Tết năm sau phải khác...!
Câu chuyện văn hóa - Ngày đăng : 07:05, 14/02/2018
Mấy ông già đầu xóm, sáng ngồi co ro bên ấm trà quạu nguội ngắt. Con rạch khúc khuỷu ngập sương trắng, ướt đẫm mấy nhánh bần. Mưa! Những cơn mưa cuối mùa, đâu đó kéo về, kéo thêm cái rét sâu thẳm lòng người tận gan tận tủy.
Tết đến sát mút rồi. Nhưng ai cũng trơ trơ. Mấy con cá lòng tong ăn móng dưới rạch nghe lách tách, nhưng chẳng ai thèm ngó.
Bác Tư nhà ở trong rạch, xách xe Dream chạy ào qua ngõ. Hỏi đi đâu, ông ậm ừ: “Ở nhà buồn quá”. Mà thiệt, trời Tết gây hăm hở lòng người cách mấy, nhưng hễ buông xuôi, nhìn từng tờ lịch lặng lẽ rớt dần nhưng ngày nào cũng như ngày nào thì chán phèo! Sáng cà phê, trưa cơm, tối cơm, lại ngủ khì…
Mấy năm trước, quy hoạch xé ngang xóm Bà Chủ Kiểu, ai cũng hả hê. Bệnh viện sừng sững mọc lên, khu dân cư quy hoạch ngang đó. Người bán đất mua xe, kẻ cất nhà. Bác Tư, bán trọn 5 công đất. Lo cái xe, cái nhà, phần còn lại, cho lũ con se sua tối ngày bài Tiến lên, bi da hoặc rống cổ theo mấy bài karaoke lạt thếch.
Còn cha Năm Cự tụ tập thành nhóm mười mấy hộ, đua nhau lấy bằng khoán thế chấp vay tiền về cất nhà, đào giếng. Số là trúng ngay quy hoạch, đất mấy ông này, nhà nước phải đền bù. Can chi để đất không.
Chất sáng tạo đã bày vẽ cho mấy ông đua nhau cất nhà tạm, ra riêng hết đứa này đứa khác, gắn thêm mấy cái giếng trơ trơ không nước vì nào có khoan đâu… Chính quyền có xuống vài lần, thấy ngó lơ. Chuyện của cấp trên!
3 cái Tết rồi, đất trong xóm bỏ hoang. Cây cối đốn sạch, trồng cọc bê tông làm ranh. Người ta chờ thời, chờ tiền bạc trăm bạc tỉ, ai đâu trông mong vào cái nghề hoa kiểng lâu nay…
Mà thiệt ngộ. Thời mới trồng hoa, cả xóm đua nhau theo trồng. Chừng bỏ, ai cũng lười ra vườn dọn cỏ. Ngẫm cũng buồn, người ta quên mau như như những lời đã nói trong cơn say bí tỉ. Nhưng đằng này tỉnh, chỉ vì say… tiền.
Hồi đó, cứ độ này sắp lên, cả xóm như hội như hè. Đàn ông xách nước bón phân, đàn bà tỉa cành cắt lá. Độ rằm tháng chạp, nhà nhà nô nức vô chậu, chuyển hoa xuống ghe, tỏa đi muôn ngã đem cái sắc cái hương cho người dăm ba ngày Tết.
Chừng trưa 30 tới chiều, hết ghe này ghe nọ lục tục kéo về, chất đầy dưa hấu, thịt heo. Lũ trẻ đứng trên bờ, vỗ tay mừng chí chóe. Rồi những cái mâm dã chiến được dọn lên. Cánh đàn ông nhâm nhi mấy cái ly cay cay kể tiền lời, khoe hoa bán đắt trong lúc chờ đón giao thừa - cái thời khắc thiêng liêng mà cả 1 năm dài người lớn trẻ nhỏ ai cũng chờ cũng đợi.
Nhóm đàn bà chạy lẹt đẹt châm thêm củi cho nồi thịt bắc vội bên gốc mai già nở vàng rực cả bóng đêm. Chút lại bỏ thêm nải chuối, trái mãng cầu lên mâm cúng ông bà cho thêm phần long trọng.
Cái thú ngồi lai rai, ngóng từng cơn gió xuân thổi xào xạc đám chuối sau hè, nghe từng bước chân rộn rã về nhà chờ giao thừa, nghe tiếng hỏi thăm con Tư, con Sáu ở Sài Gòn mới về ăn Tết, thấy đã làm sao… Ai cũng nô nức.
Trong nhà vẫn cái bàn đó, cái tủ này, sao thêm cái mâm cúng, mấy cây nêu, miếng liễn đỏ chét, thêm nhánh mai vàng rực, thấy cái sự sung sướng sao gần mình lắm thế!
Cả con rạch suốt đêm không ngủ! Mấy thúng hột vịt lộn trộn trấu bày bán, vài thằng nhỏ lui cui đập, hút dưới ánh đèn hột vịt đỏ quạch màn đêm.
