COVID-19 tạo cơ hội cho dịch bệnh khác

Thông tin Y học - Ngày đăng : 10:21, 13/04/2020

Nhiều tổ chức y tế toàn cầu vài tuần qua lâm vào thế khó xử: Tiếp tục hỗ trợ chương trình tiêm chủng vắc xin diện rộng ở các nước nghèo và vô tình góp phần lây lan COVID-19, hay đề xuất đình chỉ – quyết định chắc chắn gây ra sự bùng phát bệnh truyền nhiễm khác.
Chương trình đến từng nhà tiêm phòng bại liệt như ở Kenya năm 2018 - đem đến nguy cơ lây nhiễm COVID-19 - Ảnh: Getty Images

Cuối cùng họ lựa chọn phương án sau. Sáng kiến Xóa sổ Bệnh bại liệt toàn cầu (GPEI) cuối tháng 3 kêu gọi tạm ngừng tất cả chương trình tiêm vắc xin ngừa bại biệt đến nửa cuối năm nay. Nhóm tư vấn chiến lược về tiêm chủng của Tổ chức Y tế thế giới (SAGE) khuyến nghị dừng mọi chương trình với lý do hoạt động tập trung đông người như vậy đi ngược lại ý tưởng giãn cách xã hội.

Giới chuyên gia cảnh báo quyết định trên đem lại hậu quả nghiêm trọng trong dài hạn, kèm theo thiệt hại từ COVID-19. Chủ tịch Liên minh Vắc xin toàn cầu (GAVI) Seth Berkley ước tính khoảng 13,5 triệu người lỡ dịp tiêm vắc xin bại liệt, sởi, HPV, sốt vàng, dịch tả, viêm màng não kể từ lúc mọi chương trình bị đình chỉ.

Con số sẽ còn tăng cao. Với nhiều trẻ em, các chương trình quốc tế hỗ trợ là cơ hội tiêm chủng duy nhất.

COVID-19 nay đang hoành hành tại Afghanistan, Pakistan cùng không ít quốc gia châu Phi còn bệnh bại liệt khác. Nỗ lực xóa sổ bệnh này gặp thách thức nghiêm trọng.

Chuyên gia Robb Linkins thuộc Đơn vị Tiêm chủng toàn cầu (Trung tâm Kiểm soát - Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ) cho biết, 78 triệu trẻ em sẽ không được tiêm vắc xin sởi do 23 quốc gia ngừng chương trình tiêm chủng, 16 quốc gia chưa ra quyết định.

Ở nước nghèo, virus sởi có thể giết chết 3 - 6% số ca nhiễm, đặc biệt nguy hiểm với trẻ suy dinh dưỡng. Năm 2018 ghi nhận 10 triệu trường hợp mắc bệnh và 140.000 trường hợp tử vong. Đây là căn bệnh rất dễ lây lan nên số ca nhiễm nhiều khả năng tăng mạnh một khi tiêm chủng bị đình chỉ.

Tại Congo - nơi tính đến nay có hơn 340.000 người mắc sởi và 6.500 trẻ em chết vì bệnh này, chiến dịch tiêm chủng vẫn được duy trì.

GAVI, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cùng nhiều tổ chức khác từng nhấn mạnh phải giữ vững hoạt động tiêm chủng cho trẻ em suốt mùa dịch COVID-19. Tuy nhiên hệ thống y tế các nước phải dàn trải nguồn lực và thiếu thốn trang thiết bị, thậm chí vắc xin do vận chuyển gặp khó khăn. Hơn nữa phụ huynh cũng ngại đưa con đến cơ sở y tế.

Không chỉ chương trình tiêm chủng, chương trình đào tạo 500.000 bà mẹ châu Phi tự chẩn đoán suy dinh dưỡng cấp tính cho con, của Liên minh Hành động y tế quốc tế (ALIMA) cũng vì COVID-19 mà đình chỉ.

Tuy nhiên Chủ tịch GAVI Berkley nhìn thấy hy vọng: Nguồn hỗ trợ tài chính không bị cắt đứt, sau đại dịch nhanh chóng khôi phục tất cả chương trình tiêm chủng (kinh nghiệm rút ra từ đợt dịch Ebola giai đoạn 2014 - 2015).

Cẩm Bình (theo Science Magazine)