Quê nhà có còn hương vị?

Câu chuyện văn hóa - Ngày đăng : 06:53, 05/02/2019

Căn nhà nằm giữa xóm bên vàm rạch Vàm Nhựa nhìn qua lộ là chợ xã, trong đó có một điểm gom lại chừng chục thước vuông chỗ căn bếp mà má lui cui suốt sáng chiều để làm mấy món hằng ngày hình như trở thành miền quê đầy bí ẩn trong tuổi thơ tôi.
Không còn những phong vị ngày cũ như bắt cá tát đìa, những con cá đồng nữa - Ảnh: Huỳnh Lâm

Nói cái này ông bạn nhà thơ họ Đỗ đừng có buồn, Quê nhà có khi nằm trong tiềm thức tròn vẹn hơn Quê hương, bởi theo nghĩa chữ thì “hương” đã là “quê”, nên nói “quê hương”, vừa dư vừa thiếu, mà nhè thiếu ngay cái nơi quan trọng không gì sâu lắng hơn được, là nhà.

Tuổi thơ, khỏi nhà một buổi một ngày là nhớ lắm, đoạn đường từ trường về cứ vẩn vơ tơ tưởng món ăn dặm bí ẩn sắp được má cho, một vài miếng nhỏ nhỏ có hoặc không nước cốt dừa thêm xíu muối mè, tuy chỉ lẩn quẩn chừng mươi thứ từ bột gạo bột nếp khoai mài chuối xắt đậu xay mà vẫn thấy mới hoài, luôn ngon lành luôn bí ẩn. Nhưng má không khi nào cho nhiều, biểu để chừa bụng chờ cơm, có khi cũng ấm ức. Bữa cơm cũng với mươi món quây vòng, cá hoặc thịt kho hoặc tép rang làm món mặn cùng rau luộc rau sống với canh rau hoặc bầu bí nấu cá tôm là gặp hoài, còn bữa chiều cuối tuần luôn là món cháo cá lóc, ba nói ăn vậy cho cái bụng nó được nhẹ nhàng một bữa.

Những món bất thường như cá chạch kho nghệ, tôm kho tàu, cá bống tượng chưng tương, lươn um, mắm kho cá linh, cá ngát nấu chua, lươn nấu bắp chuối, khổ qua hầm, hoặc mấy món có kèm nước mắm tỏi ớt cay nồng như khô cá sặt rằn trộn dưa xoài, cá mè chiên tươi, cá lóc nướng trui, tôm với thịt luộc cuốn bánh tráng, ếch xào lá cách .v.v, tuỳ theo mùa theo con nước và cũng nhiều khi do hên nhằm bữa má đi chợ trúng lúc gặp được mớ tươi ngon hiếm hoi mà giá nới trong chợ cá nữa.

Sau bảy mươi lăm dời nhà về miếng vườn nhỏ bên bờ sông Cái Thia, căn bếp của má được rộng hơn, nhưng thực đơn hằng ngày lại giảm sâu. Ba mua xuồng tự giăng lưới bắt cá, lọng cọng và dở ẹt, cá dính ít xịu. Rồi cũng chiếc xuồng đó, bơi cắc cụp độ hai chục cây số qua Đồng Tháp mần ruộng xâm canh, coi như mấy thứ nhu cầu đều tự làm ra có gì ăn nấy. Lúc bơi xuồng thăm lúa, ba cứ kể mãi chuyện trời Nghiêu đất Thuấn rồi ông Thánh nói này kia, còn tôi buồn ngủ mắc chết.

Ngày thường tôi tiếp má lo bữa cơm, mùa sạ mùa cắt nghỉ học đôi ba ngày đi ruộng với ba, nhờ quá khứ này mà nay tôi cứ hay nổ với bà xã và thằng con rằng, tài kiêm “nông nội” (làm ruộng và nội trợ), lúa mùa một vụ gạo thơm ngọt không thể tả, nói ba cái anh G.A.P bây giờ theo xách dép anh lúa mùa cũng không có gì quá đáng. Thời thiếu sữa mà con nít mạnh cùi cụi có lẽ một phần nhờ nước cơm quậy với chút đường táng tẩm bổ mỗi ngày. Trên ruộng không phân hoá học, không thuốc cỏ thuốc trừ sâu thuốc tăng trưởng nên cá đồng mới thiệt đúng nghĩa cá đồng.

