Bạch Long khóc nghẹn kể chuyện nghèo bị người yêu bỏ, muốn tự tử vì bế tắc

Câu chuyện văn hóa - Ngày đăng : 12:12, 12/12/2017

Sau tập 10 ồn ào vụ Lê Giang-Duy Phương của chương trình Sau ánh hào quang, tập 11 là nghệ sĩ Bạch Long.
Tại tập 11 Sau ánh hào quang, nghệ sĩ Bạch Long đã bật khóc nhiều lần khi nhớ lại quá khứ của mình.

Nghệ sĩ Bạch Long được biết đến như một diễn viên cải lương và kịch nói nổi tiếng từ thập niên 90 trở lại đây. Trên sân khấu và ở ngoài đời, anh rất hiền và tốt bụng. Nhưng ít ai biết rằng, đằng sau những tiếng cười Bạch Long mang lại cho mọi người là cả một cuộc đời thăng trầm, với nhiều nỗi buồn.

Nên duyên với nghề nhờ đọc nhầm thoại

Gia đình tôi có truyền thống cải lương: bố tôi là NSND Thành Tôn, mẹ là nghệ sĩ Quỳnh Mai, chị là nghệ sĩ Bạch Liên, nghệ sĩ hò quảng Bạch Lê, nghệ sĩ Bạch Lựu, nghệ sĩ Bạch Lý, rồi mới tới tôi. Sau tôi là Thành Lộc.

Ngoài ra, còn có nghệ sĩ Minh Tơ là anh ruột của mẹ tôi, nhưng cũng là bố của NSND Thanh Tòng. Dòng họ cải lương nó dây mơ dễ má vậy đó.

Năm 10 tuổi, cậu Minh Tơ có gọi tôi đến, kêu diễn cho cậu một vai trên sân khấu. Do run quá nên tôi đọc nhầm thoại, khiến khán giả không thể nhịn cười. Mọi người nhớ tới tôi từ đó và tôi cũng được cậu cho ra diễn nhiều hơn, nhưng chủ yếu là vai hài.

Bạch Long, Thành Lộc và NSND Thành Tôn

Kể từ ngày ấy, tôi bắt đầu học hát bằng cách thọ giáo các nghệ sĩ đi trước. Mỗi người tôi học một chút và tích lũy dần các kiểu vai.

Từ năm 1983, tôi bắt đầu đi hát cải lương chuyên nghiệp. Nhưng nhược điểm của tôi hồi đó là thấp quá, nên hát với đào hơi bị kén. Vì thế nên tôi chuyển sang các vai hề.

Tới năm 1993, tôi gây tiếng vang trong lòng khán giả với vai Tề Thiên Đại Thánh. Người ta truyền tụng rằng, nếu bên Trung Quốc có Lục Tiểu Linh Đồng thì Việt Nam có Bạch Long.

Một lần nọ, diễn viên chính trong vở Thanh Hương nữ tướng bị bệnh nặng không diễn được. Tôi ngồi ở cánh gà xem họ tập đã thuộc hết vai nên mới xin trưởng đoàn cho đóng thế và được đồng ý.

Biệt tài của tôi khi diễn là sao chép diễn viên trước đó 7 phần và thêm vào 3 phần của mình, tự chế được lời thoại, nên làm mới được vai diễn, khiến khán giả rất thích thú.

Bạch Long hồi trẻ

Câu chuyện tự vẫn và gặp được người đàn bà bí ẩn

Năm 1990, chị Kim Hà có đưa kịch bản Cóc kiện trời cho tôi, tôi mới viết lại thành cải lương vọng cổ và dạy mấy đứa nhỏ trong đoàn diễn, hát. Diễn xong thì khán giả rất thích nên tôi viết thêm chừng 20 kịch bản cải lương trẻ em như vậy.

Ban đầu, tôi chỉ diễn nhỏ nhỏ thôi, về sau mới đem lên rạp diễn. Cũng may mắn là thời điểm đó tôi bán được nhiều video hài nên mới lấy số tiền đó bù lỗ sang cải lương trẻ em.

