Cụ ông 82 tuổi thoát khỏi đoạn chi nhờ đặt stent nong động mạch
Thông tin Y học - Ngày đăng : 20:19, 05/04/2020
Theo người nhà cụ ông Nguyễn Văn A. (82 tuổi, quê tỉnh Bạc Liêu), ông có thâm niên hút thuốc lá hơn 60 năm, thường xuyên tê nhức chân trái, đi lại tê nhiều, ngồi nghỉ một lát thì đi lại được. Ngoài ra, cụ A. còn bị tiểu đường, tăng huyết áp. Gần đây chân cụ A. đau nhức nhiều, cảm giác lạnh, không đi được nữa, gia đình chuyển ông đến Bệnh viện Đa khoa quốc tế S.I.S Cần Thơ.
Tại đây, sau khi tiến hành CTScan động mạch hai chân thì phát hiện ông bị tắc hoàn toàn động mạch đùi nông bên trái từ vùng bẹn đến vùng khoeo dài 30cm khiến bệnh nhân có triệu chứng thiếu máu chi trầm trọng, đi cách hồi, mất mạch mu chân. Các bác sĩ nhận định, bệnh nhân có nguy cơ bị hoại tử chi phải cắt bỏ chân trái để tránh nhiễm trùng gây tử vong.
Chiều 5.4, TS.BS Trần Chí Cường - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa quốc tế S.I.S Cần Thơ cho biết các bác sĩ ở đây đã kịp thời cứu bệnh nhân A. thoát khỏi đoạn chi bằng phương pháp đặt stent nong động mạch.
Theo bác sĩ Cường, đây là một ca can thiệp vô cùng khó khăn, vì bệnh nhân bị tắc mạn tính và đoạn tắc rất dài (đến 30cm), do đó khả năng không thông lại được là rất cao, đòi hỏi bác sĩ can thiệp phải có nhiều kinh nghiệm và trang thiết bị máy móc hỗ trợ tốt.
“Rất may mắn cho bệnh nhân, chúng tôi đã can thiệp nội mạch tái thông thành công nên không phải đoạn chi như cách điều trị thông thường cho những trường hợp này. Sau can thiệp nong và đặt stent, bệnh nhân hiện ổn định, bớt đau nhức chân, mạch mu chân đã bắt được”, bác sĩ Cường cho hay.
Bác sĩ Cường cho biết tắc động mạch chi là bệnh khá phổ biến ở người lớn tuổi có tiền căn hút thuốc lá nhiều và tiểu đường nhiều năm không kiểm soát tốt đường huyết, đa số bệnh nhân thường phát hiện bệnh rất muộn. Triệu chứng thường gặp là nặng chân, lạnh chân, tê mỏi, đi cách hồi (đi một đoạn đường rất ngắn vài chục mét phải dừng nghỉ do chân thiếu máu gây tê mỏi, nghỉ vài phút thì đi tiếp được), nặng hơn nữa là tím các ngón chân, vết thương vùng bàn chân chậm lành, hoại tử khô nếu không điều trị kịp thời bệnh nhân sẽ bị nhiễm trùng, nhiễm độc rất nguy hiểm.
Tuy nhiên, việc chẩn đoán bệnh hẹp động mạch chi khá đơn giản, nếu thăm khám phát hiện mất mạch vùng bẹn, khoeo, mu chân, một bên chân bị lạnh hơn bên còn lại do máu nuôi kém. Siêu âm doppler màu và chụp CTScan động mạch chi sẽ cho kết quả chính xác mức độ và vị trí hẹp. Việc điều trị bệnh động mạch chi sẽ tùy thuộc rất nhiều vào vị trí và mức độ động mạch bị tắc hẹp và tình trạng chức năng của chi bệnh.
Hồ Quang