Người Sài Gòn, nếu bạn cố gắng sẽ còn cơ hội!

Câu chuyện văn hóa - Ngày đăng : 07:57, 20/05/2017

Người Sài Gòn là thế nào? Dường như vẫn chưa có một định nghĩa rõ ràng. Hơn hai mươi năm sống, lập nghiệp ở mảnh đất phương Nam đầy nắng gió này, bạn bè gặp nhau đôi lúc vẫn băn khoăn tự hỏi đã thực sự trở thành người Sài Gòn hay chưa? Trong lòng thành phố này nếu bạn vẫn cố gắng thì sẽ còn cơ hội.
Sài Gòn, nơi cưu mang mọi cảnh đời, số phận .

Mình chợt muốn viết về đề tài này bởi cách đây một tháng đột nhiên phải tiễn một người bạn. Bất ngờ đến kinh ngạc, thảnh thốt. Cái chết quả không chừa ai cả! Quyền hạn vô biên. Nó đột ngột đánh lén một cú và tất cả mọi thứ tiêu tan bọt biển! Như một trò đùa!

Anh bạn mình người Huế, khỏe mạnh, phong độ. Sống nhiều, sống bạo. Bầy mưu tính kế, binh pháp cũng cỡ Khổng Minh, Tôn Tẩn ngày xưa! Dày dặn chốn quan trường đến nỗi chức nào, tước nào mua bao nhiêu, giá bao nhiêu cứ hỏi là anh nói vanh vách. Sợ thế! Cứ ngỡ chẳng thứ gì có thể lừa được anh, qua mắt anh! Dân bọ có câu “Huế lai bằng hai Huế chính” ứng vào anh bạn mình quả không sai! Tuy vậy, đối với bạn bè thân, anh chân tình và chăm sóc đến tận “chân tơ kẽ tóc”. Vậy mà anh chết dữ. Mất luôn trên xe khi đang đi công tác, tuổi mới năm nhăm. Từ Đà Nẵng, anh quyết tâm làm cú định mệnh: chuyển hết gia đình vào Sài Gòn! Sài Gòn là giấc mơ ngày trẻ của anh! Kỳ lạ thế! Và những thăng trầm số phận không cho phép anh làm điếu đó trước khi bước vào tuổi Năm mươi. "Hành phương Nam" vẫn là giấc mơ ngọt ngào, phỉnh dụ và quyến rũ không thể gác bỏ. Và quả tài tình! Chỉ trong hai năm, anh đã kịp làm nhiều vài thứ trong đó có những việc quan trọng có thể mất cả cuộc đời kẻ khác chưa chắc hoàn thành như mua nhà, mua xe, hộ khẩu, sổ đỏ... đứng tên đàng hoàng. Nhưng niềm vui đến chưa bao lâu thì anh đột tử. Vậy anh có phải là người Sài Gòn không?

Người Sài Gòn là thế nào mà lắm kẻ mơ ước như vậy?

Cứ nghĩ thế nào là người Sài Gòn trong đầu mình cứ hiện lên hình ảnh hai anh em đi coi nhà để mua trước khi anh mất. Ôi chao là hang cùng ngõ hẻm! Không thể nào đi hết, hiểu hết được. Sài Gòn mặt tiền mặt phố. Nhưng Sài Gòn còn hẻm sâu hẻm cụt. Anh định xem cỡ khoảng... trăm cái nhà để chọn thì vừa! Mình hết chịu nổi! Tháp tùng anh mấy cái thì chạy dài! Cứ thấy số điện thoại anh là sốt, cáo lỗi "anh ơi hôm nay em nhiều việc quá"! Vậy mà anh vẫn say mê khám phá vô cùng tận! Anh bảo trong mỗi con hẻm sâu ngun ngút ấy là mê lộ, là phơi phới một đời sống riêng! Thôi thì cứ để ông anh mơ mộng!

Bây giờ đã thành người thiên cổ anh còn nghĩ về Sài Gòn không? Đắng chát!...

