Vụ cháy tại nhà thờ Đức bà Paris

Câu chuyện văn hóa - Ngày đăng : 19:35, 18/04/2019

Đêm 15.4.2019, đang dịch một bài báo cáo khoa học, mở cửa sổ Facebook, thấy hình nhà thờ đang cháy lớn! Muốn share hình ảnh đó ra bạn bè mà ngập ngừng không share được. Bởi quá đau lòng. Tuổi vào U.70, chứng kiến nhiều chuyện bể dâu, lệ không còn dễ rơi, mà thật ra lòng tôi đang khóc.

Tôi đã bước trên ba trăm mấy mươi bậc thang bằng đá lên tầng cao của nhà thờ đó trên mười lần. Nhìn về trường Sorbonne danh tiếng, nhìn về tháp Eiffel với lâu đài Chaillot, nhìn về vườn Tuilerie với bảo tàng Louvre, nhìn ra La Défense cao ốc tân tiến... và cúi xuống nhìn tượng thú kỳ lạ nơi miệng các máng xối mấy trăm năm bền vững với nhà thờ...

Tôi đến đó không biết bao nhiêu lần, khi thì nhìn nhà thờ từ phía sau với bờ vách xanh cổ kính và kiểu kiến trúc như bộ rễ đước quê tôi, khi thì đứng dưới sân trước ngó đàn bồ câu bay lên mái, khi từ du thuyền bateau-mouche dọc sông Seine ngó bóng hàng cổ thụ chạy dọc vách đá trăm năm trong ánh đèn pha từ du thuyền quét lên...

Mỗi lần tới đó thấy lòng dịu đi một chút, giàu có hơn một chút, ấm áp và lắng sâu hơn một chút...

Thật ra tôi từng tới nhà thờ Đức Bà Paris năm mươi năm trước đó rồi. Tới với nàng Esmeralda xinh đẹp, yêu đời và thằng Gù khổ đau, say đắm, ngất ngây, với hành trình Đi tìm thời gian đã mất của Marcel Proust... Thầy Trần Văn Tiễn, giáo sư Pháp văn trường Petrus Ký, kêu tôi về nhà biểu ngồi đọc các đoạn trích những tác phẩm kể trên vì “Thầy biết, đọc đi, rồi em sẽ thích”, “ráng đọc đi để sau này qua bên đó du học như ý gia đình em muốn”... Thằng nhỏ thích được khen, ngồi đọc diễn cảm từng trang tiếng Pháp và được ông thầy cho viên kẹo sô-cô-la.

Bước chân tới Pháp mười mấy năm sau, ngay ngày sau đó tôi thăm vườn Luxembourg, ghé quán Les Deux Magots, đi dọc các đại lộ Saint-Germain, Saint-Michel và dành trọn buổi chiều thăm Nhà Thờ Đức Bà. Đã quên hết những bài đọc ngày xưa, nhưng tâm hồn còn in hình thằng bé của Anatole France lưng đeo túi xách đi học ngang vườn Luxembourg đầu mùa thu. Còn nghe trên dãy ghế của quán cà phê Les Deux Magots hơi ấm những Verlaine, Rimbaud, Gide, Picasso, Sartre...

Tuy nhiên, lần đầu tiên thấy hai tháp chuông của nhà thờ Đức Bà Paris lòng tôi mới rung lên muôn sợi dây đàn khó tả. Trong hợp âm của muôn thanh âm khe khẽ đó, có tiếng vọng thanh thoát của cô giáo từ buổi đầu tiên học tiếng Pháp Un, Deux, Trois, Bonjour Madame..., có tiếng Mẹ đọc truyện Cô bé Lọ Lem trên tập sách nhỏ đủ màu của nhà xuất bản Hachette, có tiếng sột soạt lật từ điển Larousse tới trang có hình nhà thờ Đức Bà Paris chen lẫn tiếng dế sạt sạt nhảy vào cửa sổ sáng đèn, có tiếng võng chị đưa với câu chuyện về những người bạn ra trường Sorbonne, ngôi trường được lập nên bởi đức Hồng Y Richelieu, người từng cầu nguyện cho nước Pháp trong nhà thờ...

