30 phút cam go cứu bệnh nhân xuất huyết tiêu hóa nguy kịch
Tiến bộ y học - Ngày đăng : 15:36, 22/06/2020
Bệnh nhân là ông Trần Hoàng V. (SN 1959, ngụ P.6, TP.Cà Mau, tỉnh Cà Mau), từng có mổ nối vị tràng 10 năm trước. Bệnh nhân đã nhập viện tại bệnh viện địa phương trong 2 ngày vì nôn ra máu và tiêu phân đen lượng nhiều, tình trạng xuất huyết tiêu hóa không cải thiện. Nhận thấy vượt khả năng chuyên môn nên nơi này chuyển đến BVĐKTƯCT vào ngày 14.6.
Tại tuyến trước, bệnh nhân đã được nội soi dạ dày, tá tràng nhưng vì máu chảy rất nhiều nên không tìm thấy tổn thương. Tình trạng lúc vào viện, bệnh nhân da niêm nhợt nhạt, vã mồ hôi, tụt huyết áp, nhịp tim nhanh, suy hô hấp. Các bác sĩ Khoa Cấp cứu nhanh chóng tiếp nhận và xử trí cấp cứu, truyền dịch, truyền máu… Lượng máu mất rất nặng, số lượng huyết sắc tố Hb 3,4g/dl (bình thường 12-15g/dl). Qua xét nghiệm xác định có tình trạng toan chuyển hóa nặng, suy hô hấp nặng.
Bệnh nhân được xử trí đặt ống thở và thở máy, chống toan, thuốc ức chế bơm proton đường tĩnh mạch... Hội chẩn viện gồm nhiều chuyên khoa thống nhất phải hồi sức tích cực và khi tình trạng cho phép sẽ tiến hành nội soi can thiệp cầm máu cho bệnh nhân.
Sau đó ê kíp y bác sĩ tiến hành nội soi can thiệp cầm máu cấp cứu. Bệnh nhân đã được nối vị tràng, phần phình vị, thân vị trên có nhiều máu cục đỏ bầm. Thân vị dưới có miệng nối to có 2 quai, ngay miệng nối ở quai gần về phía tâm vị có 1 ổ loét đường kính khoảng 1,5cm, có nhú mạch máu phun thành tia. Các bác sĩ tiến hành tiêm Adreanaline 1/10.000 với 3 mũi 2ml và kẹp 4 clip...
Sau 30 phút can thiệp, các bác sĩ đã kiểm soát được tình trạng xuất huyết. Sau can thiệp nội soi, tình trạng xuất huyết tiêu hóa cải thiện tốt, huyết áp ổn định, tình trạng toan chuyển cải thiện dần. Bệnh nhân ngưng thở máy và rút ống thở từ ngày 15.6.
Ngày 22.6, bệnh nhân tỉnh, niêm hồng (lượng huyết sắc tố Hb 10,1g/dl), dấu hiệu sinh tồn ổn định, bụng mềm, không thấy xuất huyết tiêu hóa tái phát, sinh hoạt gần như bình thường và dự kiến ra viện ngày 23.6.
BS-CK2 Bồ Kim Phương - Trưởng khoa Nội tiêu hóa - Huyết học cho biết: “Xuất huyết tiêu hóa do loét dạ dày tá tràng là bệnh cấp cứu nội khoa và ngoại khoa, chiếm tỷ lệ khoảng 50% trong tất cả các nguyên nhân gây xuất huyết tiêu hóa trên, với tỷ lệ tử vong từ 6-13%. Bệnh cần được đánh giá và điều trị sớm bao gồm các biện pháp hồi sức nội khoa, ổn định huyết động, đặc biệt vai trò của nội soi điều trị cầm máu.
Nội soi điều trị bệnh lý xuất huyết tiêu hóa do loét dạ dày tá tràng ngày càng phát triển với nhiều phương pháp như tiêm cầm máu, đốt điện cầm máu, kẹp cầm máu và gần đây là phương pháp cầm máu bằng phun chất bột (Hemospray). Hầu hết các phương pháp đều có hiệu quả cầm máu cao khoảng 90%, từ đó làm giảm xuất huyết tái phát, giảm tỷ lệ phẫu thuật và tỷ lệ tử vong”.
Theo BSCK2 Nguyễn Thị Quỳnh Mai (BVĐKTƯCT): “Kẹp clip cầm máu qua nội soi là một trong những biện pháp cơ học thông dụng và hiệu quả nhất là trong các trường hợp xuất huyết không do vỡ thực quản. Kẹp clip cầm máu có hiệu quả trong các trường hợp chảy máu đang hoạt động, các tổn thương mạch máu lộ.
Tác dụng cầm máu bằng cách kẹp trực tiếp vào mạch máu đang chảy máu mang lại hiệu quả cầm máu cao. Hiệu quả cầm máu ban đầu của kẹp clip cầm máu trong xuất huyết đường tiêu hóa trên rất cao 97,6% và tỷ lệ xuất huyết tái phát rất thấp: 2,4%”.
Phong Phạm