Vấn đề sức khỏe nào dễ khiến tình hình bệnh nhân COVID-19 trở nặng?
Thông tin Y học - Ngày đăng : 18:16, 07/04/2020
CDC tiến hành phân tích dữ liệu 7.162 ca nhiễm trên toàn nước Mỹ trong khoảng thời gian từ 18.2 - 28.3. Khoảng 37,6% số ca nhiễm có một đến nhiều vấn đề sức khỏe tiềm ẩn hoặc yếu tố rủi ro; 62,4% không có.
Vấn đề sức khỏe phổ biến/yếu tố rủi ro mà CDC ghi nhận được là tiểu đường, bệnh phổi mãn tính, bệnh tim mạch, hút thuốc. 71% số bệnh nhân COVID-19 phải nhập viện và 78% số điều trị hồi sức tích cực (ICU) có vấn đề sức khỏe tiềm ẩn. Ngược lại chỉ 27% bệnh nhân không phải nhập viện có vấn đề sức khỏe tiềm ẩn.
Dựa trên phát hiện trên CDC khuyến nghị người có vấn đề sức khỏe tiềm ẩn cần thực hiện đầy đủ biện pháp hạn chế phòng ngừa như rửa tay thường xuyên, tránh tiếp xúc, hạn chế ra ngoài và nên trữ đủ thuốc cho 30 ngày, thực phẩm cùng nhu yếu phẩm đủ 2 tuần.
Giám đốc Viện nghiên cứu quốc gia Mỹ về Lạm dụng ma túy (NIDA) Nora Volkow cũng cảnh báo nhóm đối tượng thường xuyên hút thuốc lá (kể cả thuốc lá điện tử) hoặc cần sa đều có khả năng tiến triển nặng nếu mắc COVID-19, vì chức năng phổi bị suy giảm.
Giáo sư Brian Christman thuộc đại học Vanderbilt khuyên người hút thuốc nên bỏ thói quen này. Làm vậy giúp lông mao trong phổi tái tạo và tái lập chức năng làm sạch không khí lẫn chất nhầy.
Nghiên cứu do ba học giả Allison Landman, Laura Feetham, Daniel Stuckey phối hợp cùng Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc thực hiện lưu ý đến nguy cơ chuyển biến nghiêm trọng mà bệnh nhân ung thư phải chịu nếu mắc COVID-19, đặc biệt là ung thư phổi.
Cẩm Bình (theo CNBC, CNN, The Lancet)