Chuyện vặt thời đã qua: Chuyện rơm rạ
Câu chuyện văn hóa - Ngày đăng : 11:29, 30/06/2017
Nhớ có lần tôi đã viết mấy dòng trên Facebook than rằng bây giờ chả mấy đứa lớp trẻ hiểu được “rút rơm” là việc gì, vài bạn đáp rằng anh ơi chú ơi, quê em quê cháu vẫn còn rơm đấy. Nghe vậy tự dưng thấy ấm lòng.
Hồi năm 1977 tôi từ Sài Gòn về tỉnh Tiền Giang, nhìn qua cửa xe đòra cánh đồng ven đường thấykhói đốt rơm nghi ngút, tiếc đứt ruột. Quay sang bảo với anh bạn giáo học đồng nghiệp dân Nam Bộ, ông ạ, bà con mình lãng phí quá, ai lại đốt hết cả rơm ngoài đồng thế kia. Anh ấy trố mắt nhìn tôi, sau thủng chuyện, cười rằng đốt để lấy tro bón ruộng, vả lại ai hơi đâu mà lôi thứ của nợ ấy về nhà. Tôi thắc mắc, thế đun bằng gì, lợp nhà bằng gì, trâu ăn bằng gì, trát vách bằng gì…, anh ấy lại ôm bụng cười, cái gì cũng có đủ, đâu cần đến rơm. Rơm chỉ để bón ruộng thôi.
Anh bạn nói vậy thì tôi tin vậy. Nhưng quê tôi thì khác. Miền Bắc những năm 60-70. Cái chi cũng dồn tất cho mặt trận, hậu phương lớn chi viện cho tiền tuyến lớn. Hạt lúa củ khoai, thậm chí hột muối cũng “tất cả vì miền Nam ruột thịt”. Có nhẽ chỉ rơm rạ là cách mạngmiền Nam không cần. Tôi chưa thấy hợp tác xã đi huy động rơm chi viện cho miền Nam bao giờ. Chứ nếu lấy cả rơm thì gay to.
Đến năm 1964, cả miền Bắc đã cơ bản gom hết nông dân vào hợp tác xã. Hợp tác thu gomtuốt ruộng đất, trâu bò, tất tần tật, chỉ chừa lại cho sào đất thổ cư có cái nhà trên đó. Làm việc hợp tác, cứ tính theo công điểm mà phát thóc, chia rơm. Thóc gạo hẻo đã đành một nhẽ bởi hột ngon hột lành nộp vào kho lương thực nhà nước, một phần để nuôi dân thành phố ăn sổ gạo, trẻ con 14 ký/tháng, người lớn 17 ký, phần thì để đưa ra tiền tuyến nuôi bộ đội. Trong khi ấy, nông dân chỉ bình quân 7 - 8 cân thóc/đầu người, chưa bằng một nửa khẩu phần lương thựccủa đứa trẻ thành phố. Sự vô lý vậy mà kéo dài suốt mấy chục năm. Tôi nhớ có lần ai đó thắc mắc, được một vị ở trung ương (tôi không tiện biên ra đây bởi cụ đã thành người thiên cổ lâu rồi, cụ bảo rằng nông dân chả thể chết đói được bởi còn có khoai sắn).
Ngay cả rơm cũng thiếu. Chất đốt chủ yếu là rơm rạ, còn lại thì đun bằnglá tre, cây thuốc lào, lá mía, lá bạch đàn,cành củi xì xằng nhặt trong vườn. Chỉ nhà cán bộ, công nhân mới có than đốt lò nấu nướng, chứ nông dân đừng có mơ. Than Hòn Gai - Cẩm Phả đào được hòn nào rót cả xuống tàu trả nợ vũ khí súng đạn lương khô quân trang cho Liên Xô, Trung Quốc, ngay dân vùng than cũng không có than đốt. Lợp nhà hầu hết gia đình chỉ trông cậy vào rơm. Cả làng loe hoe vài nhà mái ngói. Thức ăn cho trâu cũng dựa vào số rơm ít ỏi ấy. Nói không ngoa, nếu hạt thóc là hạt vàng thì cọng rơm cũng chả khác cọng vàng.
Ngày thu hoạch vụ chiêm hoặc mùa, đường làng phơi kín rơm. Bây giờ tụi trẻ ở miền Bắc ăn hột gạo có sẵn chả biết phân biệt vụ nào với vụ nào. Vụ chiêm cấy lúa vào cuối đông đầu xuân (lúa chiêm xuân), thu hoạch khoảng tháng 4-5 âm lịch, trùng vào mùa hè. Vụ mùa là vụ cấy vào cuối hè đầu thu, thu hoạch từ tháng 10 âm lịch về sau, trùng vào mùa đông. Lúc sắp hết vụ này nhưng chưa chuyển qua vụ khác thì khoảng thời gian đó gọi là giáp hạt (hạt tức là hạt thóc), thóc gạo cũ đã hết nhưng chưa có thóc mới, đói lắm. Đi học bụng đói, bước chân loạng quạng, ruột sôi ùng ục, mắt cứ hoa đi nhìn cái chi cũng mờ mờ, ngồi trong lớp chả nghe được thầy giảng gì, chỉ nghĩ đến bát cơm trộn khoai khô bốc khói ở nhà.
