Doanh nghiệp chung tay hỗ trợ hộ chăn nuôi lợn trong tâm bão

Nhịp cầu kết nối - Ngày đăng : 18:00, 04/05/2017

Tính từ đầu năm 2017 đến nay, người chăn nuôi trên cả nước đang “lao đao” vì giá lợn hơi tụt dốc không phanh, tình trạng kéo dài liên tục suốt nửa năm khiến cho nhiều trang trại và doanh nghiệp đứng bên bờ vực phá sản. Nhằm hỗ trợ và đồng hành cùng người nông dân, Tổng công ty Chăn nuôi Việt Nam (VILICO) đã giảm giá lợn giống 20-30% hỗ trợ người chăn nuôi vượt qua tâm bão.

Một cổ nhiều tròng, người chăn nuôi khốn khổ

Khi được hỏi về lý do giá lợn tuột dốc không phanh, các chủ trang trại tại Đồng Nai đều cho rằng nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ nhu cầu tiêu thụ thịt lợn của thị trường Trung Quốc đột ngột giảm mạnh. Trong quý 1 và quý 2 năm 2016, giá thịt lợn hơi tăng mạnh và đạt đỉnh ở mức 56.000 đồng/kg khiến cho nhiều hộ chăn nuôi đầu tư lợn giống để cải thiện kinh tế. Tuy nhiên ở thời điểm hiện tại giá thịt lợn chỉ dao động ở mức 20.000 đồng – 25.000 đồng/kg, thậm chí các tỉnh miền Nam còn thấp hơn, có nơi giá thịt lợn chạm đáy ở mức 13.000 đồng/kg.

Đây là một thực tế không thể tránh khỏi bởi sản phẩm thịt lợn hơi Việt Nam từ trước đến nay đều xuất khẩu sang Trung Quốc theo đường tiểu ngạch. Do vậy người chăn nuôi không được đảm bảo về nguồn bao tiêu sản phẩm. Khi Trung Quốc có đủ nguồn cung nội địa, thương lái sẽ giảm mạnh nhập khẩu dẫn đến tình trạng “ế” và thị trường trong nước không thể tiêu thụ hết nguồn cung.

Không chỉ có vậy, trong những năm gần đây, nhu cầu về thực phẩm sạch của thị trường trong nước đột ngột tăng mạnh. Người dân, đặc biệt là các tầng lớp trí thức dần trở nên cảnh giác với các loại thực phẩm có nguồn gốc xuất xứ không rõ ràng. Vẫn biết rằng việc kiểm dịch là cần thiết cho để đảm bảo một nguồn thực phẩm sạch cho người tiêu dùng, tuy nhiên khâu kiểm định rắc rối, loằng ngoằng, thậm chí “làm khó” các hộ chăn nuôi khiến cho chi phí tăng mạnh. Một con lợn đi từ trang trại ra đến thị trường phải lăn qua rất nhiều con dấu, biên bản của nhiều cơ quan chức năng khác nhau.

Thậm chí từ ngày 1.3.2017, TP.HCM quy định việc đeo vòng truy xuất nguồn gốc lợn, mặc dù các cơ quan quản lý vẫn chưa có biện pháp kiểm tra quy trình khiến cho việc đeo vòng chỉ dừng ở mức “đối phó”. Các văn bản, quy định chồng chéo khiến cho nông dân chỉ biết than trời và không hiểu vì sao lợn được cấp chứng nhận kiểm dịch và niêm phong vẫn không được bán tại các chợ vì… thiếu vòng.

Tuy nhiên, các khó khăn khúc mắc đều đã được chỉ ra trong cuộc họp khẩn giữa Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và các doanh nghiệp. Chỉ cần Chính phủ, doanh nghiệp và người chăn nuôi hiểu rõ vị thế và thách thức của mình, tìm ra con đường chung, ngành chăn nuôi lợn hứa hẹn vẫn sẽ phát triển bền vững và đem lại lợi nhuận cao cho người nông dân.

