Thắng Donna, dấu ấn văn hóa Pháp và 'Em đẹp như mơ'

Câu chuyện văn hóa - Ngày đăng : 18:08, 31/05/2017

Khó có thể tìm được người yêu nhạc Pháp như Thắng Donna. Anh đã âm thầm thực hiện nhiều đêm nhạc để giới thiệu với công chúng Sài Gòn nét hay, cái độc đáo của dòng nhạc này. Chương trình mới nhất của anh và các nghệ sĩ có chủ đề "Em đẹp như mơ" sẽ diễn ra tại We (Lê Quý Đôn - Q.3. TPHCM) lúc 20h tối nay, thứ Tư, 31.5.
Nghệ sĩ Thắng Donna muốn tạo một sân chơi cho người yêu dòng nhạc Pháp ở Sài Gòn

*Thật khó có thể phủ nhận dấu ấn của văn hóa Pháp để lại ở VN qua Âm nhạc, Thi ca, Văn học. Tôi còn nhớ ngày còn bé đã được đọc thơ của La Fontaine, Arthur Rimbaud, Apollinaire, tiểu thuyết của Victor Hugo, Alexandre Dumas, truyện ngắn Balzac, Guy de Maupassant, âm nhạc Christophe, Jean-Jacques Goldman, Marc Lavoine ... và rất nhiều tác giả khác nữa không thể kể hết. Là một nghệ sĩ, ca sĩ gốc Việt có thời gian sống, định cư trên đất Pháp trên 30 năm, dấu ấn nào của văn hoá Pháp với anh là ấn tượng nhất?

Ca sĩ Thắng Donna: Ồ, vâng! Trong 30 năm trở về đây, có vô số sự kiện văn hóa và thể thao trên đất Pháp mà tôi cưu mang. Chỉ xin phép nêu ra một vài dấu ấn đối với bản thân tôi. Có nhiều bước ngoặt trong văn hóa và thể thao làm thay đổi tư duy xã hội và có ảnh hưởng đến thế giới như Ngày hội âm nhạc - Fête de la musique do Bộ trưởng bộ Văn hóa, ông Jack Lang đề xướng năm 1981. Hàng năm, cứ vào ngày đầu tiên của mùa hè, 21 tháng 6, mọi người đổ xô ra đường để thể hiện tình yêu âm nhạc của mình, ai có kèn thổi kèn, ai có trống đánh trống... tạo ra không khí náo nhiệt và rất văn minh. Mọi người xích lại gần với nhau hơn. Đã có hơn 120 nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam chúng ta tổ chức lễ hội này. Bản thân tôi đã tham gia tổ chức với Hội liên hiệp Pháp - Việt TP.HCM trong năm 2016.

Thắng Donna trước một buổi biểu diễn âm nhạc

Năm 1986, một nhạc phẩm của Jean-Jacques Goldman, đã tạo nên luồng gió nhân đạo, kết đoàn, giúp đỡ người khốn khó Les Restos du Cœur - Quán cơm nhân ái. Ý tưởng nhân ái này do tài tử Coluche khởi xướng. Nó đã thức tỉnh xã hội Pháp rằng bên cạnh sự ấm no của họ, vẫn còn có những cảnh đời khốn khó, chỉ cần một bữa cơm, một manh áo, một cái mền, đủ để qua mùa Đông khắc nghiệt.

Về âm nhạc, tôi đã thấy sự ra đời của những tài năng trẻ mà ngày hôm nay, họ trở thành những nghệ sĩ ngôi sao của nước Pháp như Jean-Jacques Goldman (tác giả bài Comme toi), Florent Pagny, Renaud, Patrick Bruel, Patricia Kaas, Marc Lavoine (tác giả bài Bonjour Vietnam), Charlotte Gainsbourg ,…

Về điện ảnh, năm 1988, giới làm phim Pháp đã có nhiều cơ hội “xuất cảng” được các diễn viên ưu tú của mình vào thị trường Mỹ.

Về thể thao, vô địch thế giới bóng đá lần đầu tiên cũng vào năm 1998. Tiếp theo, vô địch châu Âu năm 2000. Nước Pháp vang dội với Zidane - "les Bleus", cùng sắc áo màu xanh của đội tuyển bóng đá Pháp. Chưa bao giờ bóng đá Pháp tỏa sáng như trong khoảng thời gian này. Nền kinh tế phát triển cao, mức độ tăng trưởng 3%. Cuộc sống phong phú từ kinh tế đến văn hoá thể thao. Tôi xem nó là thời vàng son của nước Pháp “đa chủng tộc” từ 30 năm nay.

Chương trình "Em đẹp như mơ" diễn ra tối nay, thứ Tư 31.5.2017 tại phòng trà We - Quận 3 - TPHCM.

*Và khi trở về Việt Nam để làm nghệ thuật - xây dựng riêng biệt những chương trình chỉ biểu diễn dòng nhạc Pháp, thông điệp Thắng Donna muốn chuyển tải hay tìm kiếm là gì?

