42 năm rồi ai còn nhớ

Câu chuyện văn hóa - Ngày đăng : 11:35, 29/04/2017

Sài Gòn bây giờ náo nhiệt hơn, thay đổi rất nhiều, phố xá sang trọng, kiểu cách nổi bật lên ở khu trung tâm Q1, đường Lê Lợi, Đồng Khởi, Nguyễn Huệ.

Mỗi ngày tôi vẫn thường qua đây, nhưng làm sao không nhớ một góc phố cũ khu Lê Thánh Tôn-Tự Do (Đồng Khởi) với quán cà phê Cái Chùa (La Pagode). Xích xuống phía dưới, trước nhà hát Thành Phố, đối diện với khách sạn Continental là cà phê Givral...và rạp ciné Eden, bên kia đường Nguyễn Huệ là ciné Rex.

Những ngày cuối tuần, ngày lễ, tết khu vực đó thật rộn ràng, thanh niên nam nữ đưa nhau đi bát phố, vào thương xá mua quà tặng, ngắm hàng, ngồi cà phê nhìn chiều xuống chậm, đợi đèn đường bật lên sáng bừng những hàng me xanh ven đường và chắc chắn sẽ dẫn người yêu vào xem phim.

Những bộ phim chọn lọc, nhớ đời. Bây giờ thú rong chơi, bát phố ấy đâu còn nữa, những quán cà phê, rạp chiếu phim thủa ấy cũng đã mất dấu... chỉ còn hiện ra trong hồi tưởng của người Sài Gòn hoài cổ.

Và xa hơn một chút, góc Pasteur-Lê Lợi là rạp ciné Casino Sài Gòn, một rạp hạng B thời đó nhưng dắt người yêu vào xem xuất tối, ngồi ở cánh gà A hoặc B trên lầu cũng khá tình tứ, lãng mạn. Bây giờ rạp Casino Sài Gòn mất tăm, chỗ đó người ta đang xây dựng công trình gì đó rất hoành tráng.

Tôi nhớ nhất (và mọi người cùng thời với tôi chắc cũng vậy) con hẻm Casino sát bên rạp Casino dẫn vào khu ăn uống với đủ các món Nam-Bắc-Trung. Những thanh niên nam nữ đi từng nhóm, các cặp tình nhân thường vào đây. Bún chả, bánh tôm, phở... thứ gì cũng có, giá cả phù hợp với túi tiền học sinh, sinh viên.

Tôi có quá nhiều kỷ niệm với con hẻm này. Một thời đã qua, tái hiện như giấc mơ. Thoáng chốc đã là quá khứ, đã là ngày xưa... Ai còn, ai mất, ai vẫn ở Sài Gòn, ai xa cách mấy phương trời còn ngồi nhớ ?

Người ở Sài gòn trước đây hầu như ai cũng biết 3 thương xá lớn nằm ngay trung tâm Q1, cũng có nghĩa là trung tâm Sài Gòn: thương xá Eden, góc đường Tự Do-Lê Lợi, trong Eden ngoài những quầy hàng cửa kính, bán những mặt hàng tiêu dùng sang trọng còn có rạp chiếu phim Eden, ngày đó là một trong những rạp chiếu phim sang trọng của Sài Gòn ngoài Rex, Đại Nam.

Ngoài mặt tiền Eden, ngay góc đường Tự Do-Lê Lợi là quán cà phê sang trọng, nổi tiếng theo phong cách Pháp, nơi giới nhà báo nắm bắt tin tức, đó là quán cà phê Givral. Thương xá Eden, rạp chiếu phim Eden và quán cà phê Givral đã biến mất.

Ở góc Nguyễn Huệ-Lê Lợi, ngay vòng xoay có hồ nước là thương xá Tax. Khu thương xá này rộng lớn, bán nhiều mặt hàng tiêu dùng: kim khí điện máy, vải vóc, vàng… Ở khu tứ giác đường Lê Lợi-Công Lý (Nam Kỳ Khởi Nghĩa)-Trương Công Định-Lê Thánh Tôn là thương xá Crystal Palace, ngoài tầng trệt còn mấy tầng lầu bên trên. Ở tầng 1 tôi còn nhớ có quầy nhạc Phạm Mạnh Cương, quầy sách Tuổi Ngọc của Duyên Anh, phía dưới mặt tiền đường Lê Lợi-Trương Công Định có quầy nhạc Minh Phát, bên kia là quán cà phê Kim Sơn, nhà hàng Thanh Thế rất nổi tiếng vì giới văn nghệ sĩ thường la cà.

