Những ai kiến nghị Đà Nẵng không đặt tên đường 'ông tổ' chữ Quốc ngữ?
Câu chuyện văn hóa - Ngày đăng : 22:36, 27/11/2019
Danh sách 12 người ký tên vào bản kiến nghị gởi lãnh đạo thành phố Đà Nẵng đề nghị không đặt tên đường 2 "ông tổ" chữ Quốc ngữ là Alexandre de Rhodes và Francisco De Pina gồm:
- PGS. TS. Lê Cung, đến từ Khoa Lịch sử Trường Đại học Sư phạm Huế.
- Nhà Nghiên cứu lịch sử và văn hoá Nguyễn Đắc Xuân.
- PGS. TS. Trần Thuận, nguyên Phó Trưởng khoa, khoa Lịch sử, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP. Hồ Chí Minh.
- PGS. TS. Phạm Quốc Sử, Trưởng khoa lịch sử, Trường Đại học Thủ đô, Hà Nội.
- PGS. TS. Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng khoa Khoa Lý luận chính trị, trường Đại học Khoa học Huế.
- PGS. TS. Trương Công Huỳnh Kỳ, nguyên Trưởng khoa Lịch sử, Trường Đại học Sư phạm Huế.
- TS. Phan Văn Hoàng, Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh.
- Nhà Nghiên cứu Văn học dân gian: Trần Hoàng, Nhà giáo Ưu tú, nguyên Phó Trưởng khoa Văn, Trường Đại học Sư phạm Huế.
- Ths. Hà Văn Lưỡng, nguyên Trưởng Khoa Văn, Trưởng Đại học Khoa học Huế.
- Nhạc sĩ Chúc Linh ở TP.HCM.
- PGS.TS. Nguyễn Tất Thắng, Chủ nhiệm Bộ môn Lịch sử Việt Nam, Khoa Lịch sử, Trường Đại học Sư phạm Huế.
- TS. Nguyễn Thị Thanh Huyền, Giảng viên chính, khoa Lý luận chính trị, trường Đại học Khoa học Huế.
Như PV đã thông tin, nhóm 12 người này cho rằng dưới thời Pháp thuộc, thực dân Pháp muốn người dân thuộc địa biết ơn mẫu quốc đã có công “khai hóa”, nên tôn vinh Alexandre de Rhodes là người sáng tác chữ quốc ngữ.
Sau ngày bại trận ở Điện Biên Phủ (7.5.1954), thực dân Pháp về nước, nhiều nhà nghiên cứu, trong đó có cả những linh mục, đã chứng minh Alexandre de Rhodes không phải là người sáng tác chữ quốc ngữ.
Lại nữa, Alexandre de Rhodes viết cuốn "Phép giảng tám ngày" bằng tiếng Việt nhằm mục đích truyền đạo Thiên Chúa giáo (Công giáo). Nhưng bên cạnh đó, ông đã sử dụng nhiều câu chữ thô bạo để công kích Tam giáo ở Việt Nam (Khổng giáo, Lão giáo và Phật giáo).
Đặc biệt, Alexandre de Rhodes là người có ý định xin vua Louis XIV của Pháp cung cấp binh lính để chinh phục phương Đông.
Chính vì thấy những ý định không tốt của A. de Rhodes (chống đối truyền thống thờ cúng tổ tiên của dân tộc, chia rẽ tinh thần đoàn kết giữa đồng bào lương và giáo, âm mưu dẫn quân viễn chinh Pháp tới xâm lược nước ta…) nên cả chúa Nguyễn ở Đàng Trong lẫn chúa Trịnh ở Đàng Ngoài đều đã trục xuất A. de Rhodes, không cho ông cư trú và hoạt động ở Việt Nam.
Vì những lẽ trên, ở miền Bắc sau 1954 và ở miền Nam sau 1975, các đường phố, trường học,… mang tên A. de Rhodes (do thực dân Pháp hay chính quyền Việt Nam Công hòa đặt) đều bị xóa. Gần đây, một số người lặp lại luận điệu sai trái của thực dân trước đây để đòi phục hồi tên của A. de Rhodes, nhằm những ý đồ chính trị hay tôn giáo của họ.
Nhóm 12 người này khẳng định: “A. de Rhodes không phải là người sáng chế ra chữ quốc ngữ,..”. Trái lại đối với dân tộc Việt Nam, Rhodes là kẻ có tội thì làm sao vinh danh, đặt tên đường được. Quan điểm của các sử gia Việt Nam là quá rõ: “Sau hàng thế kỷ trường kỳ mai phục bằng hội Truyền Giáo đối ngoại, tới đây tư bản Pháp đã nắm được thời cơ can thiệp thẳng vào Việt Nam.
Đó là cái mà các sử gia triều đình phong kiến thực dân gọi là “công nghiệp” của Pi-nhô đờ Bê-hen (Pigneau de Béhaine), người được Lu-i XVI phong tước công và cử làm đại sứ đặc mệnh toàn quyền bên cạnh Nguyễn Ánh và được Nguyễn Ánh tôn lên làm “cha cả” với chức thái phó tước quận công. Nhưng vai trò Bá Đa Lộc vốn chỉ là kẻ trực tiếp khiến cho tư bản Pháp nắm được Nguyễn Ánh, còn yếu tố quyết định đầu tiên là cả một quá trình hoạt động không biết mệt mỏi của hội Truyền Giáo đối ngoại nằm trong tay thế lực tư bản Pháp, vốn do Rốt sáng lập”.
Tuy nhiên, theo ông Huỳnh Văn Hùng, Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao thành phố Đà Nẵng, Phó Chủ tịch Hội đồng đặt tên đường Đà Nẵng thì những nhận định của PSG.TS Lê Cung và nhóm kiến nghị là "áp đặt, gán ghép, chưa thuyết phục. Lấy ví dụ Linh mục Alexandre de Rhodes có mặt ở Việt Nam từ thế kỷ thứ 17, trong khi thực dân Pháp xâm lược nước ta tận đầu thế kỷ 19, tức hơn 250 năm sau. Bây giờ gán ghép hai sự kiện đó lại với nhau là khiêm cưỡng".
Cũng theo ông Huỳnh Văn Hùng, quá trình hình thành chữ quốc ngữ là công trình tập thể. Tuy nhiên công trạng của hai nhà truyền giáo nói trên đối với vai trò tạo ra từ điển để hình thành loại chữ này thì không ai phủ nhận được. Đặc biệt là mới đây, hai cuộc hội thảo lớn được tổ chức tại Bình Định và Quảng Nam đã nêu bật công lao này.
Theo Hoàng Văn Minh/Lao động