Chuyện coi tivi (tiếp)
Câu chuyện văn hóa - Ngày đăng : 06:13, 10/06/2017
>> Chuyện coi tivi
Bài trước, tôi đã kể những chuyện coi vô tuyến truyền hình-tivi của thiên hạ, người ở miền Bắc thập niên 70 - 90 gọi tivi là vô tuyến truyền hình, vùng Hải Phòng quê tôi còn gọi tắt là vô tuyến. Lần này thì nhớ lại, biên ra đây những điều liên quan đến chính mình được xem vô tuyến như thế nào.
Lúc nhà tôi chưa có vô tuyến, tinh đi coi ké. Cả khu tập thể giáo viên ở 43-45 Nguyễn Chí Thanh quận 5 chỉ vài nhà sắm được vô tuyến. Tối ăn cơm xong, từ lầu 4 cả đám lóc cóc xuống lầu 2 nhà thầy Hoạt xem nhờ. Đài TP.HCM đang phát những bộ phim ăn khách hấp dẫn kiểu Trên từng cây số của Bulgaria, Con bạch tuộc của Ý hay lắm. Phòng nhỏ có 20 mét vuông, chỗ coi tivi ngay sát cửa, phải ngồi nép vào nhau. Thầy Hoạt tính sạch sẽ, người lớn như tôi thì chả sao nhưng bọn trẻ con muốn vào xem phải rửa chân thật sạch ở nhà trước, khám xong mới cho vào. Nhiều đứa bỏ cả ăn uống chầu chực từ chập tối để giành một chỗ. Còn thầy Tuấn dạy địa lại có một cái tivi bé tí, màn hình chỉ to bằng nửa bàn tay. Nhiều hôm coi ké tivi của ông này, về nhà muốn nổ con mắt.
Thật thà mà nói, mãi đến cuối năm 1973 tôi mới biết mặt mũi cái vô tuyến truyền hình. Đầu năm 1973, Trường đại học Tổng hợp Hà Nội được lệnh về lại thủ đô sau khi đi tản cư tận mạn sông Cầu trên Hà Bắc. Tôi còn nhớ, hồi cuối tháng 2.1973, thầy trò ba lô khăn gói hành quân bộ kéo nhau về, khi ngang qua ngã tư Sở còn có dịp chứng kiến cả đoàn dài những chiếc xe khách Skoda mới tinh do Tiệp Khắc chế tạo chở đám phi công Mỹ ra sân bay Gia Lâm về nước. Bọn Mỹ mặc đồng phục xanh nhạt nhìn thấy chúng tôi đeo ba lô, tay xách nách mang hòm xiểng, chăn mền, chúng thò cổ ra ngoài ô cửa xe, giơ tay vẫy vẫy. Sau này có lúc tôi tự hỏi, không biết trong số những thằng vẫy mình bữa đó có John McCain hoặc Pete Perteson không nhỉ.
Khoa Văn và khoa Sử về khu ký túc xá Mễ Trì, những khoa còn lại tập trung trên Thượng Đình, đối diện khu liên hợp công nghiệp Cao Xà Lá, riêng khoa Hóa về 18 Lê Thánh Tông. Ký túc xá Mễ Trì gồm 4 tòa nhà cao tầng (gọi là cao nhưng chỉ có 4 tầng, nói theo kiểu bây giờ là 3 lầu, phần trệt cũng được tính thành một tầng, tức tầng 1) đánh ký hiệu C, từ 1 đến 4. Cứ mỗi dãy nhà chia ra làm đôi, khoa Văn ở phần phía tây, khoa Sử ở phía đông. Nhà C1 dành cho văn phòng khoa, thư viện, lớp học và nhà ở cho thầy cô. Các thầy Lê Đình Kỵ, Bùi Khánh Thế, Bùi Duy Tân, Bùi Ngọc Trác, Đỗ Hồng Chung, Chu Xuân Diên, Lê Chí Quế, Trần Vĩnh… ở dãy này. Nhà C2 chỉ dành cho sinh viên nội trú; nhà C3 vừa là trạm xá, phòng hành chính, vừa lấy các tầng trên làm lớp học. Riêng nhà C4 bị trường Nguyễn Ái Quốc chiếm làm nơi ở cho cán bộ công nhân viên của họ. Ngoài ra trong khu còn có hội trường rõ to, tiền sảnh cao rộng, hai phòng cánh gà hai bên (cũng được dùng làm lớp học). Phía sau là nhà ăn, bị bom laser Mỹ năm 1972 xơi gọn một nửa, mỗi lần đi ăn phải men vòng qua 2 hố bom to như cái ao.
