Về quê ăn tết
Câu chuyện văn hóa - Ngày đăng : 18:20, 05/02/2019
Dễ cũng đến 5 năm, gia đình tôi chưa về quê ăn tết. Công việc bận rộn, mỗi năm chỉ tranh thủ về quê vào dịp hè khoảng nửa tháng. Giọng vợ bùi ngùi: “Tết là để sum vầy, đoàn tụ bên người thân”. Tôi chêm vào: “và quan trọng hơn là cho con được biết đến tết quê như thế nào”. Thế là vợ chồng tôi quyết định về quê.
Cả nhà về quê ăn tết, hai bên nội ngoại, đặc biệt là hai con gái của tôi là những người hạnh phúc nhất. Vợ tôi lo dọn dẹp cửa nhà, chợ búa, cơm nước, còn tôi thì… chao ôi như sống lại những tháng năm vui vầy, ấm êm ngày cũ.
Mấy cành đào trong vườn ngày xưa từng giúp đổi lấy bộ quần áo mới, đôi dép mới, con cá, cái bánh cái kẹo ngon ngọt ngày tết cho anh em tôi. Giờ thì… bố dành cho hoặc biếu người thân, xóm giềng mỗi dịp xuân về. Với bố, tấm lòng thơm thảo, gắn kết chính là niềm vui tuổi già.
Tết đã về trên mọi nẻo đường làng, ngõ xóm. Tiếng máy xát gạo chạy ngày chạy đêm. Nào gạo tẻ nào gạo nếp bóng mẩy, tròn mũm mĩm nằm phơi mình trong thúng. Nhà nhà ngâm gạo nếp, nghiền bột nếp. Chợ làng tấp nập, xôn xao với đủ loại hàng hóa: lá dong, cá thịt, củ quả, hương hoa,… Tiếng cười nói giòn giã, hỏi han nhau về sự chuẩn bị cho cái tết gần kề; tiếng chúc tụng vui vẻ khi con cháu đã về đông đủ, và có cả giọng bùi ngùi, buồn buồn của những ai thiếu vắng người thân. Nhìn mấy đứa trẻ tung tăng theo mẹ đi chợ, cười rộn ràng khi được mẹ mua cho áo mới, tôi lại bồi hồi nhớ tôi của ngày xưa đến quay quắt.
Tết quê vui nhất vẫn là được quây quần bên gia đình gói và luộc bánh chưng. Dù ít ăn tết ở quê nhưng tài gói bánh chưng vuông, đẹp của tôi vẫn được bố đánh giá là số 2 (chỉ đứng sau bố). Mẹ tôi ngồi nhìn hai bố con tủm tỉm cười. Trong mắt mẹ, bố vẫn là người đàn ông số 1 mà mẹ nhất mực yêu thương. Những câu chuyện ngày xửa ngày xưa, những câu chuyện mới đây,… khi hào hứng, sôi nổi; khi trầm trầm, sâu lắng,… qua giọng kể của bố mẹ khiến tôi vô cùng xúc động. Nồi bánh chưng vẫn sôi sùng sục trên bếp, chuyện vẫn giằng dai làm cái lạnh se sắt của mùa đông bỗng chốc trở nên ấm lạ.
Chiều 30 tết, mẹ mua về hai cây mía Kim Tân tròn lẵn, căng mọng dựng hai bên bàn thờ gia tiên. Mâm ngũ quả đủ màu sắc cũng được sắp đặt chu đáo. Trên cành đào, những bao lì xì đỏ chót, những câu đối lấp lánh ánh vàng cột bởi những sợi chỉ đỏ may mắn đã rung rinh khe khẽ theo ngọn gió xuân. Ba khệ nệ bưng từ ngoài cổng vào chậu hoa trạng nguyên đỏ thắm rồi khoe: “Ba mua về với mong muốn sự thành đạt, may mắn sẽ đến với tất cả cháu con trong nhà”.
Tết quê bây giờ dẫu có khác nhiều so với tết xưa, thế nhưng cái hồn cốt, nét văn hóa ngàn đời của dân tộc, của con người thôn quê bình dị, dân dã thì mãi còn neo lại. Vẫn là nồi nước lá mùi thơm tho mẹ chuẩn bị cho cả nhà tắm chiều cuối năm; vẫn bữa cơm đoàn viên ấm cúng, vẫn lễ cúng gia tiên đêm 30; vẫn tục lì xì, xông đất, đi lễ chùa, xin câu đối, chúc xuân; vẫn bánh chưng, dưa hành,… đủ loại. Và vẫn tiết trời se lạnh, vẫn là gió bấc, mưa phùn; vẫn rộn ràng, náo nhiệt nhưng không kém phần tôn kính, trang nghiêm.
Về quê ăn tết, được thỏa thích nói cười trong gian bếp cũ của mẹ, ra vào ngó nghiêng, thăm thú cảnh sắc mây trời, hoa lá trong vườn. Về quê ăn tết, thảnh thơi ngồi bệt nơi thềm nhà nghe du dương nhịp đời chậm rãi buông trôi. Về quê ăn tết, thấy tóc bố đã thêm nhiều sợi bạc, thấy nét cười của mẹ đã pha nhiều nếp nhăn… mới biết thời gian trôi sao thấm thoát.
Về quê ăn tết mới thấy lòng lắng lại; bao muộn phiền, lo âu như được trút bỏ; bao yêu thương bỗng thu nhỏ lại trong cành đào đỏ thắm, trong nụ cười tròn đầy của những người ta quý ta thương.
An Viên