Hẻm sâu Sài Gòn, hun hút những cảnh đời, những phận người...

Mình là dân lạc xứ! Chẳng biết thực chất gốc gác đúng là gì? Cha Quảng Bình, mẹ con Hoàng tộc Huế “mệ”. Mình sinh ra và lớn lên ở Đà Nẵng. Giọng nói vẫn trọ trẹ khó nghe không có tí gì “eng không eng, tét đèn đi ngủ” như một câu phương ngữ đùa về đặc tính dân Quảng Nam. Nhưng tính tình thì cương trực, ăn sóng nói gió “giống y sì” không khác. Bạn bè mình tứ hải giai huynh đệ. Chưa bao giờ câu nệ cát cứ hay địa phương. Nhưng thân nhất vẫn là mấy đứa Hà Nội. Lạ thế! Bởi lẽ cái tính sâu sắc (xấu) sâu nặng với cái đẹp, với văn chương. Ôi, mà nói thế thôi! Ngưu tầm ngưu mã tầm mã! Ở đâu vùng nào cũng có người hay kẻ dở. Thời trai trẻ qua đi. Đôi lúc ngoái nhìn lại thấy đã mất đi quãng đời đẹp nhất. Nhiều lúc ngậm ngùi khi thấy mình chẳng có nơi nào để trở về đúng nghĩa. Trở về là về thế nào? Ừ thì cứ gọi là thực chất quê hương. Lạc quẻ. Lạc thời. Mung lung, mơ lơ!

Cõi người này buồn. Tha nhân. Tha phương. Hiển nhiên rồi! “Bao nhiêu năm rồi còn mãi ra đi / Đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt…” (Trịnh Công Sơn). Nhưng rồi cũng có lúc quay về. Muốn quay về. Quê xứ con người. Mình chẳng hiểu gì lắm cái câu cảm khái Trung Hoa “Cáo chết ba năm quay đầu về núi”. Cáo chết rồi làm sao biết quay đầu? Tuy nhiên, rõ ràng tiềm ẩn trong tiềm thức con người một nỗi “hoài” sâu xa. Đi và chẳng bao giờ đến. Tuổi tác chất nặng.Muốn quay về cái nơi mình sinh ra. Trịnh viết là "nhiều khi muốn quay về ngồi yên dưới mái nhà". Chữ "ngồi yên" hay thật là hay!

Học giả Nguyễn Hiến Lê, (bìa phải) và một số bạn bè văn nghệ của ông (Ảnh tư liệu)

Mình làm thơ nên rất quan tâm đến các giọng thơ. Nhưng có thấy thi sĩ nào là người Sài Gòn chính hiệu đâu? Cũng là dân tứ xứ đâu đó đổ về. Ví như Bùi Giáng, một sinh quyển thơ, một phương diện tinh thần đọc đáo của Sài Gòn là người Quảng Nam. Thi sĩ Bùi Chí Vinh, "chọc trời khuấy nước" với Thơ Đạo, Thơ Tình, Thơ Đời... Khẩu khí tráng sĩ, táo tợn "Uống ly cà phê trong quán cóc / Ngửa mặt lên và ngước ra đường / Các em thất tiết nhiều hơn trước / Bộ ngực nào cũng nhuốm phong sương... ". Anh Vinh quê Nam Định. Nguyễn Quốc Chánh, một nội lực thơ vạm vỡ, trong các thi phẩm Đêm mặt trời mọc, Khí hậu đồ vật và hai tập thơ anh tự xuất bản Căn cước của ẩn dụ, Ê tao đây!... Anh Chánh gốc cha Bắc mẹ người Bạc Liêu và anh cũng sinh ra ở Bạc Liêu. Nguyễn Tấn Cứ Sinh nhật em và tôi người Quảng Ngãi, sống ở Đà Lạt. Sự ngang phè ngổn ngang thế sự của Cứ cũng làm nhiều bạn đọc ngỡ đó là đặc sản, là khẩu khí "Sài Goòng" thứ thiệt!... Cũng như còn nhiều tác giả khác!

