Kẻ nghiện sách hay người nâng niu hồn xưa
Câu chuyện văn hóa - Ngày đăng : 09:07, 30/09/2017
1. Tiến sĩ văn chương Hoàng Kim Oanh gọi Nguyễn Trọng Hiệp là "người nâng niu hồn xưa". Câu chữ thật gợi và đầy cảm giác."Nâng niu hồn" mà có thật! Câu chuyện bắt đầu từ việc chị chủ trương cùng nhóm bạn bè tổ chức một bản thảo về ngôi trường "Trưng Vương khung cửa mùa thu" nức tiếng ở Sài Gòn. Làm sao để tìm được những tư liệu về ngôi trường, những ấn phẩm báo tường, bích hoạ, văn chương... áo trắng một thời? Và thật bất ngờ qua bạn bè giới thiệu chị đã gặp "gã nghiện sách" trẻ tuổi để được gã tặng lại nhiều tư liệu quý báu "cái thưở ban đầu lưu luyến ấy" của nữ sinh Trưng Vương. Để trong giai phẩm đặc biệt Mê Linh Trưng Vương vừa ra mắt 2017 chị đã viết bài gã nghiện sách đặc biệt này như "người nâng niu hồn xưa".
Nguyễn Trọng Hiệp tặng tư liệu quý về ngôi trường Trưng Vương Sài Gòn lịch sử cho TS Hoàng Kim Oanh
Đem lại nhiều xúc cảm, niềm vui bất ngờ cho kẻ khác như vậy mà với Hiệp những câu chuyện đó như thể quá bình thường. Anh còn phản ứng nếu như có ai đó gọi mình là nhà sưu tập bởi thấy điều ấy quá to tát, hoàn toàn không đúng với mình. Hiệp nói, "tôi chỉ là một gã yêu sách cũ bình thường như mọi người đọc". Thế thôi. Còn công việc tình cờ tìm được sách quý, vật xưa là do cố nhân phù trợ! Của quý tìm người chứ không phải muốn là được! Tất cả phụ thuộc vào một chữ duyên.
Hai thi phẩm cũ. Tập thơ Quê ngoại" của Hồ Dzếnh và "Rừng dậy men mùa" của Đông Trình
Mà đúng là duyên thật với một gã thư sinh đi ra từ Quảng Ngãi vào Sài Gòn học tập rồi ở lại mưu sinh tìm đất sống. Sài Gòn đã dung dưỡng tâm hồn anh. Rồi cũng từ đam mê sách vở, Hiệp đã có nhiều may mắn để tìm thấy nhiều tư liệu tàng thư, cổ vật. Hành trình âm thầm ngỡ mới vừa xuất phát nhưng cũng đã bền bỉ bao nhiêu năm. Đến nay, có thể nói Hiệp chắc chắn sẽ gây bất ngờ với bất kỳ ai nếu có dịp bạn được tới thăm những gì chắt chiu góp nhặt mà như anh nói "những mảnh vỡ của văn hóa Sài Gòn". Và "tôi muốn đi tìm, lưu giữ lại những mảnh vỡ đó như một lời cảm ơn phương Nam nghĩa hiệp, nắng gió. Mảnh đất đã rộng lượng cưu mang, tạo nhiều thành công cho một đứa trẻ nhà quê lưu lạc tứ xứ như tôi...".
Một số tác phẩm văn học kiệt xuất của các nhà văn nổi tiếng thế giới xuất bản ở Sài Gòn trước năm 1975
2. Tôi tình cờ biết Nguyễn Trọng Hiệp cũng do "hồn xưa vía cũ" réo gọi. Một hôm tiến sĩ văn học Trần Hoài Anh gọi cho tôi bảo rằng có một nhà sưu tập trẻ muốn gặp để cho xem một thi phẩm của cha tôi in trước 1975 do Đối Diện xuất bản. Đó là tập Rừng dậy men mùa - Thơ Đông Trình đã tuyệt bản mà cha tôi ao ước có một lần tìm thấy lại trong cuộc đời dạy học, làm nghệ thuật của mình. Tôi rưng rưng cảm động. Thật dễ hiểu vì sao càng có tuổi cha tôi lại càng muốn trở về với những rung động yêu thi ca văn chương đầu đời như vậy. Đó cũng là hoài bão, say đắm, một thời huy hoàng và đẹp đẽ nhất của ông. "Dù rất xa nhưng đường đi phải tới / Vì đau thương đã mạn ngọc chân người". Và cũng từ thi phẩm đó ông cũng nhận ra kiếp người mang nặng, sau những cuồng mê, chữ nghĩa, vàng son sẽ rơi rụng "Đời chúng ta buồn như con trâu dưới ruộng / Không có nỗi niềm vui cuối mỗi đường cày" (Trích Rừng dậy men mùa).
