Tết về thăm làng tranh Đông Hồ - Bàn thú chơi tranh dân gian
Câu chuyện văn hóa - Ngày đăng : 06:31, 23/01/2017
Những ngày cuối năm, khi tiết trời lạnh giá và công việc bộn bề, đã có lúc người ta quên đi ý niệm về thời gian. Để rồi bất chợt trong một chiều, bắt gặp một gánh hàng hoa chở theo những cành đào trên phố. Thế là Tết đang về! Ngày Tết ngoài bánh chưng, câu đối đỏ, cành đào hay chậu mai thì không thể thiếu được những bức tranh dân gian. Chẳng thế mà người xưa có câu “Nhất chữ, nhì tranh, tam sành, tứ mộc”. Chơi tranh không chỉ là thú vui mà còn tạo không khí tươi vui, rực rỡ cho gia đình vào những ngày đầu năm mới.
Nhất là xuân Đinh Dậu năm nay, nhà nhà đều nô nức sắm cho được bức tranh con gà mong may mắn, phúc lộc cả năm. Nhắc đến dòng tranh dân gian, người ta thường nhớ đến làng tranh Đông Hồ. Chúng tôi ghé thăm làng tranh nho nhỏ nằm ven sông Đuống, thuộc làng Đông Hồ, xã Song Hồ, Thuận Thành, Bắc Ninh một ngày cuối năm. Tiết trời se lạnh dù có chút nắng nhẹ. Ngay từ đầu làng Hồ, cả một dãy phố, hai bên nhà tấp nập xe tải, người mua người bán đông như trẩy hội, cũng là buôn giấy màu nhưng là hàng mã không phải tranh. Làng tranh bây giờ chỉ còn vài hộ gia đình tâm huyết giữ gìn.
Lão nghệ nhân làm sống lại dòng tranh đông hồ
Tương truyền, làng tranh Đông Hồ lúc thịnh có hơn 100 nhà làm. Tuy nhiên, càng ngày thú chơi tranh càng mai một, sức tiêu thụ giảm, số nghệ nhân sống bằng tranh không còn nhiều. Cả làng giờ vỏn vẹn có hai nhà còn lưu giữ và tiếp tục sống với cái nghề của cha ông, còn các gia đình khác lại chuyển sang làm hàng mã để mưu sinh. Từ lối rẽ trên đê vào làng Đông Hồ, chúng tôi hỏi thăm nhà nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế. Căn nhà 3 gian ấn tượng với lối kiến trúc cổ kính, mảnh sân rộng, xa xa có túp lều tranh, ao cá, giếng nước, vườn bưởi chín vàng thoang thoảng hương thơm. Tiếng gõ lạch cạch của người thợ chế bản in, tiếng đập bồm bộp của người thợ tráng màu... thôi thúc lòng người.
Ông Nguyễn Đăng Chế năm nay đã ngoài 81 tuổi nhưng bước đi thoăn thoắt, minh mẫn, cười nói niềm nở, đôi mắt sáng quắc, khuôn mặt toát lên khí chất của một lão nghệ nhân. Vừa tiếp chúng tôi, thỉnh thoảng ông vừa khoát tay hướng dẫn con cháu vẽ và in màu tranh. Ông kể, trước năm 1945 làng tranh sầm uất, đông vui là thế, vậy mà khi cuộc sống thay đổi đã khiến dòng tranh Đông Hồ đi xuống, người làng bỏ nghề gần hết. Sinh ra và lớn lên tại làng Đông Hồ, ông Chế - người kế nhiệm đời thứ 20 trong gia đình hiểu rõ nguy cơ mai một của nghề tranh truyền thống này.
Xin nghỉ hưu sớm, năm 1991 tích cóp lương, ông bớt ăn bớt tiêu mua lại hầu hết ván khắc, khuôn tranh quý bỏ xó mốc meo trong làng. “Ban đầu cái gì cũng khó khăn, nhất là mình chỉ sống bằng đồng lương, khi mà nghề tranh mai một chẳng ai mặn mà, làm ra không có người mua” - ông trầm ngâm nhớ lại một thời khó khăn đã qua. Năm 2006, khi kinh tế đã ổn, gia đình ông quyết định thành lập công ty cung cấp tranh dân gian Đông Hồ. “Tôi xây dựng nhà mình thành một bảo tàng nơi có nhiều bức tranh quý, khuôn cổ để khách thập phương có thể đến thăm và chiêm ngưỡng” - ông Chế hồ hởi chỉ về phía nhà bảo tàng tranh phía sau nơi chứa nhiều bức tranh cổ và gần 1.000 tấm ván khắc quý, trong đó có 4 bức của bộ truyện tranh Thạch Sanh đã hơn 100 năm tuổi.
