Bệnh viện đầu tiên ứng dụng trí tuệ nhân tạo để điều trị bệnh đột quỵ

Thông tin Y học - Ngày đăng : 14:54, 09/05/2020

Một bệnh nhân 57 tuổi được chẩn đoán nhồi máu não và được điều trị tiêu sợi huyết nhưng không thuyên giảm. Sau đó, bệnh nhân được ứng dụng phần mềm trí tuệ nhân tạo Rapid để đánh giá và can thiệp chính xác lấy huyết khối động mạch não do tắc hoàn toàn động mạch não trái, cứu sống thành công bệnh nhân.
Sau khi được can thiệp, bệnh nhân T.V.H. (57 tuổi, quê Đồng Tháp) đã trở lại gần như bình thường - Ảnh: BVCC

Ngày 9.5, Bệnh viện Đa khoa quốc tế SIS Cần Thơ (Bệnh viện đột quỵ tim mạch Cần Thơ) cho biết đã ứng dụng thành công phần mềm trí tuệ nhân tạo Rapid vào điều trị cho bệnh nhân đột quỵ. Đây là bệnh viện đầu tiên của cả nước ứng dụng phần mềm trí tuệ nhân tạo này trong cấp cứu đột quỵ.

Bác sĩ Nguyễn Lưu Giang - Trưởng đơn vị can thiệp mạch máu, ứng dụng Rapid của bệnh viện - cho biết bệnh nhân bị đột quỵ được điều trị thành công bằng phần mềm trí tuệ nhân tạo Rapid là ông T.V.H. (57 tuổi, quê Đồng Tháp).

Ngày 1.5.2020, ông H. được chuyển đến Bệnh viện đột quỵ tim mạch Cần Thơ trong tình trạng tê yếu 1/2 người phải, trước đó được điều trị tại Bệnh viện tỉnh An Giang với chẩn đoán nhồi máu não và đã được điều trị tiêu sợi huyết nhưng không thuyên giảm.

Tại đây, các bác sĩ đã ứng dụng phần mềm trí tuệ nhân tạo Rapid xử lý, đánh giá và phân tích hình ảnh tự động về tình trạng bệnh nhân. Nhờ ứng dụng trí tuệ nhân tạo Rapid này đã giúp các bác sĩ đưa ra quyết định cực kỳ nhanh chóng để can thiệp lấy huyết khối động mạch não do tắc hoàn toàn động mạch não trái.

“Chỉ sau vài ngày can thiệp, hiện bệnh nhân đã phục hồi tốt và gần như trở lại bình thường”, bác sĩ Giang cho hay.

Nhờ ứng dụng phần mềm trí tuệ nhân tạo Rapid, các bác sĩ đã xác định tổn thương nhanh nhất và đưa ra phương pháp điều trị chính xác kịp thời - Ảnh: BVCC

Theo bác sĩ Giang, phần mềm ứng dụng trí tuệ nhân tạo Rapid là phần mềm tưới máu não, đây là giải pháp nhằm xử lý, đánh giá và phân tích hình ảnh tự động về tình trạng bệnh nhân có còn cần thiết để can thiệp mạch máu não hay không, can thiệp có mang lại hiệu quả tốt hơn cho bệnh nhân hay không.

Từ đó, giúp các bác sĩ đưa quyết định lâm sàng nhanh hơn, chính xác hơn. Đối với bệnh nhân đột quỵ, thời gian là não, bởi cứ mỗi phút trôi qua sẽ có gần 2 triệu tế bào não chết đi. Chính vì vậy, việc đưa Rapid vào chẩn đoán và điều trị sẽ là bước tiến mới, giúp nhanh chóng tái thông mạch máu, từ đó các tế bào máu phục hồi nhanh chóng.

Phân tích của bác sĩ Giang cho thấy phần mềm trí tuệ nhân tạo Rapid được sử dụng để đánh giá tình trạng tổn thương não của bệnh nhân đột quỵ cấp cứu sau 6 giờ và bệnh nhân đến trong giờ vàng nhưng có diễn tiến lâm sàng nặng.

Trường hợp bệnh nhân đột quỵ cấp cứu sau 6 giờ, ứng dụng này sẽ giúp đánh giá giữa vùng thiếu máu não và vùng nhồi máu não, hay còn gọi là “vùng tranh sáng tối”. Nếu bệnh nhân có vùng thiếu máu não rộng hơn vùng nhồi máu não, bệnh nhân sẽ nhanh chóng được chuyển sang can thiệp nội mạch, giúp tái thông mạch máu trở lại.

Trường hợp bệnh nhân đến trong giờ vàng nhưng có diễn tiến lâm sàng quá nặng, cần dùng phần mềm Rapid để đánh giá và loại trừ, bởi nếu vùng não tổn thương quá nặng thì việc có tái thông lại cũng không mang lại hiệu quả cao. Ngược lại, trong trường hợp tắc mạch máu lớn, nếu không được sơ cứu hiệu quả, bệnh nhân bị tắc nghẽn đường thở sẽ bị tổn thương hoàn toàn não.

Bệnh nhân đã được can thiệp lấy huyết khối ở động mạch não kịp thời - Ảnh: BVCC

TS.BS Trần Chí Cường - Giám đốc chuyên môn Bệnh viện đột quỵ tim mạch Cần Thơ cho biết phần mềm trí tuệ nhân tạo Rapid chỉ giúp cho bác sĩ tốt hơn trong việc chọn lựa có nên hay không nên trong can thiệp nội mạch cho bệnh nhân, vì khi can thiệp nội mạch là xâm lấn, tốn kém và đôi khi gây ra hậu quả biến chứng sau can thiệp nếu vùng nhồi máu quá lớn mà can thiệp sẽ làm tăng nguy cơ xuất huyết sau đó, chứ không phải giúp bệnh nhân hồi phục tốt hơn. Do đó, bệnh nhân nên nhận biết các yếu tố về nguy cơ dẫn đến đột quỵ, triệu chứng sớm của đột quỵ, tầm soát sớm, không nên để xảy ra đột quỵ.

“Hoàn toàn sai lầm khi nghĩ rằng phần mềm Rapid giúp kéo dài thời gian vàng, nó chỉ hỗ trợ đánh giá bệnh nhân đến sau 6 giờ, khi tái thông mạch máu còn có lợi hay không.

Vì vùng nhồi máu quá lớn, nếu tái thông lại sẽ dẫn đến xuất huyết não. Kể cả những quốc gia phát triển cũng không sử dụng phần mềm Rapid trong cấp cứu đột quỵ bởi phần lớn bệnh nhân đến rất sớm, vấn đề quan trọng hơn hết là sự hiểu biết của cộng đồng về bệnh đột quỵ và bệnh nhân đến càng sớm thì sẽ được cứu chữa tốt nhất, và phòng bệnh hơn chữa bệnh”, bác sĩ Cường chia sẻ.

Hồ Quang