Ba người con của GS Trần Văn Khê đề nghị không trưng bày tượng sáp cha mình, vì sao?
Câu chuyện văn hóa - Ngày đăng : 06:33, 30/01/2018
Con trưởng GS Trần Văn Khê khẳng định vẫn duy trì tượng sáp của cha
Kiến nghị chấm dứt việc trưng bày tượng sáp “Giáo sư Khê”
Trong lá thư gởi Ban giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao TP.HCM ngày 14.12.2017, kiến trúc sư Trần Quang Minh cùng hai em gái Trần Thị Thuỷ Tiên, Trần Thị Thuỷ Ngọc – ba người con của GS Trần Văn Khê – đã đề nghị như vậy, với ba lý do được nêu như sau:
1. Tượng sáp chỉ là “một hình nhân lạ hoắc, bị gán tên là GS Trần Văn Khê”
Thư cũng nêu rõ: Công ty Tượng sáp Việt đã mời ông Trần Quang Hải, con trai trưởng của GS Trần Văn Khê, để làm mẫu, lấy các số đo nhân trắc và tư thế cho tượng sáp “GS Trần Văn Khê”. Điều ấy đã diễn ra cả năm nhưng gia đình kiến trúc sư Trần Quang Minh ở Việt Nam, cùng gia đình hai con gái của GS Trần Văn Khê ở Pháp đều không hề hay biết.
Tượng sáp “GS Trần Văn Khê” - ảnh của Công ty Tượng sáp Việt
2. Tượng “GS Trần Văn Khê” khoác vào một bộ đồ ngủ (pyjama) màu đỏ choét, chân mang guốc dông. Trong khi đó, khi còn sống, GS Trần Văn Khê không bao giờ ăn mặc như vậy đi ra ngoài xã hội, hay lúc ngồi diễn đàn.
3. Tượng “GS Khê” cầm đàn cò theo kiểu… Trung Quốc, không phải cách cầm đàn cò của dân tộc Việt Nam. Dẫu Trung Hoa là một nền văn hoá lớn nhưng sự nghiệp một đời của GS Trần Văn Khê là quang hưng nền quốc nhạc Việt Nam, nên không thể để tượng có sai sót lớn như vậy.
GS Trần Văn Khê giới thiệu về đàn cò lúc sinh thời - Ảnh T.L
Thư nêu rõ: “Cách cầm đàn cò của Việt Nam là: ngón cái bàn tay trái đưa lên cao, còn bốn ngón kia dùng phía trong lòng của những đốt ngón của bàn tay trái để ôm vuốt cần đàn, và kéo chận lên dây dễ dàng. Bàn tay phải cầm cung vĩ, các ngón xếp xuôi chiều nhìn rất thanh nhã. Loa đàn đặt giữa hai gối, để tránh trợt khi kéo”.
Do đó, những người am hiểu, những khách trong nước hay ngoài nước đến xem tượng sáp “Giáo sư Khê” sẽ đánh giá rất thấp, và sẽ thắc mắc tại sao một vị giáo sư như GS Trần Văn Khê nổi tiếng lại ăn mặc lôi thôi, và lại ôm cây đàn cò với tư thế sai không thể tưởng tượng được như vậy. “Từ đó, Bảo tàng tượng sáp nghệ sĩ Việt Nam ở TP.HCM cũng sẽ bị đánh giá là làm việc thiếu nghiêm túc, vì không tham khảo tài liệu cho chính xác” - ba người con của GS Trần Văn Khê nhấn mạnh – “Vì vậy, chớ nên để “bản gốc một đằng, tượng sáp một nẻo”, gây tác động tiêu cực đến suy nghĩ của thế hệ mai sau về ngoại hình và nhân cách của GS Trần Văn Khê”.
Ba người con của GS Trần Văn Khê cũng đề nghị: “Nếu có tấm lòng thương tưởng ba tôi, thì hãy làm lại tượng sáp ba tôi thiệt giống, có Hội đồng xét duyệt của Sở Văn hóa - Thể thao TP.HCM và gia đình Trần Văn Khê đồng ý, rồi hãy trưng bày”.
Vì sao bức tượng sáp không giống GS Trần Văn Khê?
Trong email gởi cho báo điện tử Một Thế Giới vào ngày 22.1.2018, bà Trần Thị Thuỷ Ngọc, con gái út của GS Trần Văn Khê, tiếp tục nêu rõ: “Ba anh em chúng tôi, là anh Trần Quang Minh, chị Trần Thị Thuỷ Tiên và tôi, Trần Thị Thuỷ Ngọc, đều chống lại sự quyết định ngoan cố của anh Trần Quang Hải cứ khư khư yêu cầu trưng bày trở lại bức tượng sáp không giống ba Khê của chúng tôi”.
Con gái út của GS Trần Văn Khê phân tích: “Anh Trần Quang Hải đã tự mình đồng ý cho phép Bảo tàng tượng sáp nghệ sĩ Việt Nam làm và trưng bày tượng sáp GS Trần Văn Khê một cách âm thầm, không cho ba người em của mình, cũng là con ruột của của GS Trần Văn Khê, hay biết”.
“Tượng sáp hoàn toàn không giống GS Trần Văn Khê, vì Bảo tàng tượng sáp đã lấy chỉ số khuôn mặt của anh Hải. Trong khi đó, anh Hải đã bị lai nét mặt của mẹ mình, nên mắt, mũi, miệng đều không giống, chưa kể đến dáng vóc của GS Trần Văn Khê cũng khác rất nhiều so với tướng tá của anh Trần Quang Hải. Đó là nguyên nhân vì sao bức tượng sáp ấy không giống, cũng không hề có thần sắc trên khuôn mặt của GS Trần Văn Khê – một sự thật hiển nhiên mà mọi người đều nhận thấy” – bà Thuỷ Ngọc đặt vấn đề.