Tôi phải chịu lỗ 3 tháng trời ế ẩm. Về sau, nhờ tổ nghiệp thương nên tôi phát hiện ra thằng Vũ Luân trong một lần ăn đám cưới và mời nó về để dạy dỗ. Tôi chính là người thầy đầu tiên của Vũ Luân.

Bạch Long và Vũ Luân

Tới năm 1996 thì đoàn cải lương đồng ấu đó tan rã. Nhưng tôi không tiếc nuối, vì mục đích của tôi ban đầu chỉ là truyền nghề mà thôi. Các cháu lúc đó có về hỏi tôi là có đoàn nọ đoàn kia mời hát thì có được đi không. Tôi mới nói, các con cứ đi đi, hát mà nuôi cha mẹ các con, còn thầy nghèo đâu có nuôi được đâu.

Cũng buồn cho một số đứa nhỏ hồi ấy, đi hát ở quán được tiền bo mà không dám nhận vì sợ thất lễ với nghề. Chúng nó cứ bảo: "Thầy con bảo chỉ được hát ở sân khấu lớn thôi".

Rồi có lần, vì hết tiền nên tôi đưa cái đồng hồ của mình cho một đứa học trò, bảo nó đi cầm lấy tiền mà tiêu. Đồng hồ cũ quá, người ta không nhận nên nó phải cầm về, nhưng vẫn đưa cho tôi 300 ngàn. Tôi thấy lạ mới hỏi tiền ở đâu thì nó nói đi làm bảo vệ được tháng lương đầu tiên.

Lúc nó đi ra khỏi phòng, tôi bỗng bật khóc. Tôi mới ra đình khấn tổ nghề và ngẫm: "Đời con chỉ biết hát và diễn, nếu không được diễn thì con tự vẫn".

Bạch Long bật khóc nức nở

Đúng lúc ấy, một người phụ nữ lạ mặt đi thẳng vào đình gặp tôi và nói: "Này, đừng có nghĩ bậy! Đời cậu chưa khổ bằng tôi đâu". Rồi bà ngồi kể hết chuyện đời cho tôi nghe.

Tôi lấy làm lạ, không hiểu sao bả lại đọc được suy nghĩ của mình như vậy. Sợ quá, tôi quên luôn chuyện tự vẫn.

Hai tuần sau, tôi nhận một cú điện thoại của ông Huỳnh Anh Tuấn nhờ diễn 10 suất liên tiếp tại nhà hát. Đói rồi nên tôi làm liều nhận hết, ai ngờ lại thành công và tạo hẳn bước ngoặt cho mình.

Lúc đó là năm 2000, sau 4 năm thất bại, tôi lại được tổ thương, cho chuyển qua kịch nói. Ngay cả thời điểm khó khăn nhất tôi cũng không nói cho ai vì ngại nhờ vả. Tôi thà chết còn hơn bệnh ra đấy để phải nhờ bạn nhờ bè. Đơn giản vì lúc mình sướng mình có giúp ai đâu mà lúc khổ lại muốn họ giúp mình.

Mẹ sắp khâm liệm vẫn phải diễn hề chọc cười khán giả

Hồi nhỏ, tôi ở với mẹ nuôi. Mẹ nuôi nghèo lắm, nhiều lúc tôi phải ra nhà hàng bò 7 món ở sau nhà, đợi khách đứng lên rồi bốc trộm miếng thịt còn sót lại, ăn ngấu nghiến.

Biết phận mình nghèo nên tôi ngại chơi với con nít nhà giàu, chỉ thích chơi với mấy đứa trẻ bụi đời vì họ gần mình hơn.

Tới lúc mẹ mất, tôi phải đi diễn vì vé bán hết rồi. Tôi buồn lắm nhưng vẫn phải diễn hề chính, mua vui cho mọi người. Đến giờ diễn cũng là lúc liệm, tôi diễn xong chỉ biết ngồi khóc rồi tự hỏi: "Không biết mẹ đã được bỏ vô quan tài chưa?".

