Anh thử nghiệm lâm sàng việc xét nghiệm nước tiểu để phát hiện sớm ung thư tuyến tụy
Thông tin Y học - Ngày đăng : 09:10, 28/09/2019
Theo MedicalXpress, Anh bắt đầu các thử nghiệm lâm sàng về một hệ thống xét nghiệm có khả năng phát hiện ung thư tuyến tụy (pancreatic cancer) ngay ở giai đoạn đầu bằng cách sử dụng mẫu nước tiểu. Nếu thành công, phương pháp xét nghiệm nước tiểu không xâm lấn này lần đầu tiên trên thế giới được áp dụng để phát hiện loại ung thư gây tử vong cao ở giai đoạn đầu, cho phép nhiều người phẫu thuật cắt bỏ khối u, hiện là phương pháp điều trị duy nhất có khả năng chữa khỏi.
Giáo sư Tatjana Crnogorac-Jurcevic ở Viện Ung thư Barts (thuộc Đại học Queen Mary, London) là người phụ trách nghiên cứu lâm sàng UroPanc với khoản tài trợ 1,6 triệu bảng từ Quỹ ung thư tuyến tụy (PCRF) – là khoản đầu tư lớn nhất và mạo hiểm vào một dự án nghiên cứu mà PCRF đã thực hiện cho đến nay,
Hệ thống xét nghiệm cho thấy sự hiện diện của 3 loại protein cụ thể trong mẫu nước tiểu, được Giáo sư Tatjana Crnogorac-Jurcevic xác định là chỉ dấu sinh học của ung thư tuyến tụy giai đoạn đầu. Các chỉ dấu sinh học này đã được chứng minh là phát hiện ung thư tuyến tụy giai đoạn đầu với độ chính xác gần 95% trong các mẫu nước tiểu của bệnh nhân ung thư tuyến tụy, bệnh nhân mắc các bệnh khác về tuyến tụy và tình nguyện viên khỏe mạnh. Trong một nghiên cứu lâm sàng kéo dài 4 năm, sẽ có hơn 3.000 người tham gia.
Theo thống kê, gần 10.000 người được chẩn đoán mắc bệnh ung thư tuyến tụy mỗi năm ở Anh. Chỉ có khoảng 5 trong số 100 bệnh nhân sống thêm từ 5 năm trở lên sau chẩn đoán. Đây là tỷ lệ sống sót thấp nhất của bất kỳ bệnh ung thư phổ biến nào và tỷ lệ này hầu như không được cải thiện trong hơn 40 năm. Tỷ lệ sống sót thấp một phần là do chẩn đoán muộn. Hơn 85% bệnh nhân được chẩn đoán quá muộn không kịp phẫu thuật và lựa chọn điều trị bị hạn chế. Hầu hết họ đều sẽ chết trong vòng 6-12 tháng.
Vũ Trung Hương