Nhớ chuyện, Năm Cự thoáng ngây người, lim dim hồi tưởng. Nhưng chỉ vài phút… Ông lại trở vào, sau khi khóa cẩn thận cái cửa rào. Mấy tháng nay, nhà Hai Luỹ - cựu bạn nhậu của ông, chỉ hăm he nhà trống cửa là vứt rác vào mấy chậu kiểng hiếm hoi còn sót lại của ông. Chung quy cũng vì cái ranh đất.
Đất thời quy hoạch, tấc đất tấc vàng. Tranh chấp, cự cãi, ra chính quyền mấy lần chưa xong. Thôi, đất ai nấy rào, nhà ai nấy giữ. Hàng chục cuộc tranh chấp đang diễn ra trong xóm.
Bác Tư lại ào xe chạy qua. Chắc kiếm đứa con gái. Mới 18 tuổi đầu, nhà ngẫu nhiên có tiền, sinh chuyện. Hôm rồi, ôm cái bụng thè là mà ai hỏi tác giả cũng lắc đầu nguầy nguậy: “Biết chết liền”.
Mưa cuối mùa tạnh. Nhưng gió vẫn thốc xuyên qua dãy nhà mái tôn lạnh ngắt, trống trơ. Nhà nào nhà nấy đóng cửa rào kín mít. Không biết chắn gió, chắn mưa hay chắn những cái nhìn săm soi dòm ngó. Dân “có tiền” mà.
Năm nay, xí nghiệp ở TP.HCM giải thể, thằng Tám “lột áo” công nhân, về ăn Tết sớm cả tháng. Sẵn nghỉ xả hơi, qua Tết kiếm việc khác. Mới sáng này, nó ngồi nhậu một mình dưới gốc cột điện trước nhà.
Say, chửi đổng: “Trời ơi! Đất hỡi! Đã sợ cái chỗ xô bồ, lộn chộn, việc ai nấy làm, nhà ai nấy ở. Giờ về đây, muốn “đã” mấy ngày rốt cuộc cũng như ở trển. Cái xứ gì mà giờ kiếm cái bóng mát ngồi cũng không có!”. Dịch cúm khiến giờ nhà nước vẫn cấm nuôi gà trong nội ô. Tiếng gà gáy mất tăm, không gian càng ngột ngạt.
Vậy mà hồi đêm, má nó còn mới lầm bầm: “Mày ráng kiếm thêm vài triệu, mua chiếc Attila chạy đi chạy về cho con Năm nhà bên hết chảnh”.
Sáng sớm bữa sau. Thằng Tám lục đâu đó từ mấy cái giỏ cũ xếp xó sau nhà bếp, rớt ra mấy hột giống bông Vạn Thọ. Nó lui cui xách xẻng, bới mấy lỗ đất hiếm hoi còn sót trước sân xi măng, gieo hột.
Mới mười mấy bữa, những bụi thọ đã lên xanh ngắt.
Bác Tư tấp xe trước nhà thằng Tám, ông bất chợt có cảm giác quen quen: mấy bụi Vạn thọ. Một thời, nó giúp mình những cái Tết ấm cúng nè trời. Ông ngồi bệt xuống đất, nhìn mấy lá Vạn thọ phất phơ.
Sau lưng ông, Năm Cự đứng từ hồi nào, kế bên là Hai Lũy. Ngó một hồi, Năm Cự đột ngột vỗ vai Hai Lũy: “Ê! Mầy nhớ cái đợt năm nảo năm nào, ghe bông của tao với mày còn ế mấy chục chậu Vạn Thọ. Tối 30, say mèm, không biết thằng nào bày trò, bứt bông, lá… xào mỡ nhậu. Sáng dậy thấy còn sống, mừng húm”.
Hai Lũy thì lăng xăng: “Năm nay trễ rồi. Nhưng năm tới nhứt định phải trồng bông bán Tết, trở lại nghề cũ. Tiền bán đất, ở không ăn sắp hết rồi”. Năm Cự không nói ra, nhưng Hai Lũy cũng biết thấu tim gan. Gần tháng nay, Năm Cự phải chạy vạy vay hỏi bà con xa đắp víu tiền xài.
Bỏ mấy chục triệu xây công trình “ma” chờ giải tỏa. 3 năm rồi, cái bảng quy hoạch tróc sơn bét nhè. Có thấy rục rịch kê biên, đền bù khỉ gì đâu…
Mà thiệt. Cả xóm này chỉ còn cái xác không. Nhà cao cửa rộng, nhưng ruột bộng lỗng.
Bây giờ, nhìn mấy nụ Vạn Thọ non nhẻo đang chớm hé, cánh đàn ông khoác vai nhau, cười vang…
Ừ! Nhứt định. Tết năm sau phải khác.
Hồ Hùng