Khi gặt lúa, các bà các chị quẹt cái liềm sắc vào ngang cây lúa, lấy đoạn dài khoảng nửa mét, cột lại thành từng lượm. Phần này sau khi đập lấy thóc, sau có máy suốt thì nhàn hơn, gọi là rơm. Phần còn lại của cây lúa trên đồng gọi là rạ. Trong tiếng Việt có từ rơm và rạ là vậy. Đừng tưởng rạ thì bỏ nhé. Thu hoạch lúa xong lại đi cắt rạ. Cắt lúa cũng như cắt rạ, ở đồng khô còn đỡ, chứ đồng nước, trên đầm (quê tôi hồi ấy có đầm Trợ, đầm Phương Đôi, đầm cánh Bến-Mả Đò, thày tôi bảo rằng có chỗ là đoạn sông cụt của sông Văn Úc, có chỗ do ngày xưa người ta đào lấy đất để đắp thành phủ Kiến Thụy) nhất là vào mùa đông, vất vả vô cùng. Rét cắt da cắt thịt, ngụp xuống đầm thò liềm xuống sát gốc lúa, lại xoẹt một cái không được bỏ phí tí nào. Mà vẫn chưa hết. Trên ruộng cao, đám gốc rễ nằm dưới đất, sau khi cày ải phơi nỏ, đập nương xong còn thu gom tất, phơi khô đem về đun. Đun gốc ra vất vả lắm, khói mù, bếp chỉ chực tắt.Bây giờ nhớ lại, không có rơm rạ, chắc chỉ còn nước bốc gạo ăn sống.
Mỗi lần phơi rơm, bu tôi cẩn thận lắm. Sân dành để phơi thóc nên rơm phơi ngoài đường. Mỗi nhà là một sứ quâncát cứ một đoạn ngay trước nhà mình. Bu tôi rải rơm sang hai ven đường chừa lối giữa cho người qua lại dễ dàng, nhất là người đi xe đạp. Có người chạy xe đạp tay lái yếu gặp đoạn phủ đầy rơm lúng túng ngã chổng kềnh trên đám rơm khô. Có hôm tôi đang câu cá ở cừ (kênh) ven đường thấy cô Khi chở cô Loan, hai cô giáo người thôn Quế Lâm dạy lớp 2, bị rơm quấn vào xe đạp ngã lăn chiêng, khuy áo phin nõn tung cả ra, tôi theo cảm tính thẹn của trẻ convội che mặt, chả dám chạy lại giúp. Hai cô đẹp lắm, còn mình hồi ấy học lớp 4, đã biết ngượng.
Hôm nào trời nắng phải canh nắng, đến giữa buổi thì lấy cái nạng tre lật rơm lên cho khô đều, khoảng 2 nắng là được. Thấy có bóng mây thì canh mưa gom chạy cho kịp. Rơm chưa khô mà bị sũng nước mưa, gặp mấy ngày không nắng lại, vài hôm là thối. Đến nước ấy chỉ còn cách vứt ra vườn đắp vào gốc mía gốc chanh chứ chả đun nổi, trâu bò cũng không thèm ăn.
Đánh đống rơm (miền Trung và miền Nam gọi là cây rơm) là cả một nghệ thuật. Có một thời ở miền Bắc, gia đình khá giả vùng nông thôn được đánh giá qua 3 tiêu chí: nhà ngói, cây mít, đống rơm to. Nhà ngói hiếm lắm, đi từ đầu làng cuối xóm họa hoằn mới có nhà mái ngói. Nhiều nhà cố hết sức cũng chỉ vươn tới được cái mái ngói chứ tường vẫn tường đất. Dạo ấy, các cán bộ tuyên truyền mỗi lần nói chuyện trước bà con nông dân, khi ca ngợi công ơn của đảng củacách mạng thường so sánh thời hiện tại với trước năm 1945, rằng thì xã ta, huyện ta, tỉnh ta, cả nước ta đã có bao nhiêu nhà ngói, tỷ lệ nhà ngói đạt mấy phần trăm. Nhà ngói được xem như hình ảnh đặc sắc nhất của chế độ mới. Nhà thơ Xuân Diệu qua cái thời viết về tình yêu liền vồ vập ngay vào những thứ mới mẻ này, nhưng khổ nỗi gượng gạo, có khi thơ ngang như cua. Nhưng ý cán bộ tuyên giáo là ý trời, người ta vẫn lấy thơ cua thơ ngang đó đưa vào sách giáo khoa cho bọn trẻ học. Đến lớp 10, tức là lớp cuối cấp 3, tương đương lớp 12 bây giờ, đám thanh niên 16-17 tuổi sắp thi tú tài vẫn ê a “Trên những nẻo đường náo nức tôi đi/Tôi đã nghe xao xuyến thầm thì/Ngói mới/Trên những đường tôi dạo tôi qua/Tôi đã nghe nhiều những khúc ca/Ngói mới” trong bài thơNgói mớicủa Xuân Diệu. Không hay cũng phải học, phải thuộc. Không thuộc, nhỡ đề thi tốt nghiệp nó phết cho nội dung yêu cầu phân tích bài thơNgói mớithì toi đời. (còn tiếp)
Nguyễn Thông