Tôi chọc cho cả ngàn khán giả cười, nhưng có ai hiểu rằng mẹ tôi còn nằm ở nhà, chưa ai bỏ vô quan tài đâu. Rồi vài tuần sau thì người yêu tôi đi lấy chồng.

Mối tình đầu tan vỡ vì bị chê nghèo, cứ nhắc tới chữ "nghèo" là khóc

Đời tôi có hai mối tình đáng nhớ và đáng khóc nhất. Năm 20 tuổi, tôi gặp mối tình đầu của mình. Đó là một cô bán nước trước cửa rạp hát. Cô ấy biết tôi nên tự tìm tới chăm sóc cho mẹ nuôi tôi. Biết tôi nghèo, cô ấy còn bỏ ống heo dành tiền làm đám cưới cho hai đứa.

Đùng cái thì mẹ tôi bệnh, cô liền đập ống heo ra chữa bệnh cho mẹ. Nhưng bệnh mẹ tôi nặng nên hai tuần sau là mất. Lúc đó, tôi khổ và cô đơn lắm.

Ít lâu sau đó, bố cô ấy đến tìm tôi và hỏi: "Cậu lấy con tôi rồi cậu làm gì để nuôi nó?", rồi đứng dậy đi về.

Lúc ấy, tôi chẳng nói gì, chỉ ngồi khóc. Tôi cứ nghĩ mẹ vừa mất thì còn có người yêu mình, nhưng rồi cũng mất luôn.

Sau đó, cô ấy cũng bỏ đi lấy chồng rồi gửi thiệp mời về đoàn. Thời điểm ấy, ai cứ nói tới chữ "nghèo" là nước mắt tôi rơi. Tôi không chịu nổi. Tôi quyết tập trung vào nghề diễn để sau này không còn ai nói với mình như thế nữa.

Mối tình thứ hai tan vỡ vì ghen tuông, cứ đến đêm 30 là khóc

Mãi tới năm 31 tuổi, tôi mới nguôi ngoai và quen được một cô nữa. Cô thứ hai này mới đúng là người yêu vì cô ấy là thợ may, đồng thời là khán giả hâm mộ tôi, còn tôi thì rất thích may mặc. Cô ấy là người chủ động mời tôi tới nhà.

Tôi quen cô ấy cũng được hơn 10 năm. Thời điểm quen cô ấy, tôi thất nghiệp nên chán nản mọi thứ.

Một lần,vào dịp sinh nhật tôi, tụi học trò có tổ chức cho tôi một buổi nho nhỏ, cô ấy cũng đến dự. Vì là thầy trò nên tôi và chúng nó cứ ôm nhau nhảy thôi. Ai ngờ đâu cô ấy giận và bỏ về.

Tôi có níu tay cô ấy lại và hỏi đi đâu thế. Nhưng lúc đó khán giả xung quanh đang đông nên tôi ngại, đành để cô ấy đi. Tôi gọi điện mãi cho cô ấy không được, tìm tới nhà thì người nhà nói ngủ rồi, đi về đi.

Sau đó 2 tháng, cô ấy chủ động gọi điện mời tôi đi ăn cưới thằng cháu. Tôi đồng ý liền. Đến lúc tới đám đó thì cô ấy xuất hiện và giới thiệu chồng sắp cưới của cô ấy cho tôi.

Tôi bỏ về, chạy xe mà nước mắt cứ tuôn mãi. Lúc tôi về, cô ấy còn chạy theo nhìn xuống lầu. Tôi chỉ lắc đầu rồi đi mất.

Thời điểm đó, cứ đến đêm 30 là tôi khóc. Tới giờ tôi vẫn khóc vì nhớ về kỉ niệm với cô ấy. Bây giờ, tôi vẫn ở nhà thuê. Tôi mong khi nào trúng số độc đắc để có tiền mua nhà.

Long Phạm/TTT