Chuyện vặt thời đã qua: Xem chiếu bóng
Câu chuyện văn hóa - Ngày đăng : 06:47, 19/06/2017
Nhớ hồi còn học cấp 1 cấp 2, vùng nông thôn quê tôi (đồng bằng Bắc Bộ, cụ thể là Hải Phòng) ít được xem phim (thời ấy gọi là xem chiếu bóng) lắm, có khi cả tháng đội chiếu bóng lưu động mới về một lần chiếu tại sân kho hợp tác. Bán vé 1 hào, nếu người lớn kèm trẻ em thì thêm 5 xu một đứa. Cũng may thôn tôi có cái trận địa tên lửa Mả Đò chuyên đánh chặn bọn máy bay Mỹ bay là là sát mặt nước để tránh ra đa, tới cửa sông Văn Úc thì vọt cao vào, nên dân làng thỉnh thoảng được các chú bộ đội cho coi phim ké không mất tiền. Phim của bộ đội chủ yếu là phim truyện chiến đấu của Liên Xô, Trung Quốc, đánh nhau dữ lắm, kết quả tinh ta thắng địch thua.
Cả huyện Kiến Thụy chỉ có 2 đội chiếu bóng, đội chính được trang bị 2 máy chiếu, còn đội kia chỉ có 1 máy. Hôm nào đội 1 máy về chiếu thì phải kéo dài đến khuya bởi mỗi lần hết 1 cuộn lại phải lấy phim ra, lắp cuộn kia vào, khởi động lại, ít nhất cũng mất 5 phút. Chiếu bộ phim dài gần chục cuốn như Vợ chồng A Phủ hoặc phim chèo Đường về trận địa là mất toi cả tiếng đồng hồ để làm công việc tháo lắp đó. Phim Việt Nam được lồng tiếng, chứ phim nước ngoài phải có người thuyết minh, anh chị nào đọc diễn cảm, khớp mồm diễn viên thì còn dễ nghe, chứ nhiều vị thuyết minh như người ngái ngủ, lúc đôi thanh niên nam nữ ngồi ở bờ sông tỏ tình với nhau, chàng nói gì đó với nàng lại không thuyết minh, đến lúc trên màn ảnh có con chó sủa mới đọc “anh yêu em lắm”, nghe chết cười.
Chán nhất là họ thông báo chiếu phim truyện nhưng đầu buổi chiếu bao giờ cũng bắt phải xem 1 - 2 cuộn phim tài liệu, hầu hết là phim về chiến tranh hoặc các phong trào 3 sẵn sàng, 3 đảm đang, kỹ thuật chăm sóc bèo dâu, ủ phân chuồng… Háo hức chờ xem Đứng gác dưới ánh đèn nê ông, Đường về quê mẹ, Chiến dịch địa lôi... chẳng hạn nhưng phải mất gần nửa tiếng coi phim tài liệu, trẻ con đứa nào cũng đờ mắt ra, nhiều đứa la ó ầm ĩ, có đứa nhặt đá ném lên màn ảnh rách cả vải. Nhưng vậy mà may, nhờ bị bắt buộc xem nhiều phim tài liệu nên bây giờ cũng ít nhiều nhớ lịch sử đã trôi qua như thế nào.
Trẻ nông thôn không có tiền, xin được thày bu 1 hào là cực khó, thường tìm cách trốn vé. Đội chiếu phim ít người nên họ quản không xuể, chủ yếu soát vé ở lối ra vào duy nhất. Màn ảnh thường quay vào phía trong. Bọn trẻ con cứ đợi đến lúc chuẩn bị chiếu là xắn quần lội qua mấy ruộng lúa phía không có người canh lẻn vào. Bùn đất lấm lem nhưng đỡ mất 1 hào. Có đứa còn kỳ công hơn, chui vào mấy đống rơm trên sân hợp tác ngay từ lúc nhập nhoạng, đợi chiếu một hai cuốn mới bò ra, ngứa rặm bỏ xừ nhưng cắn răng chịu. Màn ảnh là tấm vải to hình chữ nhật màu trắng viền vải xanh xung quanh. Nhiều bác nông dân nhà ta tiếc 1 hào không chịu mua vé đành đứng ngoài đường xem ngược từ phía sau, được một thời gian đội chiếu bóng thấy thất thu, rút kinh nghiệm bèn may thêm tấm vải đen bịt sau màn ảnh lại. Các bác tiếc tiền không coi ngược được chửi váng lên, mình còn nhớ anh Lãng con bác Đúng tức khí nhổ luôn cái cọc chăng dây giữ màn ảnh, đang lúc đánh nhau gay cấn bỗng đổ cái rầm. Lại chửi um xùm hò hét tìm thủ phạm.