Và đặc biệt ngay góc Lê Lợi-Trương Công Định có quầy sách báo rất hoành tráng của cô Nga, giới văn nghệ thường gọi là cô Nga ốm, vì cô nhỏ con, rất ốm và… móm duyên. Cô chủ quầy sách báo rất dễ thương, sẵn sàng cho mấy anh nhà thơ, nhà văn nghèo tới đọc cọp sách báo, thậm chí cho mượn tiền uống cà phê mà ít đòi.

Người thường xuyên có mặt ở đây là nhà văn Hoàng Ngọc Tuấn và chính tôi cũng có rất nhiều kỷ niệm với quán sách, báo của cô Nga ốm. Bây giờ những góc phố này đã thay đổi hoàn toàn, người xưa ở Sài Gòn còn khó nhận ra huống chi là khách vãng lai và người mới nhập cư làm dân Sài Gòn, đặc biệt là thế hệ trẻ sau năm 1975?

Và tới đây bùng binh Quách Thị Trang trước cổng chính chợ Bến Thành sẽ không còn tồn tại để nhường chỗ cho nhà ga tàu điện ngầm. Chọn một di tích lịch sử, nét đặc trưng của Sài Gòn hay chọn một nhà ga cho thời kỳ phát triển kinh tế xã hội? Rõ ràng người ta đã chọn cái thứ hai.

Rồi đây bùng binh Quách Thị Trang cũng như gần đó là thương xá Tax, trước đó nữa là thương xá Crystal Palace, thương xá Eden… đã đi vào quá khứ và sự quên lãng của thời gian. Không chỉ thế, bùng binh Quách Thị Trang ngay cửa đông chợ Bến Thành, một vòng xoay rất đặc trưng của Sài Gòn, biểu tượng của một giai đoạn lịch sử đấu tranh trong phong trào học sinh-sinh viên đã chạm khắc thành bức tượng trắng đầy dũng khí của cô học sinh Quách Thị Trang mà hồn phách như còn vang trong tiếng thét gào, trong lửa khói của lựu đạn cay, lựu đạn mửa…

Rồi đây cũng sẽ biến mất để trở thành nhà ga tàu điện ngầm. Mới hôm rồi tôi chạy xe máy ngang qua đây đã không còn đi vòng xoay này được nữa mà phải đi thẳng về hướng đường Lê Lai, cặp theo công viên 23-9. Cả khu vực này đang bị ngăn lại, rào chắn thành một công trường hối hả thi công cho nhà ga.

Dẫu biết rằng xã hội luôn phát triển, tiến về phía trước, hôm qua đã là quá khứ, hiện tại không phải là ngày mai, và ngày mai sẽ là một tương lai phía trước nữa và không cái gì dừng lại ở một chỗ để ta chiêm ngưỡng, ngắm nghía với sự ích kỷ của trái tim, tâm hồn một người hoài niệm luôn yêu thương biết mấy Sài Sòn.

Nhưng tôi vẫn đau đáu ước mong dẫu cuộc đời có dâu biển, chí ít bóng dáng của những “ngôi thánh đường” kỷ niệm lịch sử hay văn hóa, hoặc nơi chốn rất tư của một lần hạnh ngộ, chia tay của tình yêu vẫn luôn được lưu giữ, tồn tại theo năm tháng, trong tâm khảm của một đời người. Huống chi đó là Sài Gòn, vốn được xem là Hòn ngọc Viễn đông không chỉ với người dân Sài Gòn, cho dù là người cố cựu với thành phố hay là khách vãng lai.

Thời gian trôi qua rất nhanh, mới đó mà đã 42 năm, giống như một cái chớp mắt. Trong cái chớp mắt ngàn trùng ấy, những ngày này và 42 năm sau nữa ngẫm lại, hỏi ai còn nhớ?

Từ Kế Tường