SARS-CoV-2 vẫn ‘sống khỏe’ ở nhiệt độ cao
Thông tin Y học - Ngày đăng : 11:41, 15/04/2020
60 độ C trong một giờ là quy trình mà hầu hết phòng thí nghiệm áp dụng để vô hiệu hóa vi rút nào đó trước khi tiến hành xử lý kỹ hơn. Nhóm nghiên cứu tại Đại học Aix-Marseille (Pháp) dùng vật chủ tiêu chuẩn là tế bào thận của khỉ thuộc loài chlorocebus aethiops, mang một chủng SARS-CoV-2 phân lập từ một bệnh nhân tại Đức.
Tế bào được đưa vào một môi trường “sạch” và một môi trường “bẩn” với protein động vật mô phỏng mẫu bệnh phẩm thực tế (chẳng hạn như dịch họng). Kết quả sau xử lý nhiệt cho thấy vi rút ở môi trường sạch bị vô hiệu hóa hoàn toàn, vi rút môi trường bẩn còn sống sót. Nhiệt độ phải tăng đến 92 độ C trong 15 phút mới tiêu diệt hoàn toàn SARS-CoV-2 – một phát hiện rất có ý nghĩa đối với công tác đảm bảo an toàn cho đội ngũ kỹ thuật viên phòng thí nghiệm.
Nhóm nghiên cứu nhận định xử lý nhiệt làm giảm rõ rệt khả năng lây nhiễm nhưng một lượng vi rút sống sót nhất định cũng đem lại nguy cơ lây. Nhiệt độ 60 độ C có thể là đủ để xử lý mẫu bệnh phẩm lượng vi rút ít, tuy nhiên sẽ rất nguy hiểm cho nhân viên y tế lấy mẫu hay kỹ thuật viên phòng thí nghiệm khi xử lý mẫu bệnh phẩm lượng vi rút cao.
Nhiệt độ cao hơn giúp giải quyết vấn đề nhưng dễ tổn hại vật liệu di truyền RNA của vi rút cũng như giảm độ nhạy xét nghiệm. Vì vậy nhóm nghiên cứu đề xuất dùng hóa chất thay vì nhiệt độ trong xử lý SARS-CoV-2.
Phát hiện trên cung cấp thông tin quý giá cho nỗ lực chống dịch COVID-19 toàn cầu, mặc dù tình hình thực tế phức tạp hơn trong phòng thí nghiệm rất nhiều. Giáo sư Charrel lưu ý khả năng lây nhiễm của SARS-CoV-2 ở các môi trường khác nhau vẫn đang là điều bí ẩn.
Dựa trên một vài quan sát chỉ ra rằng quốc gia nhiệt đới ghi nhận ít ca nhiễm hơn, nhiều người kỳ vọng tình hình dịch bệnh tại bắc bán cầu sẽ chuyển biến tốt khi nhiệt độ tăng cao. Tuy nhiên giới nghiên cứu gần đây cảnh báo COVID-19 sẽ tiếp tục lan rộng suốt mùa hè sắp tới.
Cẩm Bình (theo SCMP)