Cấy miễn phí ốc tai điện tử cho bệnh nhi 30 tháng tuổi
Thông tin Y học - Ngày đăng : 14:31, 08/07/2020
Mất thính giác ảnh hưởng đến hàng triệu người ở mọi lứa tuổi trên toàn thế giới. Hầu hết những trẻ bị khiếm thính bẩm sinh với điếc sâu hai tai, máy trợ thính mang lại lợi ích rất hạn chế. Tuy nhiên trong thời đại công nghệ tiên tiến, sự phát triển các thiết bị y tế ngày càng tinh vi và cải tiến hơn trong đó có cấy ghép ốc tai điện tử giúp hàng ngàn người khiếm thính mức độ nặng đến sâu trên thế giới khôi phục thính giác.
Không giống như máy trợ thính, ốc tai điện tử đòi hỏi phải phẫu thuật cấy ghép vào bên trong ốc tai và hoạt động khác với máy trợ thính. Thay vì khuếch đại âm thanh dựa vào chức năng tế bào lông thính giác còn lại, nó giúp người dùng cảm nhận âm thanh bằng cách xử lý thành xung điện, kích thích trực tiếp dây thần kinh thính giác bỏ qua phần tế bào lông thính giác bị tổn thương, giúp cho những người bị nghe kém từ mức độ nặng đến điếc sâu vẫn có thể hiểu lời nói tốt hơn, nâng cao nhận thức và có thể giao tiếp tốt hơn trong môi trường ồn, tự tin hòa nhập với cuộc sống.
Em bé may mắn được Bệnh viện Trung ương Huế chọn cấy ghép miễn phí ốc tai điện tử là cháu D.A.H, đến nay đã được 30 tháng tuổi và bị điếc sâu 2 tai, phải đeo máy trợ thính từ nhỏ, nhưng khi cháu ngày càng lớn thì hiệu quả của máy trợ thính không còn được như trước. Vì thế gia đình cháu H. đã chạy vạy khắp nơi để tìm đường cứu chữa mở cơ hội cho cháu.
Theo các bác sĩ của Bệnh viện Trung ương Huế, vì may mắn được một nhà hảo tâm tài trợ nên cháu H. được cấy ốc tai điện tử miễn phí, loại ốc tai điện tử được cấy cho cháu là loại có chất lượng tương đối cao, sản xuất tại Pháp.
“Bộ ốc điện tử được cấy cho cháu H. có công nghệ mới nhất, được chế tạo để sẵn sàng tương thích với công nghệ tương lai với độ an toàn cao. Bộ cấy trong thiết kế thành một khối, với diện tích nhỏ nhất và mỏng nhất trên thị trường, có độ chịu lực cao nhất (7 jules), chuỗi điện cực thẳng, mềm mỏng giúp chèn vào ốc tai dễ dàng, bảo tồn cấu trúc còn lại trong ốc tai và có 20 hạt điện cực tròn giúp tối ưu hóa bề mặt tiếp xúc cũng như kích thích thần kinh thính giác”, TS Nguyễn Thanh Xuân, Phó giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế cho biết.
Theo TS Xuân, hệ thống cố định bằng vít titanium tạo nên một “kỹ thuật phẫu thuật nhanh và đơn giản cho phép ngăn ngừa di lệch bộ cấy hiệu quả”. Công nghệ cố định này cho phép cấy ghép mà không cần khoan giường trên xương sọ, giúp giảm thiểu nguy cơ biến chứng, đồng thời giảm đáng kể thời gian gây mê và phẫu thuật lên đến 40 phút.
Từ đó dẫn tới quá trình phẫu thuật diễn ra nhanh hơn, giảm xâm lấn, không khoan giường, bộ cấy nhỏ gọn đồng nghĩa với việc cho phép bảo tồn độ dày xương sọ, bộ cấy đặt gần tai hơn, vết cắt phẫu thuật nhỏ hơn, thời gian gây mê ngắn hơn, thời gian hồi phục sau cấy nhanh hơn, giảm thiểu nguy cơ nhiễm trùng..., và đặc biệt rất an toàn, phù hợp với trẻ em.
Quế Sơn