Bãi chiếu phim thường là nơi hò hẹn của trai gái đến tuổi yêu nhau. Những tối bình thường bận việc nhà, đủ thứ việc, có mà dám hò hẹn nhau khối, thày bu lại chả chẻ xác ra. Nhưng hôm có chiếu phim phải để cho chúng đi xem, chả lý do gì mà cấm. Các anh chị bỏ ra 2 hào mua vé vào bãi, kiếm một chỗ, ngồi tán nhau thoải mái. Mải cầm tay nhau thủ thà thủ thỉ, quên cả trời đất, nếu ai hỏi hôm ấy chiếu phim gì lại chả ú ớ như người câm. Thì có xem đâu mà biết. Sau vài lần coi phim như vậy là xong công đoạn tìm hiểu, hợp nhau thì xin thày bu hai bên cho làm đám cưới.
Có lần đội chiếu phim về xã từ chiều nhưng gặp mưa to, mãi đến tối vẫn không dựng được màn ảnh, không lôi được máy ra bãi. Dân chúng thấy mưa nên cũng không vội mua vé. Họ rút kinh nghiệm vài ba lần mua vé trước nhưng rồi buổi chiếu bị hoãn vì lý do này nọ, đội chiếu hứa chiếu bù nhưng đều tìm cớ tránh trớ, hoặc chỉ chiếu bù bằng mấy phim cũ xì rất vớ vẩn. Tối nhọ mặt người không hết mưa, đội phim đành dọn đồ nghề chất lên xe quất mông con bò để nó kéo về huyện. Sáng hôm sau, ông anh trai mình và ông Tân anh họ (đều đang học cấp 2) vừa thái khoai lang vừa làm thơ về sự kiện trên. Hai ông lần lượt mỗi người làm một câu ra vẻ khoái chí lắm:
Trời làm một trận mưa rào
Mấy thằng chiếu bóng xô vào dọn phim
Mưa trôi cả cây gỗ lim
Mấy thằng chiếu bóng dọn phim về chuồng
Thày tôi với bác Ỷ bố anh Tân đang hút thuốc lào, nghe xong lắc đầu, chúng mày nhố nhăng, thơ với thẩn. Tôi còn nhỏ chả hiểu gì nhưng thấy cứ là lạ, các ông anh ấy dám gọi đội chiếu bóng là thằng, lại còn nói dọn về chuồng, mà đội chiếu bóng có cây gỗ lim nào đâu... Anh Tân giải thích thơ mà, nói gì chả được. Vài năm sau, năm 1969, cả hai anh đều đi bộ đội. Ông anh ruột tôi dính đạn và bom bi ở mặt trận Hạ Lào, rồi Bình Định những 2 lần, may không chết, năm 75 về trại an dưỡng Vĩnh Bảo điều trị, ra quân với cái thẻ thương binh hạng 2/8, tôi còn nhớ người ký thẻ là trung tá Lương Tuấn Khang. Anh Tân số phận bi thảm hơn, bị bom ở chiến trường, không chết nhưng sức ép làm tê liệt thần kinh, khiến anh ấy bị tâm thần. Ra quân về nhà, cứ suốt ngày đi lang thang ngoài đường, có lúc bốc đất cát ăn, miệng hát nghêu ngao “nơi chiến trận ta tiến lên phía trước, những bàn chân nhuộm đỏ đất quê hương, đất căm hờn giục ta nhẹ bước, súng trên vai vang bài hát lên đường…” và nhiều bài đại loại vậy. Tôi vào Nam năm 1977 được một thời gian thì nghe nói anh ấy mất, hình như xe đụng gì đó. Thật thương.
Nguyễn Thông