Hai bệnh viện phối hợp cứu sống bệnh nhân đã ngưng tim ngưng thở

Thông tin Y học - Ngày đăng : 10:07, 21/03/2020

Bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long và Bệnh viện đa khoa tỉnh Hậu Giang vừa phối hợp cấp cứu thành công 1 ca bệnh hy hữu. Người bệnh đã đột ngột ngưng tim ngưng thở khoảng 30 phút và được cứu sống sau khi được cấp cứu liên tục.
Người bệnh được điều trị tại khoa Hồi sức tích cực của Bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long- Ảnh: Nguyễn Hồ

Người bệnh là ông H.V.T (51 tuổi, ngụ TP.Vị Thanh, Hậu Giang). Theo thông tin từ gia đình, ông T. là người khỏe mạnh, chưa từng có dấu hiệu bệnh tim. Vào lúc 8 giờ sáng 11.3, ông T. cảm thấy mệt, lạnh người, sau đó đột ngột ngất. Gia đình lập tức đưa người bệnh vào cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hậu Giang. Khi nhập viện, người bệnh đã ngừng tuần hoàn, ngừng thở, mạch và huyết áp bằng 0.

Nhờ sự xử trí kịp thời của Bệnh viện đa khoa tỉnh Hậu Giang, người bệnh đã có nhịp tim trở lại nhưng tình trạng bệnh rất nặng, tiên lượng tử vong cao. Bệnh viện này đã hội chẩn với Bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long và quyết định chuyển ông T. đến Bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long để tiếp tục điều trị, với sự đồng ý của gia đình ông.

Nhận được thông tin, ê kíp cấp cứu của Bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long, với xe cấp cứu và các máy móc chuyên dụng (máy thở, monitor, máy sốc tim, thuốc cấp cứu…) cùng đội ngũ bác sĩ, điều dưỡng chuyên khoa hồi sức, cấp cứu đã nhanh chóng chuyển người bệnh đến Bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long. Hệ thống “Code STEMI” của bệnh viện được kích hoạt từ xa để huy động nhóm cấp cứu gồm các bác sĩ chuyên khoa hồi sức, tim mạch cùng phối hợp hội chẩn khẩn.

Bệnh nhân nhập viện tình trạng hôn mê, đang dùng thuốc trợ tim liều cao, bác sĩ chẩn đoán là bệnh lý mạch vành cấp cần can thiệp khẩn. Người bệnh được hồi sức tạm thời, chụp mạch vành, được kết luận tắt động mạch vành trái, phải và được tiến hành can thiệp đặt stent mạch vành. Toàn bộ quá trình được diễn ra trong vòng 45 phút kể từ khi người bệnh nhập viện.

Sau can thiệp, mạch và huyết áp người bệnh dần ổn định và được chuyển qua Khoa Hồi sức tích cực chống độc để tiếp tục điều trị. Và 3 ngày sau can thiệp, bệnh nhân tỉnh táo, ngưng thuốc trợ tim, có thể tự ăn uống. Bệnh nhân diễn tiến ổn và vẫn đang được các bác sĩ, điều dưỡng của Bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long tiếp tục chăm sóc.

Theo BS-CK1 Đỗ Văn Phẩm - Trưởng khoa Hồi sức tích cực chống độc của Bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long, trên thực tế, người không có dấu hiệu bệnh tim rõ ràng nhưng lại đột tử do nhồi máu cơ tim không phải là trường hợp hiếm gặp. Tuy nhiên, đây là ca bệnh hy hữu khi người bệnh có thể hồi phục sau khi đã ngưng tim ngưng thở 30 phút và được cấp cứu.

Điều này một phần nhờ vào việc người bệnh được cấp cứu kịp thời. Việc này cực kỳ quan trọng vì có thể quyết định khả năng hồi phục không để lại di chứng, hạn chế ảnh hưởng đến não do thiếu dưỡng khí. Bác sĩ Phẩm cũng khuyến cáo người dân nên chú ý đến các dấu hiệu bất thường của cơ thể cũng như tầm soát, kiểm tra sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm các bệnh lý ở tim mạch, điều trị kịp thời tránh các tình huống nguy hiểm.

Nguyễn Hồ