Tốc độ lây lan COVID-19 chưa chắc thay đổi theo mùa

Kinh nghiệm y học - Ngày đăng : 13:43, 12/04/2020

Đại dịch COVID-19 bùng phát mạnh mẽ ở bắc bán cầu trong suốt mùa đông hoặc đầu mùa xuân có suy yếu khi thời tiết ấm hơn hay không? Và nam bán cầu sắp bước vào mùa đông liệu có phải đối mặt với nguy hiểm không?
Tình hình dịch COVID-19 tại hai bán cầu khá khác biệt - Ảnh: Đại học John Hopkins

Theo giáo sư miễn dịch học Akiko Iwasaki thuộc trường Y đại học Yale: “Tính chất thay đổi theo mùa của bệnh cúm và những loại virus đường hô hấp khác đã được biết đến từ rất lâu. Trong mùa đông số ca nhiễm trùng đường hô hấp gồm cả cúm influenza thường tăng đột biến”.

Yếu tố chính giúp cúm lây lan là độ ẩm không khí tương đối. Vào mùa đông lượng hơi ẩm giảm tạo nên điều kiện mà giáo sư Iwasaki đánh giá rất hoàn hảo cho virus đường hô hấp lây lan.

“Người bệnh khi ho, hắt hơi hay nói chuyện tạo ra giọt bắn chứa virus. Điều kiện khô mùa đông làm giọt bắn bốc hơi cho phép virus tồn tại lâu hơn so với trong mùa hè”, bà giải thích.

Trên đây là phân tích về những loại virus truyền thống lâu nay. Giáo sư Iwasaki tin rằng virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 cũng như vậy – ở trong không khí lâu hơn dưới điều kiện độ ẩm tương đối thấp.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cùng Trung tâm Kiểm soát - Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) lại đánh giá thấp nguy cơ lây qua không khí. Họ xác định con đường lây nhiễm chính là qua các giọt hô hấp kích cỡ lớn từ người bệnh bay xa khoảng gần 1 mét rồi rơi xuống các bề mặt xung quanh. Như vậy một trường hợp mắc COVID-19 ăn trong nhà hàng nhiều khả năng sẽ lây bệnh cho người ngồi cùng bàn hơn ai khác trong phòng.

Không ít nghiên cứu ở châu Á xác thực kiểu lây nhiễm này. Nếu SARS-CoV-2 chủ yếu lây qua giọt hô hấp kích cỡ lớn thì thời tiết có thể chẳng ảnh hưởng gì lớn đến tốc độ chúng lây lan cả.

Tuy nhiên một số nhà khoa học Mỹ tiến hành khí dung hóa SARS-CoV-2 và phát hiện chúng tồn tại trong không khí hơn 1 giờ, ở điều kiện nhiệt độ cùng độ ẩm nhất định thời gian tồn tại của hạt khí dung còn lâu hơn vài loại virus cúm khác.

WHO thừa nhận SARS-CoV-2 có thể lây qua hạt khí dung nhưng vẫn khẳng định đây không phải con đường lây nhiễm chính.

Tính chất thay đổi theo mùa của SARS-CoV-2 còn chưa rõ ràng - Ảnh: Getty Images

Giáo sư Anice Lowen thuộc đại học Emory tỏ ra thận trọng hơn: “Nguy cơ ở mọi cá nhân đều ngang nhau. SARS-CoV-2 có thể tiếp tục lây lan ngay cả khi điều kiện khí hậu/ thời tiết không lý tưởng”. Bà cũng chỉ ra rằng H1N1 không bùng phát trong mùa đông như cúm thông thường, bất ngờ là sau vài năm dịch bệnh lại tuân theo quy luật thời tiết.

Phân tích tình hình tại Đông Nam Á so với các khu vực khác, nhà dịch tễ học Ben Cowling thuộc đại học Hồng Kông nhận định, thời tiết có thể giúp giảm khoảng 10% tốc độ lây lan nhưng không đủ để ngăn chặn dịch bệnh.

Hoặc như ở Mỹ, tiểu bang nóng bức như Florida hay Louisiana cũng chịu ảnh hưởng nặng nề chẳng thua New York hay Michigan lạnh hơn.

Cẩm Bình (theo NPR)