Gần cổng có dãy nhà 2 tầng cho bọn lưu học sinh Trung Quốc, chúng nó mỗi đứa một phòng, đứa nào cũng trắng trẻo cao lớn xinh đẹp. Có 2 tay sau này là đại sứ đặc mệnh toàn quyền Trung Quốc nằm trong đám đó. Thỉnh thoảng chúng tôi đi ngang, đùa chào chúng “Hảo a, hảo su cù lung lẳng chẻo” (củ su hào treo lủng lẳng), con Diệp Lâm Anh (chả biết có phải con cháu gì của Diệp Kiếm Anh không) xinh nhất đám lại cười ré lên. Toàn bộ khu nhà này do Trung Quốc viện trợ giúp xây dựng, giống như khá nhiều khu khác ở Hà Nội (như Trường đại học Thủy lợi, Trường đại học Kinh tế kế hoạch) nhìn cứ na ná nhau, cùng một kiểu.
Cổng ký túc xá trông ra đường đi từ bến tàu điện Thanh Xuân vào đài phát sóng Mễ Trì. Men bên trong hàng rào hai bên cổng là hai dãy nhà vách tre, lợp lá. Phía tây là chỗ của cán bộ công nhân viên, phía đông là căn hộ của giáo viên văn sử. Thầy Đinh Xuân Dũng, thầy Lê Chí Dũng, cô Đinh Lê Thư, cô Ngô Anh Thơ của khoa Văn ở dãy này. Mỗi hộ rộng khoảng 10 mét vuông chỉ ngăn cách nhau bằng vách tre mỏng. Chả hiểu những thầy cô mới lập gia đình sẽ sinh hoạt ra sao, chứ kể ra cũng ngại thật. Nhưng biết làm sao. Chả bao giờ chúng tôi dám hỏi các thầy cô chuyện ấy.
Hồi cuối năm 1973, bác Bạn và chú Tế - trưởng và phó ban quản lý ký túc xá thông báo tối thứ bảy và chủ nhật hằng tuần khoa sẽ tổ chức cho cán bộ giáo viên công nhân viên và sinh viên trong ký túc xá coi vô tuyến. Xem ở bãi đất trống trước hội trường lớn ngay sát cổng. Đứa nào cũng phấn khởi. Từ bé tôi chưa nhìn thấy cái vô tuyến. Hôm đó tôi ra sớm, rủ thằng Phạm Văn Bích. Nó ngồi chờ một lúc thấy đông quá vẫn chưa mở, mà cái vô tuyến Neptune (hình như của Tiệp Khắc hay Ba Lan, bé khoảng 18 inches) cách xa thế này, chắc người trong vô tuyến bé như con kiến, thế là nó lỉnh sang trường Ngoại ngữ phía bên kia đường. Bên ấy có con Mai người yêu nó học khoa Nga đang chờ nó. Chả vô tuyến thì đừng.
Theo như tôi biết, các thầy cô không nhà nào có máy vô tuyến truyền hình. Bằng chứng là có hôm tôi thấy cả thầy Đỗ Hồng Chung, thầy Bùi Duy Tân, thấy Trần Vĩnh… ra xem. Thì cả khoa mới nhõn một chiếc, các thầy cô làm sao sắm tivi riêng được. Mà xe máy cũng vậy, cả khoa chỉ vài thầy có, của thầy Hoàng Xuân Nhị trưởng khoa được nhà nước phân phối, thầy Nguyễn Tài Cẩn, thầy Huy Liên đi nghiên cứu sinh đem về. Còn lại diện xe đạp tuốt tuột.
Tôi lót dép ngồi xem, hết phần Bông hoa nhỏ thì đến mục thời sự. Hình ảnh đen trắng đã không rõ, lại chớp nháy liên tục. Tivi đang phát lại lại cảnh diễu binh (chả biết năm nào) nhân dịp lễ quốc khánh. Xem mỏi mắt quá, tôi rủ anh Cờ (anh Nguyễn Huy Cờ, người Hà Bắc, ra trường về quê, chuyên viết chèo và viết văn, có nhiều vở nổi tiếng) về ngủ còn hơn. Trên đường về nhà C2, tôi nói với anh Cờ, anh ạ, em chỉ mong khi ra trường được về làm ở đài vô tuyến truyền hình. Anh Cờ cười, làm đếch gì đến lượt bọn mình, những chỗ ấy là của con cháu những vị lãnh đạo cả rồi. Ông Trần Lâm giám đốc đài chỉ tuyển con ông cháu cha thôi. Mà anh Cờ nói cũng đúng, chính con ông Trần Lâm là Trần Bình Minh cũng được đi học bên Liên Xô rồi về làm ở ngay đài bố, sau còn to hơn cả bố. Sau này khóa tôi hình như chỉ có mỗi mình Hoàng Thanh Chương người Quảng Trị, học sinh miền Nam tập kết là được về Thông tấn xã Việt Nam, sau về Báo ảnh Việt Nam, chứ chưa hẳn được về đài truyền hình, bởi nó có họ hàng với ông Lê Bá gì đó (tôi quên mất tên) quê làng Bích La Đông (Quảng Trị), mà ông ấy thì có họ với ông Lê Duẩn. Còn lại thì tứ tán hết, toàn đi dạy học hoặc làm báo nhì nhằng.
Nguyễn Thông