Tết về, thương chén nước mắm quê hương
Câu chuyện văn hóa - Ngày đăng : 11:39, 22/01/2017
Những ngày cuối đông đầu xuân, khi dòng nước lũ đã rút, khi những ngọn gió hun hút đã vút lên trời cao, thì ở nông thôn miền Trung chợt rựng lên một sắc ấm dịu dàng.
Tôi thích về quê vào những ngày giáp tết chỉ để được ăn một bữa cơm kiểu “kinh điển” nhà quê. Đó là nồi cơm gạo lúa mới nấu bằng củi lửa cho hơi cháy chút xíu. Nhớ là cháy vừa giòn, dễ cạy, để cháy sít quá thì mất ngon. Cá tràu trui rơm hay cá rô chiên giòn. Đọt rau lang hay bông bí luộc. Chả trứng vịt đồng. Phải là vịt chạy đồng ăn thóc lúa cua ốc tự nhiên ngoài sông ngoài đồng mới ngon. Nếu là trứng đẻ lọt ngoài bờ mương bờ ruộng thì càng quý. Trứng vịt đó đem đổ chả thì… thơm cả làng, ăn tới đâu thấm tới đó, nuốt vào tới đâu là … mê man tới đó.
Chỉ là bấy nhiêu thức ăn thôi, chẳng cần gì nhiều. Mà khoan, vẫn còn thiếu một thức, rất quan trọng, nếu không có nó thì mấy món trên coi như dẹp hết. Đó là chén nước mắm. Nhưng phải là nước mắm "gin", tức nước mắm nguyên chất, giã mấy tép tỏi Lý Sơn, dằm mấy trái ớt hiểm. Chén nước mắm đặt ở vị trí trung tâm của cái mâm. Màu nước mắm hơi nâu sậm, nhưng ánh lên như màu mật ong, màu nắng non. Giữa màu vàng nâu nước mắm có màu xanh của ớt, màu trắng của tỏi. Gắp một con cá rô chiên giòn hay giẻ một miếng cá tràu nướng trui chấm vào chén mắm, đưa vô miệng lủm một cái thì không gì sướng bằng.
Trong tất cả bữa ăn của người nông dân, nước mắm là thứ không thể thiếu, thậm chí có những bữa ăn chỉ có cơm trắng chan với nước nắm.
Có lữ khách tha hương, quen thói ăn đầu đường xó chợ, một hôm chợt thèm một món đến quay quắt, bèn bước đại vô một nhà bên đường, xin được bố thí cho một vật. Gia chủ hỏi vật gì, thì nói là chén cơm trắng chan nước mắm. Khi chủ nhà bưng chén cơm trắng chan nước nắm ra, lữ khách vồ lấy lùa vào miệng, vừa ăn vừa đầm đìa nước mắt.
Thế nhưng, trong mỗi nhà, chén nước mắm có mặt thường kỳ, hiển nhiên, nên người ta dường như không tính tới nó nữa. Người ta chỉ hỏi nhau xem bữa nay có món gì ngon, tết này mổ con heo thì phải làm bao nhiêu món, hay ngán thịt heo rồi năm nay mổ con bò ăn tết. Đại loại vậy. Chẳng thấy ai đoái hoài gì tới nước mắm. Chẳng thấy ai nâng niu nước mắm. Chẳng thấy ai lấy nước mắm để làm quà tết cho nhau.
Nhưng rồi tới một lúc, gần như là đồng loạt, cả một cộng đồng người Việt quan tâm khủng khiếp tới nước mắm. Và nỗi quan tâm số một, hàng đầu là: nước mắm này có thật không? Chao ôi, có nhiều người gần cả đời ăn nước mắm, rồi chợt ngẩn ngơ tự hỏi với mình rằng: “Nước mắm mà mình ăn lâu nay có thật không, hay toàn là nước mắm dỏm, được chế biến, bùa phép từ các loại hóa chất?”
Mỗi người rồi sẽ tự đi tìm câu trả lời cho chính mình. Và, các cơ quan chức năng cũng phải có tiếng nói chính thức, cũng như chịu trách nhiệm về việc này.
