Bộ Y tế cảnh báo về kiến ba khoang
Thông tin Y học - Ngày đăng : 17:11, 08/10/2019
Kiến ba khoang (một số nơi còn gọi là kiến khoang, kiến kim, kiến lác, kiến gạo, kiến cong…) là loài côn trùng có màu là các khoang đen - vàng cam xen kẽ, thân mình thon, dài như hạt thóc, dài 1 - 1,2cm, ngang 2 - 3mm; kiến có 3 đôi chân, 2 đôi cánh, một đôi cánh dài mỏng trong suốt gấp lại gọn gàng và ẩn bên dưới đôi cánh cứng ngắn, bay và chạy rất nhanh.
Kiến ba khoang thường sống ở các ruộng lúa, cỏ mục, vườn cây, bãi rác thải, công trình đang xây dựng… Loại kiến này xuất hiện nhiều vào mùa mưa, khi độ ẩm cao, thuận lợi cho kiến phát triển. Kiến ba khoang ưa thích ánh sáng đèn ban đêm nên bay vào theo ánh đèn, đậu vào quần áo, khăn mặt, giường chiếu, chăn màn…
Theo Bộ Y tế, trong cơ thể kiến ba khoang có chứa độc tố pederin (C24H43O9N), độc tính mạnh gấp 12 - 15 lần nọc của rắn hổ nhưng do lượng tiếp xúc nhỏ và chỉ ở ngoài da nên không đủ gây chết người như nọc rắn. Chất này chủ yếu gây bỏng da có thể nhầm với tổn thương trong bệnh zona thần kinh.
Vết thương do kiến ba khoang đốt thường xuất hiện ở các vùng da hở trên cơ thể như mặt, hai tay. Vết thương thành vệt dài hoặc thành đám, ban đầu là những nốt ban đỏ rồi sưng lên thành mụn mủ có điểm lỏm màu trắng vàng ở giữa, nếu không giữ gìn cẩn thận có thể bị loét, làm rỉ dịch.
Vết thương da kiến ba khoang đốt thường đau rát, ngứa ngáy khó chịu, một số trường hợp có thể bị sốt, nổi hạch, biến chứng nhiễm trùng toàn thân
Bộ Y tế cho rằng kiến ba khoang là loại côn trùng nguy hiểm. Độc tố trong kiến ba khoang mạnh gấp 12 - 15 lần nọc rắn hổ, khi tiếp xúc với chất gây độc của kiến ba khoang nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến những biến chứng nặng.
Chất độc trong cơ thể kiến có thể làm tổn thương da người (bỏng da, viêm da) nếu chất này được giải phóng ra khi kiến bị tác động hoặc bị chà sát hoặc bị giết.
Vì vậy để phòng tránh kiến ba khoang đốt, Bộ Y tế khuyến cáo người dân cần phải vệ sinh phòng ở sạch sẽ, thoáng mát. Buổi tối người dân nên tắt các đèn điện có ánh sáng xanh, tím, thay vào đó là bóng điện có ánh sáng đỏ, vàng.
Trước khi đi ngủ nên kiểm tra kỹ giường, gối, chăn chiếu; giũ sạch quần áo trước khi mặc. Khi gặp kiến ba khoang tiếp xúc cơ thể, tuyệt đối không nghiền nát, chà xát nhằm tránh kiến tiết ra độc tố. Trong trường hợp bị dính độc tố của kiến ba khoang vào da nên dùng nước sạch rửa chỗ kiến đốt rồi sau đó rửa bằng xà phòng, nhưng phải thật nhẹ nhàng tránh làm trầy xước hoặc vỡ vết thương .
Khi bị dính chất độc, tránh gãi hay chà mạnh vùng da bị tổn thương, không tiếp xúc các vùng da lành với nơi bị dính độc tố. Rửa sạch vết thương, nhất là ở vùng mắt càng nhanh càng tốt, bôi thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ. Bàn tay nếu lỡ đập chết kiến ba khoang cần rửa sạch bằng xà phòng, càng sớm càng tốt, để tránh độc tố kiến dính vào.
Khi da bị tổn thương tấy đỏ, lan rộng phải đi khám, không nên tự ý mua thuốc điều trị, bởi trong các loại thuốc bôi ngoài da có chứa corticoid, chất giải độc tố… nên cần có bác sĩ chỉ định mới được dùng.
Hồ Quang