Các doanh nghiệp chung tay hỗ trợ người chăn nuôi vượt qua giai đoạn khó khăn

Hưởng ứng lời kêu gọi của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giải bài toán thịt lợn “ế” trước mắt cho người chăn nuôi, các doanh nghiệp đã đề xuất nhiều phương án ngắn hạn và dài hạn hỗ trợ người nông dân vượt qua giai đoạn khó khăn.

Đặc biệt, Tổng công ty Chăn nuôi Việt Nam (VILICO) với vai trò là đầu tàu trong ngành chăn nuôi đã đề xuất nhiều biện pháp nhằm hỗ trợ tối đa cho các hộ nuôi lợn. Cụ thể doanh nghiệp sẽ hỗ trợ tư vấn miễn phí cho các hộ chăn nuôi để tìm ra giải pháp trong tình thế hiện tại. Nhiều trường hợp người nông dân cố gắng vay mượn để giữ đàn lợn, chờ những chuyển biến tích cực về giá thịt lợn mới bán ra. Nhưng đây không phải là cách làm phù hợp với tình thế hiện tại vì lợn nái đẻ sẽ tiếp tục gây sức ép lên thị trường. VILICO cũng sẵn sàng giảm giá thức ăn chăn nuôi, hỗ trợ chi phí vận chuyển để phần nào giảm gánh nặng chi phí lên người chăn nuôi.

Giải pháp bền vững VILICO đề ra chính là giảm giá 20%-30% lợn giống với tiêu chuẩn kiểm định quốc tế. Các hộ chăn nuôi có thể yên tâm tái đầu tư vào các lứa lợn sau, đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm. Giống lợn chất lượng, hạn chế tối đa dịch bệnh và tăng trọng tốt sẽ giúp tiết kiệm chi phí và đảm bảo đầu ra cho người chăn nuôi.

Trong cuộc họp khẩn cấp với Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, rất nhiều giải pháp đã được các doanh nghiệp đưa ra, bao gồm cả giải pháp lâu dài và giải pháp tạm thời. Với sự chung tay của các cơ quan chức năng, các doanh nghiệp và người tiêu dùng trên cả nước, hy vọng ngành chăn nuôi lợn Việt Nam sẽ sớm vượt qua tâm bão, nhanh chóng ổn định cuộc sống, yên tâm sản xuất.

Tổng công ty Chăn nuôi Việt Nam – CTCP (VILICO) được hình thành trên cơ sở cổ phần hoá Công ty mẹ Tổng công ty Chăn nuôi Việt Nam – Công ty TNHH MTV. Hiện tại VILICO tập trung tham gia xây dựng, quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành chăn nuôi, tổ chức sản xuất chăn nuôi, cung ứng sản phẩm con giống, dịch vụ chăn nuôi gia súc; gia cầm, kinh doanh xuất nhập khẩu, bán buôn bán lẻ các sản phẩm chăn nuôi, thức ăn chăn nuôi và các loại vật tư liên quan đến chăn nuôi.

Trải qua 20 năm kế thừa, phát triển và trưởng thành, VILICO bao gồm Khối văn phòng Tổng công ty (6 phòng ban), 1 chi nhánh tại TP.HCM, 5 công ty, Trung tâm và Xí nghiệp hạch toán phụ thuộc, 20 công ty có vốn đầu tư của Tổng công ty trong đó có 2 công ty con, 13 công ty liên kết và 5 doanh nghiệp khác được đặt tại Hà Nội, Hải Phòng, TP.HCM và các tỉnh, thành phố khác trên phạm vi cả nước.

Sản phẩm lợn giống Tam Đảo là sản phẩm chất lượng cao nhập khẩu từ Mỹ và Canada, được VILICO tập trung nguồn lực đầu tư, nghiên cứu và chăm sóc theo tiêu chuẩn cao nhất, đảm bảo nguồn giống luôn khoẻ mạnh, không dịch bệnh. Hàng năm, VILICO cung ứng trên 50.000 con lợn giống trên thị trường, được người chăn nuôi cả nước tín nhiệm về chất lượng cao và nguồn gốc xuất xứ đảm bảo.

PV