Chỉ có một người mà mình biết là "Sài Gòn gốc" đó là nhà thơ Tô Thùy Yên của nhóm Sáng Tạo. Năm 2005, khi mình qua Đức trong chương trình giới thiệu thơ Việt Nam ở Berlin và Munich cùng anh Tô Thùy Yên (Mỹ) anh có tặng mình mấy tuyển thơ. Trong đó, phần tiểu sử có ghi "Tô Thùy Yên, tên thật Đinh Thành Tiên, gốc người Gia Định - Sài Gòn". Lúc đó mình cũng đã rất tò mò. Mình có nói chuyện với anh thì anh Yên xác định anh là người Sài Gòn gốc. Có lẽ ít người biết chuyện và có thể sẽ ngạc nhiên trước thông tin này. Bởi lẽ thơ Tô Thùy Yên không có chút gì là "Sài Gòn" cả! Ngôn từ của anh cô đặc, phù trầm, nhiều chất nổ. Đó là thứ ngôn từ tinh luyện của nước mắt và sự sâu thẳm chứ không địa phương tính, hời hợt của bề mặt.

Nhà nghiên cứu, học giả Vương Hồng Sển viết nhiều sách về thú chơi người Sài Gòn xưa

Người Sài Gòn là người thế nào? Cũng chẳng có định nghĩa rõ ràng. Vì cứ xét theo nặng nợ mình nghĩ ra thì thật khó tìm được người Sài Gòn đích thực. Những tác giả viết về Sài Gòn nhiều nhất lại không phải… người Sài Gòn! Ví như mấy ông Nguyễn Hiến Lê, Vương Hồng Sển, Nguyễn Văn Hầu, Minh Hương, Nguyễn Q. Thắng… Học giả Vương Hồng Sển gốc người Hoa, nhà ông ở Sóc Trăng. Thời gian mình lưu lạc về “thị xã Miên” này lang thang cùng các anh em đi tìm “di chỉ” ông. Dòng họ Vương hiện còn một người cháu tên Vương Khánh Hưng ở trên phần đất hương hỏa tổ tiên trên trục đường chính thị xã Sóc Trăng... Ngay như Nguyễn Hiến Lê được xem như "khí khái, chất Nam Bộ" rặt, đã từng xuất bản hàng trăm tác phẩm từ biên khảo, nghiên cứu, điền dã, dịch thuật, học làm người, dạy làm người... ở Sài Gòn nhưng trong cuốn "Quách Tấn - Nguyễn Hiến Lê, Những lá thư đầm ấm" do quách Giao sưu tầm xuất bản mới đây cho thấy ông gốc người Bắc và hầu hết sách của ông được viết ở An Giang rồi gửi lên Sài Gòn xuất bản... Ông Nguyễn Văn Hầu cũng là người An Giang viết nghiên cứu về văn chương Nam Bộ. Rồi các ông Thu Giang Nguyễn Duy Cần, Toan Ánh... đều "ngoại lai", từ các miền Trung, miền Bắc đến chứ không phải "người Sài Gòn"...

Người Sài Gòn vẫn có câu cửa miệng "Thấy dzậy mà không phải dzậy". Ồ, vậy hóa ra "Ngó dzậy mà không phải dzậy" mới chính là cái gốc, là căn cước của người Sài Gòn chăng? Bất kể bạn từ đâu đến. Đất lành chim đậu. Thành phố phương Nam sẵn sàng cưu mang, đón nhận mọi cảnh đời, số phận. Trong lòng thành phố này nếu bạn cố gắng bạn sẽ có một cơ hội.

Để tận cùng sâu thẳm là sự mang ơn, kiêu hãnh khi lời giới thiệu của minh với ai đó nở trên môi: -"Tôi là người Sài Gòn!".

Sài Gòn, 20.5.2017

Nguyễn Hữu Hồng Minh