Chải răng sơ ý, nuốt cả... hàm răng giả
Thông tin Y học - Ngày đăng : 10:13, 13/03/2020
Sáng 13.3, BS.CK2 Phạm Thanh Phong - Phó giám đốc chuyên môn Bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ, cho biết, các bác sĩ khoa nội soi vừa can thiệp thành công lấy 1 hàm răng giả dài khoảng 4 cm, có 2 móc nhọn bị cắm vào họng thanh quản do bệnh nhân tự nuốt. Bệnh nhân sử dụng hàm răng giả tháo lắp đã 20 năm, ít đi tái khám răng.
Bệnh nhân là Huỳnh Bé Tú A. (SN 1973, ngụ ấp Tân Long, xã Tân Thới, H.Phong Điền, TP.Cần Thơ). Sau khi vệ sinh răng miệng, không may hàm răng giả 7 chiếc của ông A. rớt vào vùng họng thanh quản. Sau đó, bệnh nhân đau họng và ngực nhiều nên người nhà đưa đến Bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ cấp cứu vào sáng 12.3.
Các bác sĩ đã tiến hành nội soi thám sát và thực hiện can thiệp lấy dị vật. Do hàm răng giả 2 móc sắt đã cắm vào ngách xoang lê (chỗ nối giữa hầu họng và thực quản), nên việc lấy dị vật khá khó khăn. Các bác sĩ đã dùng snare (dây thòng lọng), lấy dị vật thành công trong 30 phút. Kiểm tra thấy có vết rách ở ngách xoang lê phải, nên bệnh nhân được tiếp tục theo dõi và điều trị tại khoa Nội tiêu hóa - Huyết học lâm sàng.
Hàm răng giả sau khi lấy ra - Ảnh: Phong Phạm
BS.CK2 Nguyễn Thị Quỳnh Mai - Trưởng khoa Nội soi của Bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ, cho biết: “Dị vật răng giả bị rớt vào đường tiêu hóa rất thường gặp, do sử dụng thời gian dài, răng giả không còn bám chắc vào khung răng nên dễ tuột trong quá trình sinh hoạt”.
Khi nuốt răng giả, thông thường móc cài của răng giả sẽ bị mắc kẹt tại vùng hẹp của thực quản nằm gần ngực, nơi có nhiều mạch máu lớn. Bệnh nhân có thể chết bất kỳ lúc nào nếu móc sắt này chọc trúng mạch máu lớn gây chảy máu ồ ạt. Ngoài ra, nếu bệnh nhân nhập viện trễ, móc sắt có thể gây tổn thương, nhiễm trùng vùng giữa ngực. Bệnh nhân có thể chết do sốc nhiễm trùng.
Do đó, khi bị răng giả rớt vào đường tiêu hóa, bệnh nhân cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được xử trí kịp thời, đến càng sớm thì kỹ thuật thực hiện lấy dị vật sẽ thuận lợi hơn.
Phong Phạm