Trượt chân trong nhà tắm, bé trai 6 tuổi bị đứt lìa cổ tay đã phục hồi kỳ diệu
Thông tin Y học - Ngày đăng : 17:04, 23/10/2019
Ngày 23.10, Bệnh viện Nhi đồng TP.HCM cho hay, sau một thời gian điều trị, bàn tay phải của bé trai 6 tuổi bị té trong nhà tắm đã hồi phục một cách kỳ diệu. Hiện các ngón tay của bé đã cử động được và có thể cầm được viết, điều mà trước đó nhiều bác sĩ không dám nghĩ đến.
Theo người nhà của bé trai H.N.H.D. (6 tuổi, ngụ Long An), cách đây khoảng 6 tháng, trong một lần tắm bé vô tình trượt chân té trúng mảnh gạch men bị vỡ trong nhà tắm và bị ghim thẳng vào cổ tay. Vết thương ăn sâu làm gần đứt lìa cổ tay phải.
Quá hoảng sợ, gia đình vội cầm máu rồi chuyển bé đến Bệnh viện Nhi đồng TP.HCM cấp cứu. Sau khi làm các kỹ thuật lâm sàng, bác sĩ phát hiện bé bị đứt gân, vết thương sâu và dập nát mô mềm, lóc da cổ tay phải. Các bác sĩ nhận định khả năng đoạn bỏ bàn tay là rất cao do với tình trạng trên nối lại bàn tay cho bé rất khó. Tuy nhiên, vì bé còn quá nhỏ, nếu tàn phế sẽ ảnh hưởng rất lớn trong việc học tập sau này nên các bác sĩ quyết định phẫu thuật nối lại cổ tay.
Bác sĩ Nguyễn Dương Phi - Bệnh viện Nhi đồng TP.HCM, người phẫu thuật chính của ca mổ nhớ lại: “Lúc đó một ê kíp mổ gồm nhiều bác sĩ phải làm việc liên tục trong 5 giờ liền để tiến hành nối cổ tay cho bé. Kịch tính hơn là trong lúc phẫu thuật phát hiện bé bị đứt 7 cọng gân, đứt dây thần kinh trụ và cả động mạch trụ nên máu rất khó cầm. Các bác sĩ tỉ mẩn cắt lọc rửa vết thương rồi lần lượt nối vi phẫu dưới kính hiển vi các động mạch, dây thần kinh và các gân gấp”.
Hiện bàn tay phải của bé trai đã có thể cầm nắm được - Ảnh: BVCC
Theo bác sĩ Phi, thử thách lớn nhất mà ê kíp mổ phải đối mặt là mạch máu của bé rất nhỏ gây khó khăn cho việc khâu nối. Các bác sĩ phải thật tỉ mỉ thông tắc các mạch máu, đường gân mảnh như sợi chỉ để ít để lại biến chứng vận động về sau nhất cho bé.
Cuối cùng mọi việc cũng đã diễn ra thuận lợi, ca phẫu thuật thành công. Tuy nhiên, khả năng khả phục hồi bàn tay của bé vẫn còn phụ thuộc may rủi của tập vật lý trị liệu. Thế nhưng bằng sự kiên trì của mình, gia đình đã liên tục đưa bé đi tập vật lý trị liệu tại Bệnh viện Nhi đồng TP trong suốt một thời gian dài nhằm phục hồi bàn tay có nguy cơ phải cắt bỏ.
Mẹ bé D. cho biết, những ngày đầu tập vật lý trị liệu, bé rất đau đớn vì bàn tay được băng bó trắng toát, cử động thô ráp. Suốt 6 tháng trời, D. chỉ biết khóc thét mỗi lần các cô điều dưỡng thay băng vết thương. Còn những lúc tập vận động thì bé cố cắn răng ghì chặt vào lòng mẹ, luôn kiên cường và hợp tác tốt co duỗi từng ngón tay theo lời các bác sĩ.
“Đến nay, hơn 6 tháng tập vật lý trị liệu, khả năng phục hồi các chức năng vận động co duỗi, cầm nắm bàn tay phải của bé đã phục hồi khoảng 80%, một kết quả khả quan và mỹ mãn hơn cả mong đợi”, bác sĩ Phi cho biết.
Hồ Quang