đạo một kiểu”, bác sĩ Huy chia sẻ.
Phân tích của bác sĩ Huy cũng cho thấy, nhiều nhân viên y tế mất quá nhiều thời gian để xác định bệnh nhân đó có ngưng tim, ngưng thở hay không. Nhiều nhân viên y tế xác định bệnh nhân ngưng tim, ngưng thở thường sờ mạch quay, đo huyết áp, nghe tim. Điều này là vô nghĩa, gây mất thời gian khiến bệnh nhân ngưng tim, ngưng thở tử vong.
Bác sĩ Huy cho rằng, đối với bệnh nhân ngưng tim, ngưng thở, cứ 1 phút trôi qua là mất 10% khả năng cứu sống nên cần tiết kiệm từng giây một. Hiệp hội cấp cứu, tim mạch Hoa Kỳ đã đưa hướng dẫn hồi sinh tim phổi phải tiết kiệm từng giây, tránh bỏ phí thời gian vào công việc không cần thiết, thậm chí bỏ quy trình không cần thiết. Không cần thổi ngạt, chỉ cần ép tim là chính (trong 10 phút đầu tiên, ô xy trong máu còn đủ sử dụng cho mọi tình huống).
Bên cạnh đó, những những nhân viên y tế cũng chưa làm đúng kỹ thuật hồi sinh tim phổi. Hiện nay trên thể giới đã bỏ tiêm Andrenalin trực tiếp vào tim để xử lý trường hợp ngưng tim, ngưng thở, vì gây tổn hại tim nhưng hiện nay một số cơ sở y tế tại Việt Nam vẫn còn thực hiện. Kỹ thuật thông khí nhân tạo, bóp bóng nhanh hơn 10 lần mỗi phút sẽ khiến bệnh nhân nặng thêm. Những sai lầm trên do không được cập nhật kiến thức thường xuyên, huấn luyện không đạt chuẩn.
Hồ Quang