Mang cái niềm vui khấp khởi sau một tuần cày bửa viết lách, tôi đã gặp gã nghiện sách. Buổi đầu, thật bất ngờ khi biết Hiệp chỉ là một kẻ "ngoại đạo" của thế giới viết lách, chữ nghĩa. Là người thuần túy kinh doanh, Hiệp chỉ đến với việc tìm kiếm, sưu tầm "tàng thư tịch cổ" khi có thời gian rảnh rỗi. Nói cách khác, thú chơi sách quý như dòng nước mát cân bằng tâm hồn anh. Hiệp đã cho tôi cảm xúc rưng rưng khi cầm lên tay tập Rừng dậy men mùa "bảo bối" của cha tôi thật. Nửa thế kỷ hay mấy mươi năm phút chốc như gần lại. Tập thơ đã in quá lâu. Sau bao nhiêu vật đổi sao dời như chỉ có nghệ thuật, chữ nghĩa còn lại. Nhớ thi sĩ Bích Khê từng viết "Những tờ thơ cũng đầy hơi hám / Tay khách đa tình sẽ chuyển trao . Phải đặt tâm hồn mình trong dòng cảm xúc ấy mới thấm thía hết tình yêu và ý nghĩa của người mê văn hoá và sưu tập tàng thư.
Dàn máy cũ để dành nghe những dĩa hát củaThái Thanh, Khánh Ngọc, Khánh Ly một thời
3. Rất nhiều tư liệu quý từ bản đồ, tạp chí, tranh ảnh, dàn máy cũ... được Hiệp sưu tầm từ khắp ngõ ngách Sài Gòn đem về tỉ mẩn phục dựng lại. Có những tác phẩm công bố bản in đợt đầu tiên hay vẫn còn nguyên thủ bút, ghi chú của các nhà văn, nhà thơ như Xuân Diệu, Hồ Dzếnh, Bùi Giáng, Phạm Công Thiện, Cung Tiến, Đông Trình... Các băng cối. các bản thu đặc biệt của các danh ca Thanh Thúy, Khánh Ly, Khánh Ngọc, các dĩa của các nhạc sĩ Lê Uyên Phương, Trịnh Công Sơn, Phạm Duy, Từ Công Phụng, Phạm Thế Mỹ... theo thời gian ố màu nhưng như vẫn còn nguyên nét kiêu bạt, sang trọng, dấu ấn khó phai cho dù vàng son đã trôi nổi bao năm tháng...
Gã nghiện sách bên một thi phẩm "Rừng dậy men mùa"
4. Nguyễn Trọng Hiệp chỉ có một mơ ước giản dị là giữ lại cho con cái, thế hệ sau mình biết được văn hóa miền Nam đã có một giai đoạn, một thời phát triển rực rỡ như thế. Anh cũng sẵn sàng chia sẻ với những nhà nghiên cứu, sưu tập, khảo cổ nếu tương lân, đồng thanh đồng giao. "Hình như với nghệ thuật, tự do sáng tạo sẽ đem lại nhiều giọng điệu, muôn màu muôn sắc cho văn chương, chữ nghĩa? Như con chim hót hay phải bay lượn giữa bầu trời thênh thang cao rộng...". Giá trị đích thực của người nghệ sĩ chính là tiếng nói sâu thẳm từ đáy tâm hồn. "Chân đi để lộ con đường / Chim bay không để lộ phương hướng nào / Người đi chồng bước lên nhau / Chi bay thẳng cánh vút vào thinh không" (Thơ Hoàng Ân).
Chính vì đam mê nét đẹp văn hóa hoàng kim rực rỡ một thời ấy, mà giữa phố phường Sài Gòn tất bật cuộc mưu sinh cơm áo vẫn có một gã trai trẻ săm soi nơi này chốn kia sục sạo cầu gặp hồn thơ vía sách, nâng niu hồn xưa. Đó cũng là nét đáng yêu của đời sống hôm nay.
Sài Gòn, 26.9.2017
Nguyễn Hữu Hồng Minh