Chuyện cắt tóc
Câu chuyện văn hóa - Ngày đăng : 15:13, 08/10/2017
Con người ta ở trên đời ai cũng có tóc. Mới sinh ra đã mọc tóc rồi, mà thường thì tóc xuất hiện trước nhất, chứng kiến cuộc đời sớm nhất, sau đó mới là mắt mũi tay chân... lúc đứa bé chui khỏi bụng mẹ.
Dân gian nói nhiều về tóc. Khi cần so sánh sự nhỏ bé, có câu “nhỏ như sợi tóc”; trừng phạt đúng người đúng tội thì nói “túm anh có tóc chứ ai túm anh trọc đầu”, đề cao cái tưởng như nhỏ bé tầm thường thì bảo “cái răng cái tóc là góc con người”…
Có tóc thì phải cắt tóc. Đàn ông cắt nhiều hơn đàn bà bởi đàn bà theo đặc điểm tập tính giới tính hay nuôi tóc. Có bà có chị tóc dài cả mét, chấm đất. Nhà văn Nguyễn Tuân tả mái tóc chị Hoài đẹp như một di sản thiên nhiên thế giới. Hồi xưa, nhiều cô gái tóc xấu, ngắn, xơ xác, thưa, rụng, không đen… còn không dám ra đường. Có những chị tóc xấu thậm chí không lấy được chồng.
Bu tôi (sinh năm 1907) hình như là thế hệ cuối cùng còn chít khăn mỏ quạ, vấn tóc bằng một khúc vải cuộn tròn to hơn ngón tay cái, dài khoảng 2 gang. Sau đó, tôi không thấy chị tôi và các chị trong làng chít khăn, vấn tóc nữa. Các chị để tóc dài, cặp bằng cặp 3 lá (chiếc cặp tóc bằng thép không rỉ, bây giờ gọi là inox, hình như ở miền Bắc hồi những năm 60-70 chỉ có mỗi thứ này làm bằng inox), có 3 lá thép nhỏ, lá giữa ngắn hơn một chút. Ngoài cặp tóc còn có chiếc kẹp nhỏ màu đen, các chị dùng để kẹp cho tóc ép sát, gọn gàng.
Các chị không cắt tóc, dài bao nhiêu cũng cứ để, dài quá thì búi lên, lủng lẳng sau lưng trông dễ thương lắm. Mấy chị đi làm ngoài thành phố thì đem về quê kiểu tóc phi dê. Cô giáo Oanh hiệu trưởng trường cấp 2 xã Thụy Hương (huyện Kiến Thụy, Hải Phòng) thời tôi học có mái tóc phi dê hơi kiểu cách một tí nhưng rất đẹp. Các bà các chị mỗi lần chải, tóc rụng cũng không bỏ, lấy tay quơ quơ lại, cuộn tròn thành búi nhỏ giắt lên mái hiên, đợi khi nào nhiều nhiều, bao giờ nghe thấy tiếng bà đồng nát rao “ai tóc rối không” hoặc anh đổi kẹo kéo rao đổi kẹo lấy tóc rối thì gom đem ra. Cái gì cũng thành tiền, chả mất đi chút nào.
Tranh minh họa Lê Nin trong hiệu cắt tóc - Tư liệu internet
Hồi bé tôi nghe người lớn gọi cắt tóc là cúp tóc. Lúc học lớp 2 hay lớp 3 gì đó (giờ không nhớ nổi) sách tập đọc có bài Lê Nin trong hiệu cắt tóc, kể về ông Lê Nin ra hiệu cắt tóc, thấy đông người, ông lặng lẽ ngồi chờ, lấy tờ báo ra xem cho đỡ sốt ruột. Anh thợ cắt tóc nhận ra ông, vội mời ông lên ghế, ông bảo tôi phải xếp hàng như mọi người, đồng chí đừng ngại. Chuyện ấy muốn đề cao đức tính bình dị, hòa đồng, gần gũi dân chúng của cụ Lê xô viết. Buồn cười nhất là ở xứ ta, nhiều cán bộ mở miệng ra là thuộc làu làu học thuyết nhưng chả học được tiền nhân thứ gì. Cắt tóc cũng phải có thợ riêng, thậm chí mỗi ông một thợ chứ không chung nhau.
Khi tôi còn nhỏ, thày tôi bắt mấy anh em tôi phải cúp cao, gọi là cắt bốc hoặc húi cua, mái phía trước cũng ngắn, gọi là kiểu tóc móng lừa, chứ không được để tóc dài. Thày bảo cúp cao cho nó mát, lại đỡ tốn xà phòng. Thời ấy xà phòng hiếm lắm, cả nhà suốt tháng chỉ có bánh xà phòng Liên Xô 72% cứng như đá vừa giặt giũ, tắm rửa, gội đầu, làm gì có dầu gội đủ thứ như bây giờ. Một lần tôi dây dưa trốn không chịu cúp, định để dài kiểu tóc đít vịt như mấy đứa thành phố sơ tán về, tóc trùm kín gáy, trông tay chơi phết, muốn đứa khác nhìn vào thấy thế phải sợ mình, không dám đánh mình (cũng như bây giờ có anh xăm trổ vào cánh tay, suốt ngày xắn tay áo, cốt để dọa đứa khác). Thày tôi nói mãi không được, khi ông phó Bót xách chiếc hòm gỗ cắt tóc đi ngang, thày mời vào, bắt tôi ngồi lên ghế, cấm nhúc nhích, ông phó Bót làm cho vài đường, thế là toi cái đít vịt. Từ bấy, chừa đít vịt.
