Người đàn ông nguy kịch vì sợ COVID-19 không dám đi tái khám tiểu đường

Thông tin Y học - Ngày đăng : 18:39, 27/04/2020

Do lo ngại lây lan dịch bệnh COVID-19, người đàn ông mắc bệnh đái tháo đường tự ở nhà điều trị, khiến sức khỏe ngày càng giảm dần rồi rối loạn tri giác, lơ mơ, phản ứng chậm phải chuyển đến bệnh viện cấp cứu.
TS.BS Trần Minh Triết – Khoa Nội tiết, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM tư vấn cho người nhà bệnh nhân về việc cần thiết phải tái khám định kỳ để điều trị hiệu quả bệnh đái tháo đường - Ảnh: N.P

TP.HCM: 3 bệnh nhân mắc COVID-19 khỏi bệnh phải nhập viện trở lại do dương tính

Sau nhiều lần âm tính, phi công người Anh trở lại dương tính với COVID-19

TP.HCM: Các cơ sở khám chữa bệnh tư nhân hoạt động trở lại

Nghiêm cấm việc xét nghiệm COVID-19 theo yêu cầu

TP.HCM ngưng lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại sân bay, nhà ga

Phi công người Anh lần thứ 2 âm tính với COVID-19 nhưng vẫn còn nguy kịch

Cắt giảm 20.000 công nhân, Công ty PouYuen được phép hoạt động trở lại

Ngày 27.4, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM cho hay vừa tiếp nhận cấp cứu một trường hợp nguy kịch do lo sợ lây lan dịch bệnh COVID-19 không đi tái khám bệnh đái tháo đường định kỳ.

TS.BS Trần Minh Triết – Khoa Nội tiết, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM bệnh nhân là ông L.N.H. (50 tuổi, ngụ tại Bình Dương). Ông H. được chẩn đoán bị bệnh đái tháo đường hơn 1 năm qua. Thời gian đầu, bệnh nhân tái khám và điều trị đái tháo đường đều theo đúng lịch. Tuy nhiên, từ khi xuất hiện dịch bệnh COVID-19, bệnh nhân H. lo sợ dịch bệnh này lây lên nên không đến bệnh viện khám định kỳ. Thay vào đó bệnh nhân sử dụng một loại thuốc không rõ nguồn gốc do một người bạn giới thiệu.

Khoảng 1 tháng trước khi nhập viện cấp cứu, ông H. cảm giác mệt mỏi, sụt cân và khát nước nhiều. Sau khi có các triệu chứng, nhưng vì quá lo sợ dịch bệnh COVID-19, anh H. không đến bệnh viện khám mà ở nhà cố gắng chịu đựng.

Sau đó, sức khỏe bệnh nhân sụt giảm nghiêm trọng rồi có biểu hiện rối loạn tri giác, lơ mơ, phản ứng chậm nên người nhà đã đưa bệnh nhân đến cấp cứu tại Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM. Tại đây, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị hôn mê tăng áp lực thẩm thấu máu.

Bác sĩ Triết nhận định đây là biến chứng cấp tính nguy hiểm đe dọa tính mạng của người bệnh do lượng đường trong máu tăng quá cao.

“Bệnh nhân đã được chúng tôi cấp cứu kịp thời và điều trị tích cực tại khoa Hồi sức tích cực và khoa Nội tiết. Sau khoảng 1 tuần, sức khỏe người bệnh dần hồi phục và ổn định trở lại”, bác sĩ Triết cho hay.

Ngoài bệnh nhân H., bác sĩ Triết cho biết còn có bệnh nhân T.T.N. (62 tuổi, ngụ tại tỉnh Bến Tre) cũng bị biến chứng mệt mỏi, khát nước, mắt mờ do không tái khám đái tháo đường định kỳ mà sử dụng toa thuốc cũ của bác sĩ để uống.

Theo bác sĩ Triết, đái tháo đường là một bệnh lý mạn tính, vì vậy muốn kiểm soát đường huyết tích cực, đạt hiệu quả điều trị và ngăn ngừa các biến chứng, việc người bệnh kiên trì tuân thủ điều trị và biết cách tự chăm sóc bản thân là một trong những yếu tố quan trọng nhất. Để đạt được hiệu quả điều trị, người bệnh cần phối hợp 3 yếu tố chính đó là sử dụng thuốc đều đặn, thực hiện chế độ dinh dưỡng và chế độ luyện tập theo đúng chỉ định của bác sĩ.

Tuy nhiên trên thực tế, nhiều người bệnh thường chỉ tuân thủ điều trị trong thời gian đầu, sau khi thấy tình trạng sức khỏe ổn định hơn lại phát sinh tâm lý chủ quan hoặc tin theo những thông tin không chính xác, từ đó dẫn đến nhiều sai lầm trong cách tự chăm sóc như không tuân thủ chế độ dinh dưỡng, không sử dụng thuốc đều đặn, không tái khám định kỳ, thậm chí tự ý sử dụng các loại thuốc không theo chỉ dẫn của bác sĩ…

Nhiều người trong giai đoạn đầu mới khởi phát bệnh thường mang tâm lý lo sợ, ăn kiêng quá mức, không đủ dinh dưỡng dẫn đến hạ đường huyết. Ngược lại, có những người bệnh lại ăn quá nhiều các loại thực phẩm không phù hợp dẫn đến đường huyết tăng cao, khó kiểm soát.

Một số người bệnh thì tìm đến các loại thực phẩm chức năng, các loại thuốc gia truyền không rõ nguồn gốc. Điều này dẫn đến đến biến chứng tăng đường huyết cấp tính, suy gan hoặc suy thận.

Hồ Quang