Phản ứng miễn dịch quyết định sống chết của bệnh nhân COVID-19
Thông tin Y học - Ngày đăng : 14:25, 18/07/2020
Khi vi rút tấn công cơ thể, hệ miễn dịch sẽ sản sinh tế bào T. Tế bào T phân thành loại hỗ trợ (helper) chịu trách nhiệm tổ chức hoạt động và loại tiêu diệt (killer) nhận lệnh xử lý.
Tế bào tiêu diệt xử lý tế bào nhiễm vi rút bằng chất độc, nhưng để thực hiện công việc một cách hiệu quả đòi hỏi sự phối hợp chính xác từ tế bào hỗ trợ. Nhóm nghiên cứu phát hiện ở nhiều bệnh nhân COVID-19 tình hình trở nặng, sự phối hợp này diễn ra không tốt với 3 kiểu hình như sau:
Thứ nhất, số lượng tế bào T hỗ trợ quá lớn trong khi tế bào tiêu diệt quá ít - giống như có quá nhiều còi báo động mà chiến đấu cơ lại chẳng có bao nhiêu.
Kiểu thứ hai là hệ miễn dịch tạo ra rất nhiều tế bào T tiêu diệt - bệnh nhân được “vũ trang” tốt hơn. Tuy vậy, tế bào hỗ trợ phối hợp tác chiến lại không đủ. Kết quả là người bệnh dễ rơi vào nguy kịch nhưng lại sống sót.
Cuối cùng là trường hợp không tạo đủ cả hai loại nên nguy cơ tử vong rất cao. Nhóm nghiên cứu chưa thể giải thích tại sao lại tồn tại khác biệt trên, họ hoài nghi có liên quan sức khỏe tổng thể của bệnh nhân ở thời điểm nhiễm vi rút.
Một bác sĩ giấu tên tại Bắc Kinh (Trung Quốc) thì lại cho rằng cách hệ miễn dịch phản ứng vốn đã được quy định sẵn nên khó lòng lý giải. Ông lưu ý đến một khía cạnh khác: một phương thức điều trị với bệnh nhân khác nhau có hiệu quả khác nhau.
“Quá nhiều tế bào T hỗ trợ có thể gây tình trạng viêm nhiễm nặng. Vài loại thuốc có thể khuất lấp dấu hiệu này trước khi viêm nhiễm trở nặng”, theo vị bác sĩ giấu tên.
Cẩm Bình (theo SCMP)