Núi hết hùng vĩ, sông thôi êm đềm

Câu chuyện văn hóa - Ngày đăng : 13:25, 13/12/2017

Trải qua nghìn năm văn hiến, hình ảnh núi sông đọng lại dấu ấn khó phai trong tâm thức của cư dân Việt. Hình ảnh núi non hùng vĩ, sông êm đềm và thơ mộng đã đi vào những áng văn thơ bất hủ, bồi đắp tình yêu quê hương, đất nước. Núi chở che, nuôi sống bao người. Sông vỗ về, tắm mát tâm hồn bao thế hệ…
Mảnh rừng bị đốt cháy sau khi khai thác keo

Giờ núi sông trở nên hung dữ, gieo rắc tai ương. Trong tích tắc, núi đổ sập xóa tan những ngôi nhà, đè chết bao người. Và chỉ trong thời gian ngắn, nước lũ trên sông dâng tràn làm ngập lụt từ thành thị đến thôn quê gây bao cảnh đau thương tang tóc. Ấy bởi vì đâu?

Xóm làng bị ngập nước trong mùa mưa lũ

Biến đổi khí hậu làm cho thời tiết ngày càng khắc nghiệt. Đấy chỉ là một trong những nguyên nhân biện giải khi đất trời gây bao cảnh tang thương. Điều đó không thể phủi bỏ trách nhiệm khi con người đã và đang thẳng tay tàn phá rừng không thương tiếc. Nước lũ cuốn theo vô số củi gỗ từ thượng nguồn về xuôi minh chứng cho điều ấy. Thủ tướng chỉ đạo đóng cửa rừng, lực lượng chức năng truy quét những đối tượng phá rừng nhưng sự việc vẫn cứ tái diễn, bất chấp hiểm họa đang chực chờ. Đấy là những kẻ xem thường kỷ cương phép nước nhưng rồi sẽ gặp những hình phạt thích đáng?

Đáng sợ hơn điều đó phải kể đến việc “phá rừng theo quy hoạch”, dẫu hậu quả nhãn tiền nhưng lại không bị xử lý, thậm chí còn được ngợi ca. Đó là những cánh rừng được quy hoạch thành rừng sản xuất từ vài chục năm trước để trồng cây nguyên liệu: keo, bạch đàn. Sau 4 – 6 năm, chủ rừng khai thác cây lại khai thác cây và đốt dọn thực bì theo kiểu đốt sạch, chỉ còn trơ lại đất và đá để trồng lứa mới. Những chu kỳ cứ thế tiếp diễn, mặc cho đất rừng bị rửa trôi, bào mòn. Những ông chủ rừng, trong đó có không ít quan chức, thu được khoản tiền kếch xù, nhiều người được vinh danh “sản xuất giỏi”. Khoản tiền lớn “chảy” vào túi một nhóm người nhưng để lại thảm họa khôn lường cho cộng đồng.

Cánh rừng trơ trụi sau thu hoạch gỗ nguyên liệu

Chu kỳ đốt sạch – trồng mới – thu hoạch – đốt sạch tiếp diễn mặc cho mạch nước ngầm bị suy kiệt, sạt lở đất đá là điều đương nhiên. Mưa lũ, những vạt rừng trơ trụi hay những khoảnh rừng trồng gỗ keo, bạch đàn dễ dàng trôi tuột, vùi lấp mọi thứ bên dưới. Không còn những rễ cây to và rộng bám đất, giữ nước sẽ tạo thành sình lầy trong lòng đất rồi gây nên sạt lở là điểu không thể tránh khỏi.

Nước lũ cuốn trôi mọi thứ dồn dập đổ về xuôi. Sông dâng tràn nhấn chìm cả làng quê và phố xá phía hạ du chứ không còn êm đềm và thơ mộng. Mùa khô, những khe suối trong rừng cạn trơ đáy khiến cho cây cỏ héo khô, thú rừng dáo dác tìm nước uống. Những dòng sông góp nước từ khe suối phơi bày sỏi đá, thành những dòng sông chết chứ không còn trong xanh như thuở trước. Làm giàu từ rừng với việc trồng cây nguyên liệu theo kiểu đốt sạch – trồng mới – thu hoạch – đốt sạch chẳng khác nào háo ăn nuốt phải cơm tẩm thuốc độc, tự hủy diệt chính mình.

Hãy trả lại những khu rừng bền vững với thân cây to lớn, rễ bám sâu vào lòng đất. Có như vậy thì lớp hậu bối mới được ngắm cảnh núi non hùng vĩ và những dòng sông êm đềm lững lờ trôi giữa đôi bờ. Và đấy là điều góp phần ngăn ngừa bao cảnh đau thương.

Minh Kỳ