Cùng nhìn nhận sự việc này, bà Thuỷ Tiên, con gái lớn của GS Trần Văn Khê, dẫn lời nhà điêu khắc Bùi Hải Sơn, Phó chủ tịch hội Mỹ Thuật TP.HCM, từng phát biểu rằng việc đánh giá tượng sáp là phải giống người thật, với yếu tố "truyền thần" phải được đặt lên hàng đầu.
Bà Thuỷ Ngọc nhận xét thêm: Tư thế ngồi ôm cây đàn cò của bức tượng sáp mang tên “GS Trần Văn Khê” có rất nhiều điểm sai. Bởi người nhạc sĩ nhạc cổ truyền Việt Nam thường để cây đàn cò kẹp giữa phía trong của hai đầu gối, dùng đầu gối để làm tăng hay giảm âm thanh tuỳ theo điệu nhạc. Trong khi đó, nhạc sĩ Trung Quốc cầm cây đàn cò Erhu của họ để trên đùi.
Một nhạc sĩ Trung Quốc biểu diễn đàn cò Erhu - Ảnh: Internet
Về cách nhấn dây đàn cò, người nhạc sĩ Việt Nam dùng phía trong lòng của những đốt ngón của bàn tay trái để nhấn, rung, mổ dây đàn để đối âm thanh theo điệu vui (hơi Bắc), điệu Quảng, điệu buồn (hơi ai oán), điệu thanh thản (hơi xuân). Trong khi đó, nhạc sĩ đàn cò Trung Quốc dùng đầu ngón tay để nhấn nhá khi muốn rung hay mổ.
“Tôi là con gái út, đã từng theo ba tôi là GS Trần Văn Khê đi trình diễn, phụ họa về đàn tranh, dạy đàn tranh trên 20 năm ở Pháp. Mỗi khi đi thuyết trình về âm nhạc cổ truyền Việt Nam ở khắp thế giới, ba Khê đã từng sử dụng nhiều cây đàn cổ truyền Việt Nam, như đàn tranh, đàn kìm, đàn cò, đàn tỳ bà, hay đánh trống cổ, v.v...
Hơn nữa, GS Trần Văn Khê là một vị đại giáo sư, một nhà nghiên cứu về âm nhạc cổ truyền Việt Nam, nổi tiếng cả ở trong nước và trên thế giới, song Bảo tàng tượng sáp lại thể hiện hình ảnh GS Trần Văn Khê ôm cây đàn như biểu tượng một người nhạc sĩ cổ truyền bình thường, không nói lên được cả cuộc đời và sự nghiệp chính của GS Trần Văn Khê là nghiên cứu, dạy học, truyền bá sự hiểu biết của mình cho thế hệ mai sau, và cho thế giới hiểu và thương mến nền âm nhạc Việt Nam”– bà Trần Thị Thuỷ Ngọc lưu ý.
Ông Trần Quang Hải không có tư cách “toàn quyền quyết định”
Sau khi có ý kiến đề nghị không trưng bày tượng sáp “GS Trần Văn Khê”, ông Trần Quang Hải đã tuyên bố với một số tờ báo, rằng ông có “toàn quyền quyết định” việc trưng bày tượng ấy, xuất phát từ những gì ông đã làm cho cha trong phạm vi âm nhạc suốt nhiều năm qua (mà những người em của ông không làm được).
Bà Thuỷ Ngọc cho rằng lập luận đó của ông Hải chỉ là sự ngụy biện, bởi “chuyện có kế thừa và tiếp nối sự nghiệp âm nhạc của ba Khê hay không thì cũng không dính dáng chi đến chuyện khư khư bảo vệ việc tạo hình sai của bức tượng sáp” – bà Thuỷ Ngọc viết - “Trong khi đó, tất cả mọi người đều xác nhận GS Trần Văn Khê có rất nhiều kiến thức rộng bao la trên nhiều lãnh vực, cũng như tài năng của GS Trần Văn Khê về việc nghiên cứu sâu xa về dân tộc nhạc học Việt Nam nói riêng và nhạc châu Á nói chung. Vì vậy, thật sự là GS Trần Văn Khê đâu có cần sự phụ giúp chi của anh Trần Quang Hải trong việc nghiên cứu và quang hưng nền âm nhạc Việt Nam”.
Đặc biệt, về mặt pháp lý, bà Thuỷ Ngọc cũng cho hay: “Trong Bộ vi bằng, do bà Lư Ngọc Thu, Văn phòng Thừa phát lại quận Bình Tân, lập ra lúc 17 giờ ngày 5.6.2015 tại Phòng hồi sức, Bệnh viện nhân dân Gia Định, với sự tham gia của GS Trần Văn Khê và con gái út Trần Thị Thuỷ Ngọc, nêu rõ GS Trần Văn Khê đã trao bản di nguyện cho con gái út. Trong bản di nguyện, ba của chúng tôi là GS Trần Văn Khê chỉ cho phép anh Hải toàn quyền trong vai trò chủ tang, để lo tang lễ cho ông, chứ không hề cho phép anh Trần Quang Hải toàn quyền quyết định, tự động giải quyết mọi sự việc sau ngày GS Trần Văn Khê qua đời”.
“Sau ngày GS Trần Văn Khê qua đời, tất cả mọi quyết định quan trọng về gia tài vật chất hay tinh thần, về vấn đề bảo vệ danh dự và sự nghiệp nghiên cứu của ba Trần Văn Khê đều phải có ý kiến và sự chấp thuận của bốn người con của GS Trần Văn Khê” – bà Thuỷ Ngọc khẳng định.
Nhựt Minh