Sông rạch không nước thải công nghiệp không bọc mủ chứa rác nổi lình bình cùng vạn thứ hằm bà lằng, cá sông mới đáng tiếng cá sông. Mười mấy năm sau, tuy khó khăn thiếu hụt, nhưng quả là thấm đậm cảnh tượng “trời Nghiêu đất Thuấn” trong chừng nghĩa không khí mát lành đất sạch sông trong.

Ngày nay ăn uống thứ gì cũng ngại miệng. Đãi bạn bè cá đồng chẳng qua theo kiểu nói quen miệng, chớ cá tôm tẩm mình ở sông ruộng nhiễm độc, tính ra nó cũng bất lành như cá tôm được nuôi tẩm bằng vô số thứ thuốc xyz và thức ăn xyz bí hiểm. Cho nên, như tôi theo dõi mươi năm qua, tất cả những bí quyết má tôi truyền cho, cộng với bí quyết má vợ truyền cho bà xã đều trở thành mớ nội công bếp núc khó bề thi triển, nguyên liệu đã lụi tàn.

Quê tôi giờ tiệc cưới đám giỗ tân gia khai trương thôi nôi đầy tháng sanh nhựt mừng thọ cho đến tiệc đầu năm cuối năm ở trường học đều cũng mấy món na ná nhau do dịch vụ nấu đám bưng tới.

Hồi trước ăn giỗ, chắc mẩm là có món khổ qua dồn cá thát lát mình khoái tít, lúc gần xong tiệc làm vài khoanh với ba hột cơm chan nước hầm bỗng thấy người tỉnh táo nhẹ nhàng, no mà không ách. Còn như về nhà mà lỡ xế chiều có đói cũng có sẵn đòn bánh tét hoặc vài cái bánh ít chủ nhà đám đưa cho.

Nói tới bánh tét thôi thì, kể luôn cái tật sang chảnh hiện nay, đã làm hẳn một chỉ thị rao trong nội bộ, là hễ ai cho bánh tét gói dây ni lông, dứt khoát không lấy, và cũng nói luôn với người cho rằng, bánh tét gói bằng dây chuối nhà tôi mới ăn. Sau sáu năm kiên trì chủ trương đó, giờ không thấy ai cho bánh tét nhà tôi nữa, nhưng bù lại là tôi đã cảm hoá được hai nhà thợ gói bánh bán chợ.

Đám tiệc quê nhà giờ ngồi ăn như bị tra tấn. Hai người cạnh nhau cứ chúi mũi nhai húp cho rồi món mà không thể hỏi thăm chuyện vãn, bởi loa nhạc sống nhạc chết đua tài. Đám tiệc bia rượu tràn lan chóng mặt. Theo lời thằng bạn thợ hồ, đổ đồng mỗi tháng nó phải dự mười lăm cái đám, mỗi lần phải bưng theo thùng bia giá bằng ngày công của nó. Cái này nghĩ cũng nên có một điều tra xã hội học về vấn đề đám tiệc bừa phứa làm thâm thụt ngân sách gia đình ra sao của đa số người dân miền Tây.

Xứ trái cây danh trấn giang hồ quê tôi giờ với sầu riêng tẩm đầy những thứ thuốc trời ơi đất hỡi nếu muốn có trái nghịch vụ, chanh được phun thuốc cỏ ở một thời điểm nào đó sẽ ra trái oằn oại, mận thì tẩm đầy thuốc trước khi hái chỉ một hai ngày, và hầu như đã chín phần mười các loại trái cây dưa rau củ quả giờ đây đều tẩm đầy chất độc.

Trong số những người làm vườn năng suất cao do dùng độc dược tiền vô nườm nượp có những bạn bè tôi, nói ra kỳ cục, tôi vẫn mong những nông sản tẩm độc ấy cứ gặp mãi cơn ế chợ, cứ kêu gào giải cứu. Số người buôn bán vật tư nông nghiệp cùng thức ăn gia súc với lại những nhà vườn bất chấp thủ đoạn phải nên gặp hoạ mất tiền nhiều phen, có thể họ ngộ ra mà xoay chuyển tình thế. Có như vậy, hoạ may số đông dân chúng mới bớt được miếng ăn tẩm độc và bệnh viện mới ít người.

Theo Phạm Hoàng Quân/TGTT