Bàn tay của người làm nghề báo

Câu chuyện văn hóa - Ngày đăng : 11:57, 22/06/2017

Kỷ niệm ngày của nghề báo, đồng nghiệp của tôi, thử nói với đôi tay mình một lời cảm ơn...Sẽ thấy lòng chúng ta mỉm cười...

Kỳ lạ, cứ mỗi dịp 21.6 là tôi lại...nhìn bàn tay mình. Đôi tay không biết nói nhưng 10 năm qua đã gõ giùm trí óc và trái tim không biết bao nhiêu trang văn, bao nhiêu bài báo. Đôi tay chưa từng biết đi "làm nail" sơn móng hay đính đá lấp lánh theo mùa.

Nếu ai có hỏi tôi về xu hướng thời trang móng tay hay mẫu màu nào đẹp, tôi...mù tịt.

Không biết bàn tay của những đồng nghiệp khác như thế nào, còn đôi tay tôi, lúc nào móng tay cũng...trụi lủi. Nếu để móng tay dài, khi gõ máy tính móng cọ quẹt xuống bàn phím sẽ làm tôi đau và không thao tác được nhanh. Nhiều lúc nhìn ngắm đôi tay đã gầy và hằn gân xanh, cũng vài khi chạnh lòng vì mình cũng là con gái, cũng thích làm đẹp như người ta chứ. Nhưng mình phải viết, viết nhiều lắm. Mỗi ngày...

Nữ nhà báo cũng tay máy tay viết làm tròn trách nhiệm được giao như những đồng nghiệp nam

Có những lúc viết nhiều đến tê hết cả những ngón tay...

10 năm, nhìn lại đường nghề. Tự nhiên thấy thương bàn tay mình và những đôi tay của đồng nghiệp. Cặm cụi. Cần mẫn.
Thương cả nghề báo mà tôi từng dành cho một trời lý tưởng - dù giờ đã lắm nỗi xót xa. Đôi tay nào viết ra những bài báo hay, có ý nghĩa. Và đôi tay nào viết những bài kiểu Lý Nhã Kỳ cắn nhầm lưỡi khi ăn bánh tráng trộn (trời đất ơi). Đôi tay nào viết chân thực, có đạo đức nghề nghiệp. Và đôi tay nào (buộc phải) chọn scandal, cố tình giật tít để câu view?

10 năm làm nghề. Nhìn thấy và thấu hiểu những chuyển dòng của nghề báo (cả những mặt trái), tôi cũng không biết lý tưởng ngút trời khi xưa trong lòng mình giờ đã vơi bao nhiêu phần. Nhưng biết đôi tay mình có lúc muốn ngừng lại, cho một quãng thở để đi tìm nhặt những phần cảm xúc nào đó đã rụng trong năm tháng.

Người ta nói nghề chọn người, có lẽ đúng. Ngày tôi học báo chí, thầy - là một nhà báo có tên tuổi nói tôi không thể làm báo được, vì quá hiền. Ngày tôi chập chững - và cả lao đao vào nghề, đồng nghiệp nói tôi không làm báo được, vì...không biết nhậu. Bây giờ, người mới quen không ai tin tôi có thể làm báo, vì nhìn quá mong manh. Vậy mà một thập kỷ đi qua tôi đã sống bằng công việc này. Đến một lúc quay đầu nhìn lại, thấy sao mình có thể đi một quãng đường không quá dài, nhưng cũng không phải là ngắn trên những nấc thang đời người. Và vẫn còn tiếp tục viết bằng đôi bàn tay...trụi lủi móng. Bàn tay không níu giữ được tháng năm nhưng biết tự nắm tay mình mà bước đi những khi lặng lẽ những khi đơn độc. Biết dỗ dành những bất an của người khác và của chính mình.

Có lẽ, tuổi trẻ nào cũng đi qua những đoạn đường khó như vậy. Để tuổi trẻ phải tự khẳng định mình, học cách chấp nhận và tự biết cân bằng. (Để khi nắm bàn tay nhau, biết thương cả những phần vất vả và ấm áp trong cuộc đời nhau).

Kỷ niệm 10 năm với nghề, tôi ngồi nhìn đôi tay rồi bỗng muốn "sửa sang" bộ móng cho đẹp mà...diện 21.6 với người ta. Cho mới. Nhưng nghĩ sao lại thôi. Đến một lúc nào đó tự nhiên những hào nhoáng bên ngoài với chúng ta sẽ không còn quan trọng nữa. Giống như cách mình thương quý một ai, thì chấp nhận họ như chính họ. Không cần phải hoa mỹ thêu dệt mong cầu thêm điều gì nữa cả.

Nghề báo - dù đã từng vất vả và cũng từng nhiều hiểu lầm thị phi - đi qua nhìn lại thấy lòng vẫn thương vẫn nặng nợ. Ngày xưa tôi từng nghĩ, sao cứ phải tất bật mệt mỏi mà không làm công việc gì có thể ngồi... giũa móng tay. Giờ nghĩ lại bật cười. Khi chấp nhận đôi tay mình trụi lủi, là chấp nhận hiện thực và những lựa chọn mà mình đã cưu mang trọn một thanh xuân.

Đôi tay của người làm báo.
Nhiều lúc gõ máy tính mà cứ ngỡ dạo trên phím đàn. Giai điệu là những câu chữ ngân nga trong đầu.
Là khi phải tốc ký thật nhanh thông tin để rồi chữ ngày một xấu không thua kém...chữ bác sĩ.
Là có những lúc tê hết cả 10 đầu ngón tay những lần phải viết quá nhiều trong một ngày.
Là những lần hãnh diện đứng trên bục nhận giải báo chí.
Là chụp đúng những khoảnh khắc đắt giá của nhân vật, sự kiện.
Là "trợ thủ đắc lực" cho "trái tim nóng và cái đầu lạnh"...

Đôi tay của người làm báo thay khối óc và con tim làm nên những thành quả. Nhớ để mà thương.

Kỷ niệm ngày của nghề báo, đồng nghiệp của tôi, thử nói với đôi tay mình một lời cảm ơn...Sẽ thấy lòng chúng ta mỉm cười...

Tiểu Quyên