Riêng tôi thì thấy mình may mắn khi mấy chục năm nay, mặc dù sống ở thành phố, nhưng vẫn dùng nước mắm má làm. Đó là những giọt nước mắm được muối từ những mẻ cá biển ngang quê nhà. Là kiểu muối mắm truyền thống đơn giản như lâu nay người nông dân nào cũng từng làm. Là mang cá về rửa sạch bỏ vào thạp, cứ một lớp cá rắc một lớp muối, rồi chần thạp lại cho kín, đợi tới ngày con cá hóa thành con mắm, rồi múc nước mắm ra chiết lọc để dành ăn. Ấy là tôi nói vắn tắt quy trình vậy. Nói tóm lại, muốn có nước mắm thì phải có con cá. Ở những nơi người ta làm nước mắm mà không có một con cá nào hết trơn hết trọi thì đó chắc chắn là … ba trợn ba trạo. Còn thế nào là nước mắm ngon, nước mắm dở, nước mắm bình dân, nước mắm cao cấp… thì vô thiên lủng, vô cùng tận. Tôi không dám bàn.
Với tôi, ăn một món ngon tức là ăn với nỗi nhớ nhung, hoài niệm. Mấy ngày giáp tết về quê, ra phía sau vườn nhà, tha thẩn giữa hàng cây chuối, nghe tiếng gió xào xạc. Và, chợt nghe mùi nước mắm bay thoang thoảng, như thực như mơ.
Con cá làm nên con mắm
Vợ chồng già thương lắm mình ơi.
Câu ca dao như từ đâu đó vọng về. Ừ nhỉ, con cá làm nên con mắm, như sự hiển nhiên giản dị của cuộc đời này vậy. Nhưng có đôi khi con người ta lại vô tình quên đi cái lẽ thường ấy. Con người ta chạy theo những cái giả hiệu, hào nhoáng để rồi một lúc nào đó giật mình nhận ra sự vong bản, vong thân. Như vợ chồng già thương là thương thật. Như vợ chồng nghèo thương là thương thật. Như con cá làm nên con mắm là mắm thật. Hóa ra sự đời đơn giản vậy mà không phải ai cũng làm được.
Tôi lại nhớ câu ca dao thấm vị mặn mòi của tình yêu.
Nước mắm ngon dằm ngon cá trắng
Thấy em chận bò dang nắng anh thương
Ca dao tán tỉnh hay hết biết. Ngày nay thi sĩ sản xuất thơ tình có mà xách dép.
Trong lúc tha thẩn, bị dẫn dụ theo mùi nước mắm như mơ như thực ấy, tôi lại nghe vẳng lên một cặp ca dao.
Nước mắm ngon dằm con cá trích
Anh có vợ rồi đứng xích em ra
Chà chà, chẳng biết có ông nào vợ con đùm đề rồi mà còn đi “thả dê” để cho cô thôn nữ kia phải “cảnh cáo” như vậy. Nhưng nghe câu ca dao chợt dưng thèm món cá trích nướng đến… chảy nước miếng. Và, cũng thèm được trở về những ngày xưa thật thà đến nao lòng.
Lại nhớ, trong các mâm cúng của người Việt, ngoài những món cao lương mỹ vị thì lúc nào cũng có một thứ thật giản dị, đó là chén nước mắm. Là chén nước mắm "gin", nguyên chất, không pha, không chế biến. Chén nước mắm ấy là biểu tượng của văn minh vật chất người Việt lúc sống cũng như khi thác. Bây giờ đời sống hiện đại, khi cúng người ta cũng có thể đặt thùng bia, lon Cola-Cola, bao thuốc lá...; nhưng cái chén, hay dĩa nước mắm thì không thể vắng mặt.
Rõ ràng, nước mắm là một thức không đơn thuần chỉ là nước chấm (hay theo ghi chép của Phan Huy Chú, thời Lý Thái Tổ năm 1013 thì nước mắm là một trong sáu loại thổ sản phải đóng thuế), nước mắm còn là một chất dẫn truyền các cung bậc cảm xúc. Thổ sản hay nước chấm đặc trưng đặc thù gì cũng chưa đủ ca ngợi nước mắm. Nước mắm là một thứ tinh hoa của đất trời Việt. Nước mắm là quà tặng tuyệt vời của biển cả nước Việt.
Ngày tết, trong mỗi gia đình người Việt, chúng ta lại thấy sự hiện diện của chén nước mắm. Để khi dùng đũa gắp miếng thức ăn chấm vào chén nước mắm ấy, đưa vào miệng, ta lại biết rằng người mẹ, người vợ đã dành cho mình những tình cảm thật thà, chan chứa đến mức nào.
Trần Nhã Thụy