Không nên dùng heparin cho bệnh nhân nhiễm COVID-19

Thông tin Y học - Ngày đăng : 19:59, 01/05/2020

Các nhà khoa học kêu gọi ngừng dùng heparin cho bệnh nhân nhiễm COVID-19.
Hầu như tất cả các bệnh nhân SARS-CoV-2 được dùng heparin trong khi chạy thận nhân tạo đã chết với các biến chứng liên quan đến suy tiểu cầu cấp - Ảnh: DepositPhotos

Theo medrxiv.org, ở nhiều bệnh nhân bị nhiễm trùng, chức năng phổi bị suy yếu do sự hình thành các cục máu đông trong động mạch phổi. Điều này quyết định sự phổ biến của heparin trong điều trị những bệnh nhân như vậy. Các bác sĩ châu Âu và châu Mỹ đã bắt đầu sử dụng heparin chống đông máu để điều trị nhiễm trùng coronavirus.

Heparin như thể hiện qua các quan sát đầu tiên của bệnh nhân nguy kịch, đã cải thiện chức năng phổi bằng cách làm tan cục máu đông và ức chế viêm. Nhưng tình trạng không dung nạp heparin và sự giảm sụt tiểu cầu (thrombocytopenia) mà heparin gây ra có thể xuất hiện một cách tự nhiên ở những bệnh nhân bị nhiễm coronavirus, ngay cả khi họ chưa bao giờ dùng thuốc này trước đó.

Điều này có thể giải thích tại sao hầu như tất cả bệnh nhân nhiễm vi rút SARS-CoV-2 được dùng heparin trong khi chạy thận nhân tạo đã chết với các biến chứng liên quan đến suy tiểu cầu cấp tính.

Trong bối cảnh bệnh truyền nhiễm COVID-19 đã phát triển thành đại dịch toàn cầu, điều cần thiết là điều tra các đặc điểm lâm sàng của COVID-19 và phát hiện ra các yếu tố nguy cơ tiềm ẩn đối với những ca bệnh nặng để giảm tỷ lệ tử vong chung.

Các nhà khoa học đã phân tích 61 bệnh nhân COVID-19 trong tình trạng nguy kịch được đưa vào khoa chăm sóc đặc biệt và 93 bệnh nhân nặng nhưng không được chăm sóc đặc biệt ở Vũ Hán, Trung Quốc, trong giai đoạn từ tháng 2 đến tháng 4 năm 2020.

Hồ sơ y tế, bao gồm cả dữ liệu nhân khẩu học, số lượng tiểu cầu, phương pháp điều trị liên quan đến heparin, xét nghiệm giảm tiểu cầu do heparin- (HIT) và kết quả gây tử vong của bệnh nhân COVID-19 đã được phân tích và so sánh giữa những người sống sót và không điều trị.

Kết quả, heparin thực sự đe dọa giảm tiểu cầu (thrombocytopenia). Lý do là cơ thể sản sinh kháng thể với heparin dẫn đến tình trạng kháng thể tấn công không chỉ heparin, mà cả tiểu cầu liên quan đến nó. Do đó, đã xảy ra tình trạng chết tế bào hàng loạt, hình thành cục máu đông mới trong khi những cục máu đông cũ không hòa tan.

Thông thường, tình trạng giảm tiểu cầu (thrombocytopenia) có thể xảy ra, nhưng khá hiếm, chiếm 1% số bệnh nhân dùng heparin trong một thời gian dài. Trong bối cảnh nhiễm coronavirus, phản ứng phát triển một cách tự nhiên, thậm chí ngay sau lần dùng heparin đầu tiên. Theo thống kê, những biến chứng này được quan sát thấy ở 40% bệnh nhân nhiễm trùng nghiêm trọng được chăm sóc trong phòng hồi sức. Điều này đặc biệt đúng đối với bệnh nhân chạy thận nhân tạo.

Các nhà khoa học kêu gọi từ bỏ heparin, sử dụng các loại thuốc khác để làm loãng máu. Tất cả điều này, theo các nhà khoa học, cho thấy rằng heparin không thể được sử dụng để chống nhiễm trùng coronavirus trong mọi trường hợp và nó phải được thay thế bằng các thuốc chống đông máu khác không có tác dụng phụ nguy hiểm như vậy.

Vũ Trung Hương