Chuyện nước mắm
Câu chuyện văn hóa - Ngày đăng : 16:19, 19/01/2018
Có một dạo, dư luận ồn lên vụ nước mắm, nào là nước mắm truyền thống làm theo kiểu thủ công của các cụ ngày xưa với những tên tuổi như Cát Hải, Vạn Vân, Phan Thiết, Nha Trang, Phú Quốc… không được tốt, nào mắm công nghiệp ăn gian độ đạm, nào hãng này cạnh tranh chơi xấu hãng kia. Thôi thì đủ cả. Cứ tưởng nhỏ xíu như giọt nước mắm thì đơn giản chuồi chuội, chả có lời ra tiếng vào, ai ngờ linh tinh phức tạp thế. Bây giờ tự dưng lôi chuyện mắm miếc ra phơi lên mặt báo dễ bị thiên hạ mắng là nhiều chuyện. Nhưng quả thật ý định viết về mắm của tôi chả dính dáng gì đến cái kết luận bậy bạ có thạch tín (arsenic) trong nước mắm mà Vinastas từng công bố. Mắm cũng có lúc bốc mùi, nhưng không phải mùi mắm mà mùi tiền. Kệ, đường ai nấy đi, tôi chỉ biên kể chuyện mắm thôi.
Quê tôi huyện Kiến Thụy vùng duyên hải Hải Phòng nhưng nhà tôi tụt hẳn vào trong đất liền chứ không gần biển. Từ nhà theo đường chim bay tới biển phải gần chục cây số, đi lòng vòng theo mấy đường liên xã thì dài hơn, khoảng mười sáu mười bảy cây. Chính vì vậy, nhà chỉ cách biển Đồ Sơn có chừng ấy nhưng mãi ngoài 20 tuổi tôi mới được thò chân xuống biển. Hồi những năm 60-70 sự đi lại khó khăn, xe đạp chả có, chủ yếu lội bộ, vả lại việc đồng áng làm cả ngày đêm không bao giờ hết, ai mà nghĩ đến chuyện đi chơi tắm biển bao giờ.
Không biết biển nhưng biết mắm. Từ khi còn bé tí. Bu tôi là người đàn bà tháo vát, giỏi giang. Có nhẽ một phần thương người chồng vướng chút chữ nghĩa, bạch diện thư sinh, vụng về việc nhà nông nên bu tôi gánh tất. Hồi con gái bu ra Phòng (Hải Phòng) làm công nhân xưởng thảm len, rồi máy bay Nhật bỏ bom, sợ quá nên nghỉ, khi về quê lấy chồng rồi thì chỉ làm ruộng. Nhưng ruộng đất khó nuôi nổi người, bu tôi tranh thủ buôn bán kiếm đồng ra đồng vào. Có bà bạn ở mạn Bàng La - Đồ Sơn rủ đi buôn mắm, bà bảo không giàu nhưng sống được, thế là dính nghề. Tôi nhớn lên trong sự buôn mắm của bu tôi. Sau này nhà nước không cho buôn bán tư nhân nữa, cấm tiệt, bởi làm ăn cá thể không phù hợp với con đường lớn đi lên chủ nghĩa xã hội, tư thương bị coi là buôn gian bán lận, tất cả phải quy vào thương nghiệp quốc doanh, vả lại đã vào hợp tác xã nông nghiệp việc đồng áng quá bận nên nghề “thương nghiệp mắm tư nhân” của bu tôi đành dẹp.
Về sau, những lúc nông nhàn, thỉnh thoảng bu tôi vẫn xuống chơi với bà Tuất, bà bạn buôn mắm dưới Bàng La. Bà cũng lên nhà tôi. Mấy chị em tôi rất quý bà. Bà đẹp phúc hậu, chuyên vấn khăn mỏ quạ, răng đen nhánh, hầu như lúc nào cũng bỏm bẻm nhai trầu. Một trong những người con của bà là anh Quang Mên. Thời ấy có thể ví anh Mên là thi sĩ duy nhất của huyện Kiến Thụy, anh công tác ở Phòng Văn hóa huyện, hay làm thơ, nhiều bài viết về quê hương rất tình cảm, thường được đọc trên đài truyền thanh huyện. Tôi nhớ anh có bài thơ viết về núi Đối và sông Đa Độ sơn thủy hữu tình, thắng cảnh của huyện, có câu “Ta lại về đây núi Đối ơi/Sông xanh như ngọc mến yêu người/Những chiếc thuyền câu như chiếc lá/Về đâu xa tít tận chân trời”, rất nhiều người thuộc. Cứ nhớ đến anh Mên có cái bớt nhỏ trên thái dương lại nhớ ngay đến bài thơ ấy, lại nhớ bu tôi, bà Tuất, nước mắm, nhớ những ngày đã qua man mác buồn vui.
Bu tôi buôn mắm cũng đơn giản, một chiếc đòn gánh, đôi quang mây, hai chiếc sọt đan dày hoặc thúng. Sáng sớm bu dậy quẩy quang thúng lội bộ mười mấy cây số xuống Bàng La, ra bờ biển mua cáy, còng, tôm tép, cá... đem về rửa sạch, ướp muối; hoặc có khi mua hẳn nước mắm, mắm cá, mắm tôm, mắm tép người ta đã làm sẵn, đem về bán tại chợ huyện hoặc các chợ trong vùng. Cứ đi bộ mỗi ngày mấy chục cây số, đòn gánh trên vai, quang thúng hai bên, quần áo lúc nào cũng ám mùi mắm, vậy mà bu tôi nuôi được cả nhà gồm ông chồng vụng về cày cấy, đám con nhỏ lít nhít 4 đứa như 4 cái tàu há mồm, trong những năm đói kém, khốn khó. Gánh mắm giúp bu tôi còn dành dụm được ít tiền mua gần chục sào đất để trồng rau dưa, thuốc lào, sau bị hợp tác xã công hữu hóa chiếm mất. Chút đỉnh lãi còn lại để trang trải cho con cái đi học, bù vào phần thiếu hụt buổi mới nhập hợp tác. Không có gánh mắm đó, chẳng biết đời chúng tôi sẽ đi đến đâu. (còn tiếp)
Nguyễn Thông