Dù tuổi đã cao nhưng nghệ nhân Chế vẫn tỉ mỉ trong từng khuôn in, mảng màu, giữ được hồn vía trong từng bức tranh. Theo ông, tranh Đông Hồ phải được in trên giấy dó, sau đó dùng chổi lông gà quét một lớp điệp trắng lên. Hầu hết, tranh ở Đông Hồ đều in bằng bản khắc gỗ gồm nhiều mảnh, mỗi mảnh một màu. Cứ thế, bền bỉ gần 30 năm qua, dù người chơi tranh ngày một ít nhưng gia đình nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế vẫn quyết chí bám trụ gìn giữ nghề xưa. Dưới sự dẫn dắt của ông, giờ đây con trai, con dâu, con gái, các cháu nội ngoại của lão nghệ nhân này đều trở thành những nghệ nhân thành thục, ngày ngày bám xưởng tạo ra nhiều bức tranh dân gian đậm giá trị nghệ thuật.
Ý nghĩa của những bức tranh gà
Vốn mang “hồn cốt” của người Việt, tranh Đông Hồ lấy chất liệu cuộc sống, phản ánh chân thật, sinh động như cảnh đánh ghen, cảnh hứng dừa bằng váy, ngoài ra còn có thổi sáo trên lưng trâu, đánh vật, múa rồng, cấy lúa, đám cưới chuột... Bên cạnh đó, dòng tranh này còn phản ánh ước vọng của người dân vào một năm mới vinh hoa, phú quý, tài lộc sum vầy. “Có rất nhiều dòng tranh để treo trong nhà dịp Tết, trong đó phải kể đến một số bức tranh gà nổi tiếng như: Em bé ôm gà, Đại cát, Gà gáy năm canh, Gà mẹ và đàn con...” - ông Chế chỉ vào những bức tranh trong khu trưng bày của gia đình. Nói rồi, ông nhanh tay cầm đốc lịch Đinh Dậu tỉ mỉ giới thiệu ý nghĩa của từng bức tranh. Đầu tiên, tranh Vinh hoa với hình bé trai ôm gà có nghĩa tài lộc đầu năm. Hình ảnh cậu bé khỏe mạnh, hồng hào, mũm mĩm ôm chặt chú gà thể hiện sức mạnh, sự phồn vinh.
Gà trống trong tiếng Hán là đại kê, có âm đồng với chữ đại cát/đại kiết. Theo đó, đại cát là quẻ bói tốt nhất trong bát quái. Chính vì thế, năm Dậu treo tranh Vinh hoa trong nhà không gì phù hợp bằng. Bức tranh Gà gáy năm canh với chú gà thật oai vệ, chân trái dựa nhẹ bên khóm trúc, chân phải đặt lên mỏm đá mấp mô, toàn thân vươn lên phía trước, đầu ngẩng cao, mắt mở to, ức ưỡn ra, đuôi xòe rộng tượng trưng cho sự thịnh vượng cùng 5 đức tính tốt của người quân tử: văn, võ, dũng, nhân, tín. Vẫn chủ đề này, bức vẽ hai chú gà đối đầu thể hiện sự rắn giỏi, sức mạnh vượt qua mọi khó khăn. Hình ảnh hai chú gà trống to khỏe, cựa dài, sắc nhọn đứng trong tư thế chân co chân duỗi, đầu hơi nghiêng, mắt quắc thước sẵn sàng cho trận chiến.
Đặc biệt, lông đuôi của hai chú gà uốn quanh thành một vòng tròn cách điệu như vầng dương đang mọc, tỏa ánh sáng xuống nhân gian. Ngoài ý nghĩa về sức mạnh, thịnh vượng, vinh hoa, còn là ý nghĩa về hạnh phúc, sum họp, đoàn viên, ấm no, hòa thuận qua bức vẽ đôi gà trống mái cùng đàn con có tên tranh gà thư hùng. Bức tranh vẽ Gà mẹ cùng đàn con tượng trưng cho sự phúc đức và tình mẫu tử thiêng liêng. Hình ảnh gà mái lớn đang Tranh gà chọi nhau.
Cả gian nhà đầy ắp các bản in cổ với đủ chủng loại. Cháu gái ông Chế đang in màu công đoạn cuối cho bức tranh. ngậm mồi, hiền từ, chăm chút 10 chú gà con đứng quanh mẹ, con đang rỉa lông, con đùa chạy, con nấp dưới bụng mẹ… chính là lời chúc bình an vô sự. Chỉ là những hình ảnh đời thường, nhưng nếu đủ tinh ý, nhìn, ngẫm thật kĩ sẽ thấy được cái tài, sự tinh tế của người sáng tạo ra những bức tranh dân gian. Một mùa xuân mới sẽ ý nghĩa hơn khi nhà có thêm bức tranh gà của làng Đông Hồ. Xuân này nhờ có tranh gà Đông Hồ lời chúc sẽ đủ đầy, trọn vẹn yêu thương hơn.
Phương Nam / Duyên dáng Việt Nam