Thầy giáo vùng quê dành hơn 20 năm sưu tầm tiền xưa

Câu chuyện văn hóa - Ngày đăng : 10:34, 03/07/2019

Tại vùng quê ở tỉnh An Giang, một thầy giáo đã dành hơn 20 năm để thực hiện đam mê sưu tầm tiền xưa. Bỏ biết bao công sức, thời gian và tiền bạc, đến nay, thầy đã sở hữu bộ sưu tập vô giá với đủ các loại tiền của Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử. Điều đặc biệt, bộ sưu tập này lại thiên về các loại tiền giấy.
Thầy Cường và bộ sưu tập tiền xưa của mình - Ảnh: Tô Văn

Sở hữu hơn 2.000 tờ tiền giấy nhuốm màu thời gian

Đó là thầy Lâm Văn Cường đang giảng dạy tại bộ môn Mỹ thuật, Trường THCS Phú Thuận, H.Thoại Sơn, tỉnh An Giang. Anh chính là chủ nhân của hơn 300 bộ tiền xưa Việt Nam với nhiều mệnh giá qua các thời kỳ kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ. Đặc biệt là những bộ tiền xưa có dãy số seri liền kề vô cùng hiếm có.

Bén duyên với những tờ tiền xưa cũ từ năm 1997 - khi ấy anh Cường vừa tốt nghiệp THPT, phần vì tò mò muốn hiểu ý nghĩa những họa tiết, hoa văn in trên những tờ tiền, phần muốn sở hữu chúng. Niềm đam mê tiền xưa của thầy cũng theo đó mà hình thành.

2.000 tờ tiền nhuốm màu thời gian do thầy Cường bỏ công sưu tập - Ảnh: Tô Văn

Chia sẻ trong việc sưu tập bộ sưu tập tiền khủng, thầy Cường cho biết: “Trong bộ sưu tầm tiền xưa của mình luôn có tiền đồng và tiền giấy nhưng mình thích nhất tiền giấy bởi vì mỗi tờ tiền giấy có in những hình ảnh và biểu tượng.

Sau này đến Trường cao đẳng Đồng Tháp luyện thi ngành mỹ thuật, mình được giáo viên hướng dẫn vẽ phong cảnh, chân dung hay vẽ theo mẫu, mới nhớ lại những tờ tiền của người bạn từng cho mình xem. Những hoa văn họa tiết vẽ trên đó rất ấn tượng với mình thời điểm ấy. Mình mới hồi tưởng vẽ lại trong bài thi trang trí và đạt điểm rất cao. Không gì vui sướng bằng bài thi ấy giúp mình tốt nghiệp cao đẳng”.

Thấy chúng tôi tò mò về số lượng khủng của bộ sưu tập, thầy Cường chia sẻ tiếp: “Để làm phong phú thêm đam mê, ban đầu mình nhờ bạn bè trao đổi hoặc sẽ chọn mua những tờ tiền có giá thấp. Dần dần, để có những tờ tiền quý hơn, mình phải thường xuyên tìm kiếm ở những nơi có khả năng xuất hiện. Biết thú chơi của mình, nhiều người đã tận tình giúp đỡ, hỗ trợ”. Khi biết có người bán 1 đồng tiền còn thiếu trong bộ sưu tập, dù ở xa, thầy Cường cũng đến tận nhà thuyết phục để mua cho bằng được.

Ấp ủ mở một "bảo tàng mini” tại gia

Việc hơn 22 năm tìm tòi, sưu tầm và cất giữ, đến nay thầy Cường đã sở hữu bộ sưu tập tiền Việt Nam xưa đủ các mệnh giá và được phân chia theo các giai đoạn lịch sử. Nhưng ấn tượng nhất phải kể đến 300 bộ sưu tập tiền xưa có dãy số seri liền kề từ 2-3 tờ “cực hiếm” ở miền Tây. Nhiều tờ tiền giấy trong bộ sưu tập của thầy Cường thuộc dạng quý hiếm, “độc nhất vô nhị” như tờ tiền 1 đồng vàng có in hình 2 đứa bé liền số seri với nhau từ 225F776, 225F77, 225F778.

