Tình trạng loạn video Youtube ở Việt Nam
Câu chuyện văn hóa - Ngày đăng : 07:15, 26/07/2019
Youtube giờ đây không đơn thuần là một kênh video giải trí như cách nhì nhận ngày trước của chúng ta, mà đã trở thành một mạng xã hội đích thực với cộng đồng người dùng vô cùng đông đảo và nhà sáng tạo đa dạng, phong phú. Chí vì vậy, mức độ cạnh tranh cũng vì thế mà tăng lên từng ngày từng giờ, liên tục đòi hỏi những người làm sáng tạo nội dung phải nhanh nhạy trong việc nghĩ ra những video có nội dung phong phú, mới lạ, bắt kịp xu hướng để thu hút nhiều lượt view và mong kiếm được nhiều tiền.
Nhưng một bộ phận kênh Youtube đã bất chấp nhiều thủ đoạn như mua view/sub hoặc làm nội dung giật gân để nhanh tăng tương tác, tha hóa nội dung, làm ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống xã hội.
Tràn lan nội dung bẩn và tạp nham
Rất nhiều Youtuber thực hiện video những cái mình thích và đăng tải như một cách lưu giữ kỷ niệm để rồi sau đó, khi kênh được bật chế độ kiếm tiền, là hành trình kiếm tiền và bắt đầu chuyển hướng sang những điều người xem thích. Youtber không cần phải có trình độ chuyên môn mới có thể làm. Chính vì việc một học sinh cấp 2, người làm văn phòng hay người lao động chân tay… đều có thể trở thành Youtuber dẫn đến những câu chuyện dở khóc dở cười.
Thử thách vào nghĩa địa lấy đồ cúng, 24 giờ sống trong quan tài hay đổ 200 quả trứng lên đầu mẹ… là cách những Youtuber Việt đang làm video để câu view. Đa phần, những video này đều chứa đựng nội dung phản cảm, bạo lực gây bức xúc trong dư luận xã hội.
Sẽ rất nguy hiểm khi nhiều bạn trẻ đang có tư duy làm video với nội dung gây sốc để được nổi tiếng. Điều đáng nói, chính những nội dung độc hại này lại đang thu hút lượng xem rất lớn. Mới đây, Tiến Lắp Vlogs, Youtuber này đã đổ 200 quả trứng lên đầu mẹ mình từ ban công để ăn mừng kênh nhận được 20.000 lượt đăng ký đã tạo ra làn sóng vô cùng phẫn nộ từ cộng đồng mạng. Hành vi của Youtuber này bị lên án là lố lăng, phản cảm và vô cùng hỗn láo.
Hiện nay chính sách chi trả của Youtube được cho chính là nguyên nhân gây nên tình trạng này. Khi những video có lượt xem càng cao cũng đồng nghĩ với việc số lượt click vào quảng cáo cũng tăng theo, sô tiền kiếm được từ đó cũng không hề nhỏ. Chính điều này đã khiến nhiều bạn trẻ làm video bất chấp những tiêu chuẩn về đạo đức, miễn là kênh của mình thu hút được nhiều lượt xem.
Bên cạnh đó, theo báo cáo của Youtube gửi Bộ Thông tin - Truyền thông, hiện có rất nhiều nội dung vi phạm đến từ Việt Nam, chủ yếu do các nhà sáng tạo nội dung của Việt Nam làm ra. Sai phạm chủ yếu là: nội dung gợi dục, kích động bạo lực, giang hồ mạng, nội dung cổ vũ cờ bạc, chơi ma túy, nội dung gây hại cho trẻ em, nội dung sử dụng nhạc, hình ảnh vi phảm bản quyền.
Cần siết chặt cơ chế quản lý
Thực tế cho thấy mặc dù Youtube đã có những động thái mạnh tay nhằm siết chặt việc quản lý nội dung trên các nền tảng của mình nhưng với khoảng 100.000 video được đăng tải mỗi ngày, sự kiểm soát là bất khả.
Hiện Youtube đang trực tiếp quản lý 130.000 kênh tiếng việt, trong đó có 55.000 video có nội dung xấu, vi phạm pháp luật. Mặc dù đại diện Google cũng khẳng định đã tăng cường công tác quản lý và gỡ bỏ hàng nghìn video có nội dung không lành mạnh nhưng không thể phủ nhận những video dạng này vẫn xuất hiện nhan nhản. Những nhà quản lý cũng thừa nhận rằng không có một công cụ công nghệ nào có thể quét hết những nội dung xấu trên website của họ.
Mức xử phạt hiện nay đối với đăng tải các hành vi vi phạm thuần phong mỹ tục ở nước ta chỉ khoảng 20.000.000 đồng. Hiện tại Bộ Thông tin - Truyền thông đang triển khai các biện pháp như chặn nguồn thu của những người sản xuất clip độc hại. Bộ đã làm việc với Ngân hàng Nhà nước, thống nhất chủ trương sẽ quản lý chặt dòng tiền chi trả cho nền tảng xuyên biên giới, hoạt động thanh toán liên quan đến các hoạt động bất hợp pháp.
Bộ Thông tin - Truyền thông cũng sẽ yêu cầu Youtube định danh các kênh Youtube tiếng Việt. Chỉ kênh được định danh và không đăng tải nội dung vi phạm pháp luật mới có thể xem xét chia sẻ tiền quảng cáo. Đối với kênh đã vi phạm thì không được chia sẻ tiền quảng cáo.
Đan Thùy