Hồi đó (những năm 60 - 70), quê tôi có 3 ông thợ cúp tóc, ông phó Bót người xã Hữu Bằng hay Thuận Thiên chi đó; ông Sịch Tộ làng Quế Lâm (anh Sịch bị bệnh cùi (phong) nhẹ, không được đi bộ đội, anh học nghề cúp tóc, xách hòm đi lang thang kiếm sống, sau này anh làm nghề bán thịt lợn, khá giả hẳn lên, giàu có ở làng Quế; ông Sộp ở làng Phương Đôi. Mấy anh em tôi chỉ hay cúp ông phó Bót bởi ông cắt khéo, tốt tính, thày tôi thường pha chè mời ông xơi nước, trò chuyện với ông rất tâm đắc, sau tôi mới biết ông từng học chữ Hán, biết cả tiếng Pháp, từng làm ở phủ Kiến Thụy với thày tôi.
Đến khoảng năm 1968, có thêm thợ cắt tóc nữa là chú Xích. Chú là con cụ Hách trong làng, là anh ruột chú Cước cùng tuổi học với tôi. Chú Xích đi bộ đội, bị sức ép bom, được phục viên. Chú về mở hiệu cúp tóc ngay cạnh nhà tôi, chỗ đất đó trước là quán thuốc tây của xã do chú Bưng bán, sau quán thuốc chuyển ra gần nhà ủy ban thì cụ Giải đến ở một mình, cụ mất nên nhà bỏ không, chú Xích xin xã cho mượn. Chú cắt khéo, lại được cái hay chuyện nên lúc nào cũng đông khách. Có hôm đi học về, tôi ngồi hóng chuyện, thấy chú kể nghe nói ông Cẩu thợ rèn được trạm xá đặt rèn mấy trăm chiếc vòng, hình như để tuần sau tiến hành đặt vòng cho các bà sinh đẻ có kế hoạch. Ai nghe cũng lắc đầu lè lưỡi.
Còn có điển tích về chú Xích cũng rất hay. Vợ chú là thím Tháu bên làng Phương Đôi cùng xã. Thím đẹp lắm, lúc chưa lấy chồng nhiều đàn ông theo. Thấy bảo chú Xích trèo tận lên đỉnh núi Trà Phương, chú thề “Đứng trên đỉnh núi ta thề/Không lấy được Tháu không về Trà Phương”. Quyết chí như một cựu chiến binh chính cống, cuối cùng chú đánh bạt được các đối thủ, lấy được cô Tháu xinh đẹp. Tôi thì tôi cho rằng còn bởi chú đẹp trai, thím cũng mê chú, còn bởi chú hay chuyện. Anh em nhà chú Xích chú Cước đẹp trai nhất làng, giờ già vẫn đẹp.
Lại nhớ năm 1967 hoặc 1968 chi đó, tự dưng đồn ầm lên bọn gián điệp biệt kích Mỹ ngụy (lúc ấy gọi thế thì tôi cũng biên thế) hay giả dạng làm thợ cắt tóc rong, đi khắp nơi để dò la tin tức, dò tìm trận địa phòng không của miền Bắc. Nghe đâu công an bắt được ở bến đò Quan (tỉnh Nam Hà, gộp Nam Định và Hà Nam bây giờ) một tên gián điệp như vậy, nó đeo kính râm đi khắp miền Bắc, vẽ cả bản đồ các trận địa pháo, tên lửa. Khám trong cái hòm gỗ nó xách đi cắt tóc có cả máy chụp ảnh, cả điện đài để liên lạc, nghe cán bộ xã bảo thế. Nhưng chả biết có thật không, chứ ông phó Bót hoặc anh Sịch thì gián điệp thế quái nào được.
Cắt tóc lề đường ở Hà Nội thời bao cấp những năm 1980 - Ảnh: Tư liệu/Internet
Năm 1977, tôi vào miền Nam nhận việc. Có lần đi Cần Thơ, qua phà Mỹ Thuận thấy đám đông đang ồn ào, cãi nhau to tiếng ở đầu bến phía Tiền Giang. Hóa ra lực lượng cờ đỏ đang chặn tất cả thanh niên quần ống loe, tóc dài lại để xử lý. Đoàn thanh niên mà đã ra quân thì khiếp lắm. Cấm cãi. Cứ quần ống loe là rạch phăng một nhát, còn tóc dài thì đội viên cờ đỏ lấy tông đơ kéo cho một đường, rồi thả ra. Cuộc cách mạng văn hóa vô sản ấy kéo dài hơn 1 năm, bị dân chúng, nhất là thanh niên than phiền quá trời.
Nguyễn Thông