Cách chọn khẩu trang để chống bụi ô nhiễm không khí

Thông tin Y học - Ngày đăng : 15:22, 03/10/2019

Theo các chuyên gia y tế, tình trạng ô nhiễm không khí hiện nay vẫn đang ở mức báo động, nhất là tại TP.HCM và Hà Nội nên ra đường cần đeo khẩu trang để đảm bảo sức khỏe và tránh được những tác hại từ bụi mịn ô nhiễm không khí. Tuy nhiên khẩu trang như thế nào là phù hợp.
Đeo khẩu trang khi ra đường để hạn chế tác hại của không khí bị ô nhiễm - Ảnh: Internet

Ô nhiễm không khí gây nhồi máu cơ tim, ung thư phổi...

Trong những ngày qua, “chỉ số AQI” (chỉ số chất lượng không khí và mức độ ảnh hưởng đến sức khỏe con người) ở 2 thành phố là TP.HCM và Hà Nội đã vượt ngưỡng. Tại các trạm quan trắc đo nồng độ, bụi mịn PM2.5 trong không khí đã vượt ngưỡng cho phép, có những ngày lên đến 200 khiến không khí bị ô nhiễm nặng.

Điều đáng lưu ý là mức độ tiếp xúc bụi PM2.5 tại TP.HCM ở trong nhà và ngoài trời cũng vượt mức khuyến cáo. Các chỉ số này có dấu hiệu tăng dần về tầm trưa.

Ths-BS Võ Công Minh (Khoa Tai mũi họng, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM) cho biết bụi PM2.5 được đánh giá là tác nhân gây ô nhiễm không khí có ảnh hưởng tiêu cực nhất tới sức khỏe con người. Vì có kích thước rất nhỏ nên bụi PM2.5 rất nguy hiểm, có thể lắng đọng, thẩm thấu và đi sâu vào tận các phế nang trong phổi và vào máu. Mỗi ngày chúng ta hít thở khoảng 10.000 lít không khí hoặc hơn tùy vào lứa tuổi và hoạt động thể lực.

Do đó, nếu nồng độ bụi PM2.5 trong không khí cao thì mức phơi nhiễm hằng ngày là lớn và tăng nguy cơ bị các vấn đề sức khỏe cấp tính và mạn tính.

“Đã có nhiều nghiên cứu được thực hiện trên thế giới cho thấy phơi nhiễm với bụi PM2.5 tăng nguy cơ bệnh tật và tử vong. Phơi nhiễm bụi PM2.5 làm tăng nguy cơ mắc hen suyễn, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), viêm phổi, các chứng bệnh hô hấp, tim mạch, tiểu đường và ung thư phổi”, bác sĩ Minh cho biết.

Trong khi đó, TS-BS Nguyễn Như Vinh - chuyên gia về các bệnh hô hấp nói rằng trong không khí bị ô nhiễm có các chất độc do phương tiện giao thông thải ra, bao gồm: khí CO, SO2, NO2, benzen, chì, các kim loại nặng và một vài độc chất khác... Trong đó, khói xe có nguy cơ gây ra bệnh tim mạch. Tiếp xúc khói xe ngắn hạn cũng liên quan tới thiếu máu cơ tim, nhồi máu cơ tim cấp và cao huyết áp.

Chì có trong không khí ô nhiễm cũng tác động đến quá trình tạo máu bằng cách ức chế một số enzyme quan trọng, đồng thời gây tổn hại màng hồng cầu và làm rối loạn quá trình chuyển hóa bên trong tế bào, làm cho tế bào bị chết sớm, dẫn đến hậu quả là bệnh thiếu máu.

Bác sĩ Vinh còn cho biết ô nhiễm không khí ảnh hưởng đến thần kinh, tác động lên hệ thần kinh trung ương, thay đổi hành vi; ảnh hưởng đến khả năng nhận thức của trẻ em. Ô nhiễm không khí có thể gây ra tình trạng rối loạn tâm lý và mất cảm giác khỏe mạnh. Môi trường làm việc có nhiều khói bụi hay có mùi khó chịu sẽ làm người tiếp xúc dễ cáu gắt, giảm hành vi giúp đỡ người khác.

Dùng khẩu trang nào khi bị ô nhiễm không khí?

Theo các chuyên gia y tế, tình trạng ô nhiễm không khí hiện nay vẫn đang ở mức báo động, nhất là ở đô thị nên việc đeo khẩu trang phù hợp, cần thiết để đảm bảo sức khỏe và tránh được những tác động tiêu cực từ bụi mịn do ô nhiễm không khí.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng những khẩu trang hiện nay nhiều người đang sử dụng như: khẩu trang vải, khẩu trang y tế... không có khả năng bảo vệ cơ thể trước sự ô nhiễm không khí. Cần phải sử dụng khẩu trang phù hợp, đảm bảo, là loại khẩu trang chống bụi mịn PM2.5, ngăn vi khuẩn và các chất độc hại.

Theo bác sĩ Võ Công Minh, người đi ra đường nên đeo khẩu trang chuyên dụng để tránh tiếp xúc trực tiếp hít những luồng không khí ô nhiễm vào đường thở. Đó là những khẩu trang có ký hiệu N95 có chứa than hoạt tính. Tiêu chuẩn N95 có nghĩa là loại khẩu trang này lọc được 95% các loại bụi có trong không khí, kể cả bụi siêu mịn.

“Khẩu trang thông thường như khẩu trang vải không thể lọc được bụi có kích thước nhỏ. Khẩu trang y tế chỉ hạn chế 30 - 40% lượng bụi. Để ngăn được bụi PM2.5 cần sử dụng khẩu trang chuyên dụng. Do đó, cần trang bị khẩu trang N95 hoặc N99. Nếu chỉ có khẩu trang y tế thì cần mang hai cái khẩu trang tròng vào nhau”, bác sĩ Minh nói.

Các chuyên gia y tế lưu ý mọi người trong việc lựa chọn khẩu trang chống bụi mịn trong điều kiện ô nhiễm không khí như hiện nay. Những khẩu trang này phải dùng chất liệu có khả năng lọc các vật chất nhỏ. Những khẩu trang thông thường không đảm bảo lọc được các loại bụi có kích thước nhỏ như PM10 hay PM2.5. Khẩu trang N95 và N99 được Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ khuyến nghị nên sử dụng ở thành phố ô nhiễm không khí. Đặc biệt N99 lọc được 99% các vật chất có trong không khí, ngăn cản được gần như tuyệt đối các loại vi khuẩn, vi rút.

Ngoài ra, cần chọn khẩu trang ôm sát mặt nhằm chặn không khí bẩn vào mũi, miệng. Khẩu trang ôm sát mặt chỉ cho phép tối đa 5% không khí đi qua các khoảng trống.

Người dùng phải chọn chọn khẩu trang có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, đảm bảo. Sử dụng khẩu trang cần có độ thoáng, giúp thấy thoải mái, hô hấp bình thường; cần thay khẩu trang sau 10 - 15 ngày sử dụng với điều kiện được cất tại nơi thoáng mát.

Hồ Quang