Thuốc trị bệnh sỏi tiết niệu có tác dụng chữa ung thư tuyến tụy
Thông tin Y học - Ngày đăng : 14:45, 04/04/2020
Theo Medical Express, Trung tâm Y tế thuộc Đại học Columbia và Trung tâm Ung thư Herbert Irving (Mỹ) đã xác định rằng loại thuốc được phát triển để điều trị bệnh sỏi tiết niệu có thể giúp chữa chạy ung thư tuyến tụy. Thuốc làm cho khối u bị mất cysteine - một loại axit amin cần thiết cho sự sống của các tế bào ung thư tuyến tụy.
Các nhà nghiên cứu đã đạt được kết quả tương tự khi những con chuột được điều trị bằng cysteinase, một loại thuốc thử nghiệm gây phân rã cystein trong máu. Được biết cysteinase hiện được phát triển bởi các nhà nghiên cứu tại Đại học Texas để điều trị bệnh cystin niệu (cystinuria), một rối loạn di truyền hiếm gặp, trong đó nồng độ cysteine cao tập trung trong nước tiểu, gây sỏi thận và đường tiết niệu.
Hầu hết các khối u tụy làm tăng sinh các yếu tố oxy hóa có thể giết chết các tế bào khỏe mạnh. Và trong một môi trường ác tính như vậy, các khối u sẽ rất thuận lợi, đồng thời nhập một lượng lớn cystein vào tế bào của chúng. Tất cả các tế bào, kể cả các tế bào khối u tuyến tụy, đều sử dụng cysteine để tạo ra các phân tử làm cho các yếu tố oxy hóa trở nên vô hại.
Các nhà khoa học Mỹ đã quyết định sử dụng cơ chế này. Các gien kiểm soát việc nhập cysteine đã bị "vô hiệu hóa" ở những con chuột bị gây ung thư tuyến tụy. Kết quả là, cysteine ngừng đến khối u và các khối u tự ngừng phát triển. Các nhà nghiên cứu đã đạt được kết quả tương tự khi chuột được điều trị bằng cysteinase, một loại thuốc thử nghiệm làm phân rã cysteine trong máu. Chiến lược bỏ đói – cắt nguồn cung cysteine cho các tế bào ung thư tuyến tụy đã phát huy tác dụng. Khi gien kiểm soát việc nhập cysteine bị loại ở những con chuột bị ung thư tuyến tụy gần giống với khối u của con người, các khối u đã ngừng phát triển và thời gian sống sót trung bình của chuột thí nghiệm tăng gấp đôi.
Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng các tế bào ung thư tuyến tụy ở người cũng phụ thuộc vào cysteine. Khi cysteinase được đưa vào các tế bào ung thư của tuyến tụy người, các dòng tế bào ung thư bắt đầu chết. Hóa ra là do thiếu cysteine, các tế bào ung thư tuyến tụy đã chết do một quá trình gọi là bệnh ferroptosis, một dạng chết tế bào được lập trình do hậu quả của quá trình oxy hóa đối với màng tế bào.
Tiến sĩ Kenneth P. Olive, tác giả của công trình nghiên cứu rất phấn khởi trước kết quả trên vì ung thư tuyến tụy là một căn bệnh gây tử vong đặc biệt cao, với tỷ lệ sống trung bình chỉ 6 tháng sau khi chẩn đoán. Chúng ta đang rất cần những phương pháp điều trị mới, nhà khoa học Olive khẳng định.
Vũ Trung Hương