Thái độ sống tích cực giúp phụ nữ trung niên phòng ngừa chứng sa sút trí tuệ

Thông tin Y học - Ngày đăng : 11:34, 02/12/2019

Phân tích dữ liệu liên quan đến sức khỏe tâm lý ở độ tuổi 52 của 703 phụ nữ sinh ra ở Anh vào năm 1946 và kiểm tra chức năng nhận thức tiêu chuẩn của họ ở độ tuổi 69, các nhà khoa học Nhật Bản kết luận rằng, thái độ sống tích cực giúp đối phó với stress và lo lắng vốn hủy hoại các khu vực não điều chỉnh cảm xúc, suy nghĩ và trí nhớ.
Tuổi trung niên là giai đoạn quan trọng trong cuộc sống khi những thay đổi trong não sau đó dẫn đến chứng mất trí nhớ - Ảnh: Pixabay

Theo Journal of Alzheimer s Disease, các nhà khoa học ở Viện y Tokyo (Nhật Bản), đã phân tích dữ liệu liên quan đến 703 phụ nữ sinh ra ở Anh vào năm 1946. Ở tuổi 52, tất cả những người phụ nữ này đã tham gia vào một cuộc khảo sát liên quan đến sức khỏe tâm lý của họ. Những người tham gia được hỏi chi tiết về công việc, mối quan hệ với người khác, mục tiêu trong cuộc sống và lòng tự trọng.

Đến độ tuổi 69, tất cả phụ nữ đó đều trải qua bài kiểm tra chức năng nhận thức tiêu chuẩn, thường được sử dụng để xác định các triệu chứng sa sút trí tuệ. Sàng lọc bao gồm các bài kiểm tra về trí nhớ, suy nghĩ, sự chú ý, định hướng không gian, tốc độ phản ứng và chức năng nói.

Kết quả, sau 17 năm, hóa ra những người phụ nữ sống vui vẻ và thoải mái ở độ tuổi 52 đã làm tốt hơn các bài kiểm tra so với những người gặp khó khăn trong cuộc khủng hoảng tuổi trung niên và cảm thấy rằng cuộc sống đã bước vào ngõ cụt. Tỷ lệ này không thay đổi khi các nhà nghiên cứu tính đến các yếu tố ảnh hưởng đến nguy cơ mắc chứng mất trí nhớ, chẳng hạn như trình độ học vấn, việc làm, tình trạng hôn nhân, hút thuốc và mức độ hoạt động thể chất.

Theo các nhà nghiên cứu, độ tuổi 50 là giai đoạn quan trọng trong cuộc sống khi những thay đổi trong não sau đó dẫn đến chứng mất trí nhớ. Một thái độ sống tích cực giúp đối phó với căng thẳng và lo lắng vốn hủy hoại các khu vực não điều chỉnh cảm xúc, suy nghĩ và trí nhớ.

Vũ Trung Hương