Chuyện nhỏ Vinamilk, Co.opMart và…
Câu chuyện văn hóa - Ngày đăng : 14:13, 21/12/2019
Cuộc sống thật đa dạng. Nếu có những chuyện lớn thu hút đám đông như vụ xử Son Tuấn, như ông bí thư Hà thành bị kỷ luật… thì cũng đầy chuyện vừa và nhỏ. Nhỏ hay lớn chỉ mang tính tương đối. Bị người yêu bỏ chẳng hạn, với người ngoài là nhỏ, nhưng với kẻ trong cuộc lại quá khủng khiếp. Chuyện “nhỏ” mà tôi biên ra đây cũng là dạng vậy, nhỏ mà không nhỏ.
Tôi hay bị nội tướng sai đi chợ. Nhanh nhảu được việc cũng có cái thiệt. Nghị Quế trong truyện Tắt đèn than rằng biết cái gì khổ cái ấy. Hôm thì ra chợ Nhị Thiên Đường quận 8 mua rau mua bún, tiện ghé chơi với anh Hùng bán đưa đầu chợ mau mồm mau miệng, hôm thì vào siêu thị. Cứ tiện đường, gặp siêu thị nào gần thì rẽ vào. Nhiều nhất là Co.opMart. Tiện lợi, thứ gì cũng có, thiếu điều chỉ chưa có máy bay, xe tăng, súng AK. Hàng hóa là một chuyện, nhưng khoái nhất là cái, tôi gọi là văn hóa Co.opMart. Chả biết ban lãnh đạo đã chỉ dạy, huấn luyện, nhắc nhở kỹ lưỡng thế nào nhưng nhân viên của hệ thống siêu thị này cực kỳ văn hóa, lễ độ, tử tế. Họ ăn nói nhã nhặn, cử chỉ lễ phép, hướng dẫn tận tình cho khách. Nhận cái thẻ mua hàng, nhận tiền do khách trả, hoặc trả lại thẻ, trả lại tiền… đều hết sức đáng yêu. Không chỉ lời nói, mà cử chỉ cũng vậy. Giao dịch với khách, một tay đưa ra, còn tay kia thu lại thành hình chữ A, thấy sao mà tử tế thế. Cả nhân viên giữ xe cũng nhất quán vậy. Văn hóa của Co.opMart phải nói là tuyệt vời.
Không chỉ Co.op. Hôm qua, tôi tới cửa hàng chuyên sữa của Công ty Sữa Việt Nam - Vinamilk, mua cho bà xã thứ mà bả uống mấy năm nay, sữa Canxi Pro “trị” loãng xương. Rất hiệu nghiệm. Tôi có lần nói đùa với anh Tuấn, Trưởng phòng truyền thông của Vinamilk, rằng công ty phải trao cho tôi cái huy hiệu danh dự khách hàng thân thiết mới đúng. Hàng chất lượng của đại gia sữa số 1 xứ này, tôi không bàn bởi dễ bị hiểu lầm là pi a pi iếc. Chỉ muốn nói tới cái gọi là văn hóa trong mua bán.
Cửa hàng “Vươn cao Việt Nam” ấy nằm trên đường Phù Đổng Thiên Vương, quận 5. Có nhẽ đây là con đường ngắn nhất Sài Gòn, chỉ có một đoạn ngắn chạy từ đường Nguyễn Trãi tới đường An Dương Vương, vài chục số nhà, còn ngắn hơn cả đường Phan Bội Châu gần chợ Bến Thành. Ai mà tỉ mẩn sưu tầm kỷ lục, nên tới ghi nhận kỷ lục phố ngắn này. Nhân tiện có hàng mới về, lại nghĩ sự lười đi, tôi mua liền 2 hộp cho gọn. Trả tiền xong cứ nhanh nhảu ton tót xách hàng định ra xe về. Cô gái nhân viên cửa hàng Vinamilk gọi lại, chú ơi, còn nữa chú. Cô khệ nệ bê ra hai hộp sữa tươi loại 1 lít, rồi lại quành vào trong đem ra một khay phô mai đóng hộp, bảo đây là hàng của công ty khuyến mãi cho khách hàng, dịp cuối năm nên nhiều hơn mọi lần. Cháu xin lỗi bởi không báo ngay cho chú. Hàng này là quyền lợi của khách, chúng cháu phải trao đầy đủ. Và cô đã ân cần trao tận tay khách hàng, không quên nụ cười và lời cảm ơn khách.
Tôi thực sự cảm động. Nếu tôi không biết, không lấy hàng, công ty cũng chả biết, người bán sẽ được hưởng. Nhưng nếp văn hóa của nhà sản xuất, cụ thể là Vinamilk, đã tạo nên những con người đẹp, ý thức đẹp, hành động đẹp. Người tiêu dùng gắn bó với một thương hiệu, một doanh nghiệp, một nhà sản xuất nào đấy không phải chỉ bởi hàng hóa mà còn bởi cả những “chuyện nhỏ” như thế này.
Tôi thầm biết ơn Vinamilk, Co.opMart nhưng cũng chạnh buồn nhớ lại cách nay chưa lâu ghé siêu thị BiC cực nổi tiếng ở Hải Phòng hôm về quê. Có nhẽ các nhân viên bán hàng quá sòng phẳng việc mình mình làm, việc khách khách làm nên cứ… kệ khách. Tôi trả tiền, họ trả lại tiền thừa, thay vì đưa cho khách, cứ bỏ toẹt xuống bàn, khách tự lui cui nhặt lấy. Chán nhất là tôi đưa thẻ mua hàng, các bạn ấy quẹt kiểm tra xong, lẽ ra trả lại luôn cho khách, thì bỏ vứt trên kệ. Tôi lấn bấn xếp hàng, lấy hàng, trả tiền, về quên luôn. Họ cũng chả kiểm tra thông tin trên thẻ, chả gọi để mình tới nhận lại. Nhà xa mấy chục cây số, hôm sau chẳng mua gì cũng phải chạy xe tới xin lại cái thẻ. Giá như họ có được thứ đặc sản Vinamilk, Co.opMart thì mình vui vẻ, đỡ được bao công sức.
Nguyễn Thông