Với tất cả những âm thanh và tình cảm mơ hồ, lộn xộn đồng vọng đó, lần đầu tiên đứng trước nhà Đức Bà Paris, tôi có cảm giác thành kính và xúc động như lần đầu trở về thăm quê hương yêu dấu. Trái tim rung lên và tâm tình trào ra, quê hương văn hóa, quê hương tình cảm...

Đêm 15.4.2019, đang dịch một bài báo cáo khoa học, mở cửa sổ Facebook, thấy hình nhà thờ đang cháy lớn! Muốn share hình ảnh đó ra bạn bè mà ngập ngừng không share được. Bởi quá đau lòng. Tuổi vào U-70, chứng kiến nhiều chuyện bể dâu, lệ không còn dễ rơi, mà thật ra lòng tôi đang khóc.
Nhìn từng quầng lửa bùng lên, bao trùm và sáng rực, tôi sợ cả nhà thờ sụp xuống vô phương cứu chữa! Đâu chỉ của Paris, đâu chỉ của nước Pháp, nhà thờ Đức Bà Paris đã là di sản gần thiên niên, có gốc rễ từ giữa thời Trung Cổ và chứng kiến nhiều biến cố trọng đại của châu Âu như cuộc chiến trăm năm Anh-Pháp, sự thành lập các vương triều và các nền chính trị dân chủ châu Âu. Nhà thờ đã tham gia phát triển nền văn minh nhân loại qua những thế kỷ của phong trào Phục Hưng và trào lưu Khai Sáng cùng các cuộc cách mạng công nghiệp, nhất là công nghiệp lần thứ nhất và thứ hai. Nhà thờ bị tàn phá trong cuộc Cách Mạng Pháp thập niên 1790, nhà thờ khóc thương khi Pháp thất trận trước Phổ của Bismark, đau mất mát và hưởng vinh quang của thế chiến thứ nhất, tưởng bị vùi chôn cuối thế chiến thứ hai... Nó chứa trong lòng nó những di sản vô giá cùng lịch sử, tâm tình bao thế hệ châu Âu và thế giới, trên mọi tầng lớp xã hội. Nó đã là di sản chung của mỗi công dân toàn cầu!

Tôi đã khóc khi thấy nhà thờ Đức Bà Paris chìm trong biển lửa, và sáng hôm sau hy vọng khi thấy những kết cấu quan trọng của nó còn đứng vững, nhiều cổ vật vẫn còn. Vui mừng và cảm động khi thấy nước Pháp, châu Âu, thế giới hướng về nó, chung tay góp sức xây dựng lại, khôi phục nó.
Di sản không chỉ là công trình kiến trúc, mà là lịch sử, kỷ niệm, tâm hồn con người truyền qua thế hệ, là “vạch nối con người qua những thế kỷ” (1). Con người không chỉ là người Pháp, mà cả nhân loại. Khi khóc thương nhà thờ Đức Bà Paris, tôi nhớ những di sản của Sài Gòn, Hà Nội, của những thành phố Việt Nam. Khi vui mừng vì nhà thờ và cổ vật vẫn còn sau hỏa hoạn, khi cảm động nhìn phong trào thế giới hướng về nó, tôi cũng âm thầm hy vọng cho đất nước chúng ta.

Sau vụ cháy “như mũi dao đâm vào tim nhân loại” (2), chắc chắn có những bài học được rút ra cho người Việt. Khi thế giới “khóc thương vì mất mát chung” (2), người Việt cảm nhận gì? Khi thế giới đoàn kết nhau hơn, khi thế giới thấy “lịch sử là của chung” (2), và hận thù, chia rẽ là vô nghĩa trước tổn thất chung của nhân loại, người Việt sẽ nghĩ gì về cách ứng xử xem và đàn áp nhau như “thế lực thù địch” đang hiện diện cùng khắp trong xã hội và chia rẽ dân tộc chúng ta?


Lê Học Lãnh Vân - Ngày 16 tháng 4 năm 2019 (đăng lại từ facebook của tác giả)

(1) David Leonhardt - La Cathedrale De L’humanité - nytimes - April 16, 2019

(2) Frida Ghitis - Watching Notre Dame burn, the entire world was in pain - cnn - April 15, 2019l