-Tôi có nhiều mơ ước khi làm những chương trình "thuần" dòng nhạc Pháp. Nhưng có lẽ nổi bật 3 điều. Thứ nhất, hát nhạc Pháp để quay lại với thời mới lớn. Cái tuổi 15,16 trăng rằm đẹp nhất đời người cùng với những bản nhạc mượt mà như Dona Dona (Thương tiếc), Mal (Cơn đau tình ái) và nhiều bài khác. Thứ hai, hát để khơi lại những hoài niệm cho thế hệ 6X của tôi. Và cuối cùng, tôi muốn giới thiệu nền âm nhạc Pháp với thế hệ các bạn trẻ hiện nay.

*Được biết trước khi chuyển sang lĩnh vực sân khấu, nghệ sĩ Thắng Donna đã có một thời gian cầm cọ như một hoạ sĩ. Tranh của anh từng được triển lãm ở Paris?

-Cám ơn anh đã chú ý đến hội họa của tôi. Vì trước khi dấn thân vào âm nhạc, tôi bắt đầu bằng mỹ thuật, được học vẽ rất sớm, lúc gia đình còn ở Sài Gòn. Sau này, khi định cư tại Pháp, tôi mới theo học tiếp lớp hội họa tại trường Mỹ thuật - Pháp, trong những năm 90. Triển lãm đầu tay của tôi ở Pháp là vào năm 1997. Từ cột mốc này cho đến 2011, tôi đã tham gia nhiều cuộc triển lãm tập thể tại Đức, và một số tỉnh, thành phố của nước Pháp. Còn ngay tại thủ đô Paris, năm 2000, tôi tham dự cuộc triển lãm tranh tại Grand Palais, là một Cung điện lớn và cũng là một Bảo tàng Paris.

Một tờ báo Pháp giới thiệu tranh Thắng Dona và bạn bè trong một triển lãm năm 1997.

*Trở lại với âm nhạc, cách đây không lâu live show “Tình cho không biếu không” của anh và các nghệ sĩ cũng biểu diễn tại tại phòng trà We - Sài Gòn từng được báo điện tử Một Thế Giới giới thiệu khá thành công. Anh đánh giá sao về thị hiếu công chúng với tình yêu dòng nhạc Pháp? Chắc chắn là có rất nhiều tín hiệu phấn khởi và hy vọng chứ?

-Vâng! Tràn đầy phấn khởi. Đêm nhạc "Tình cho không biếu không" đầu tiên tại phòng trà We, chúng tôi cùng nhau thực hiện với quy mô lớn. Chuyên nghiệp từ âm thanh, ánh sáng đến cơ sở hạ tầng giúp cho khán giả rất hài lòng về chất lượng đêm nhạc. Các nghệ sĩ, ca sĩ đã cháy hết mình. Số lượng bài hát được trình diễn và theo yêu cầu của khán giả lên tới 30 nhạc phẩm. Thật khó tin chúng tôi đã làm được như vậy! Các nhạc phẩm bất hủ của văn hóa Pháp từ thập niên 60, 70 đến một số bài hôm nay. Còn gì hạnh phúc hơn khi những người nghệ sĩ đã đưa khán giả chạm tới những miền biên giới sâu thẳm của tâm hồn, của cảm xúc. Đặc biệt, khán giả trong đêm nhạc phong phú, Họ đến từ nhiều nơi như Cần Thơ, Biên Hòa, An Giang... chứ không chỉ ở Sài Gòn. Trong đó còn có một số cựu nhân viên Lãnh sự quán Pháp, các giáo sư Pháp ngữ, Việt kiều và doanh nhân, các hội đoàn khác nhau. Từ thành công của Tình cho không biếu không, chúng tôi tiếp tục bằng Em đẹp như mơ đêm nay, 31.5. Và mong rằng mô hình nhạc Pháp này sẽ xuyên suốt thành một chuỗi suốt năm 2017.

*Như thế những live show nhạc Pháp của Thắng Donna chủ trì cùng những người bạn đang được chú ý trong cộng đồng khán giả yêu nhạc. Những dự định của anh trong thới gian sẽ là gì?

-Tôi muốn truyền tải dòng nhạc Pháp đến cho mọi người Việt. Để làm được điều này, tôi mong có sự cộng lực từ các cá nhân, nghệ sĩ. Đối với cộng đồng Pháp ngữ, nhất là đối tượng sinh viên, tôi mong có những buổi lưu diễn tại các trường đại học trong và ngoài TP.HCM, để âm nhạc tiếng Pháp đến gần hơn với các bạn trẻ. Có lẽ chúng tôi sẽ thực hiện nhiều chương trình sắp tới tại Hà Nội và một số tỉnh, thành phố khác như Cần Thơ, Nha Trang, Đà Nẵng, Huế... Mơ ước rất cần cho người nghệ sĩ. Tại sao không?

*. Vâng, tôi cũng đồng ý với anh là tại sao không ước mơ? Cảm ơn nghệ sĩ Thắng Donna về cuộc trao đổi về âm nhạc và văn hóa Pháp đầy cởi mở này. Chúc đêm nhạc "Em đẹp như mơ" của anh và các nghệ sĩ đêm nay sẽ thành công hơn "Tình cho không biếu không". Và tiếp tục đi xa hơn nữa!...

Nguyễn Hữu Hồng Minh thực hiện