Tập tiền xưa có dãy số seri liền kề từ 2-3 tờ là tập “độc nhất” miền Tây - Ảnh: Tô Văn

Cũng theo thầy Cường, mỗi đồng tiền đều ẩn chứa những câu chuyện hay cùng quá trình biến động của lịch sử. Và thầy giáo này tìm được nó như cái duyên. Tờ tiền phải bỏ tiền mua cao nhất là 15 triệu đồng, và may mắn khoảng 10% trong bộ sưu tập là được anh em, bạn bè.. tặng miễn phí.

“Bước vào lĩnh vực sưu tầm đồ xưa, thứ nhất là mình phải có tâm. Một khi đã có tâm thì nhiều khi món đồ đó, mình ao ước, thậm chí nằm mộng thấy nó hằng đêm hằng ngày hằng tháng. Khi đã có tâm, cứ tin ngẫu nhiên một ngày nào đó nó sẽ đến với mình cũng như câu "cổ vật tầm nhân thiện đức".

Khi mình có tâm với nghề, khi mình có tâm huyết, cổ vật tự đến với mình rất bất ngờ. Và mình từng vui mừng tới nỗi thậm chí 1-2 ngày chiêm ngưỡng món đồ vô tình sở hữu được mà không cảm thấy chán”, thầy Cường bộc bạch.

Không chỉ bị thu hút bởi những họa tiết trên những tờ tiền xưa, thầy giáo Cường còn sở hữu thêm bộ đồ gốm như gốm Lái Thiêu, Cây Mai… có những hình ảnh rồng, phụng, hoa văn giống với hình ảnh được in trên những tờ tiền xưa. Sau khi kết hợp tiền và gốm có cùng hoa văn sẽ tạo ra 1 bộ sưu tập đặc biệt hiếm có.

Thầy Cường đang ấp ủ dự định mở 1 bảo tàng nhỏ tại nhà để các em học sinh, người có cùng chung niềm đam mê đến chiêm ngưỡng, cũng như học hỏi về những lịch sử của dân tộc thông qua hình ảnh trên những tờ tiền.

Hằng ngày, thầy Cường phải lấy tiền ra lau chùi và chống mối mọt, vì bảo quản tiền xưa cực kỳ khó - Ảnh: Tô Văn

“Bản thân chồng là giáo viên, đồng lương không đủ sống, mọi người thường nghĩ ông xã mình chắc nhiều ruộng đất hay gia tài khủng lắm nên mới chơi đồ xưa. Thực ra, thấy chồng ham quá, mình cũng tằn tiện, tiết kiệm chi tiêu để mỗi khi ảnh thích món gì đó, mình cũng san sẻ một phần nhỏ nhỏ ủng hộ ảnh theo đúng niềm đam mê của mình. Việc ảnh sưu tập tiền xưa, mình cũng thấy có ích khi bộ sưu tập đó để lại cho con mình cái gì đó tiêu biểu như nền văn hóa hay cái gì đó thể hiện văn hóa địa phương một vùng”, vợ thầy Cường thổ lộ.

Dành hơn 2 chục năm sống cho đam mê, giờ đây thầy Cường đã là một trong những người sở hữu bộ sưu tập tiền xưa độc nhất miền Tây. Dù đang nắm trong tay món tài sản vô giá với nhiều người (nhưng với không ít người không đam mê và không hiểu nhiều về lĩnh vực này thì xem như những thứ vô giá trị), nhưng không vì thế mà người đàn ông “nặng tình” với tiền xưa ngơi đi sự hăng say trong việc sưu tầm những đồng tiền đã nhuốm màu thời gian.

Sưu tập tiền xưa, thầy Cường cũng thấy có ích khi bộ sưu tập đó để lại cho con mình cái gì đó tiêu biểu như nền văn hóa hay cái gì đó thể hiện văn hóa địa phương một vùng - Ảnh: Tô Văn

Giấy bạc Đông Dương được lưu hành đầu tiên ở Nam Kỳ. Sắc lệnh của Tổng thống Pháp ra ngày 5.7.1881 đã quy định đồng bạc Đông Dương là đơn vị dùng trong việc giữ sổ sách cùng soạn ngân sách, và kể từ năm 1882, mọi việc thu chi đều phải dùng đơn vị này... Tuy nhiên, thầy Cường cho biết mình mới chỉ sở hữu được tờ tiền Đông Dương năm 1920.

Tô Văn